Vĩnh biệt bác Sáu Bình!
Xưa, Đỗ Phủ nói người được 70 tuổi là hiếm. Nay ở Việt Nam ta, rất nhiều cụ đã vượt ngưỡng tuổi đó, hưởng thọ 80 tuổi, 90 tuổi và 100 tuổi. Câu chúc “bách niên, giai lão” đã đi vào hiện thực đời sống xã hội ta.
Được tin bác Nguyễn Công Bình (thường gọi là bác Sáu Bình) trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5 giờ ngày 22-6-2014, hưởng thọ 92 tuổi, nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Không đột ngột, vì bác Sáu bệnh, yếu nay khá lâu, gần đây phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, nhưng khi nghe tin bác Sáu mất đi, tôi rất bàng hoàng và đau xót, vì bác Sáu mất đi, Đảng ta mất một đảng viên, một cán bộ trung kiên có nhiều thành tích đóng góp cho cách mạng hơn 60 năm qua.
Bác Sáu Nguyễn Công Bình sinh năm 1922, tại ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sống trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em, không có điều kiện đi học nhiều. Tuổi còn trẻ, nhưng lòng căm thù thực dân, phong kiến, bọn địa chủ cường hào càng nung nấu, nên sớm giác ngộ và tham gia cách mạng.
Khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra năm 1940, bác Sáu tham gia phong trào khởi nghĩa cướp chính quyền ở cơ sở. Đến năm 1947, bác Sáu được kết nạp vào Đảng, năm 1949 được bầu làm Bí thư chi bộ xã Bình Phú, tiếp tục kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
Thực hiện Hiệp định Geneve năm 1954, bác Sáu được phân công ở lại cơ sở tiếp tục cuộc chiến đấu mới đầy gian khổ, hy sinh. Đến năm 1960 được bổ sung vào Huyện ủy Cai Lậy, tiếp tục tham gia phong trào “Đồng khởi” diệt tề, trừ gian, phá thế kềm kẹp của địch, giải phóng xã, ấp ở huyện nhà.
Trong cuộc sống, chiến đấu những năm hòa bình và lúc nổi dậy “Đồng khởi” năm 1960 có lúc phải chịu đựng gian khổ và hy sinh, có lúc phải đối mặt với kẻ thù trong gang tấc, sống - chết diễn ra như điện chớp, nhưng bác Sáu vẫn lạc quan cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng, dũng cảm trong chiến đấu, bình tĩnh vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, góp phần giành thắng lợi cho cách mạng.
Đến năm 1962, bác Sáu được cử đi học lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, sau đó được điều về công tác ở Ban An ninh Khu Trung Nam bộ (Khu 8); đến năm 1966 được phân công về tỉnh, làm Trưởng Ban An ninh tỉnh Mỹ Tho. Công tác đến năm 1969 được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho.
Với nhiệm vụ công tác chính quyền là việc làm mới, thực hiện quản lý Nhà nước trong hoàn cảnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại càng mới mẻ và khó khăn hơn, bác Sáu cùng với Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh nghiên cứu đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, đóng đảm phụ nuôi quân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở vùng giải phóng… góp phần đưa phong trào cách mạng của tỉnh nhà giành nhiều thắng lợi mới.
Đến năm 1972, bác Sáu được điều về làm Phó Ban An ninh Khu Trung Nam bộ (Khu 8) và đến tháng 4-1974 được phân công về tỉnh, làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, cùng với Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân kháng chiến, giải phóng quê hương vào ngày 30-4-1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương hợp nhất 3 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và TP. Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang, bác Sáu được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, cùng với Đảng bộ lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất, bác Sáu được bầu làm đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam suốt Khóa VI và Khóa VII. Với nhiệm vụ mới, bác Sáu tiếp tục công tác đến năm 1987, khi tròn 65 tuổi đời, bác mới được nghỉ hưu.
Mặc dù tuổi cao, sức khỏe có giảm, nhưng tinh thần cách mạng vẫn còn sôi nổi, nên bác vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về công tác khen thưởng cho những người có công với cách mạng.
Bác Sáu đã tập trung sức cùng Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tiến hành tổng kết thành tích trong 2 năm 1988 - 1989 và đề nghị về Trung ương quyết định khen thưởng cho hơn 30 ngàn người có công với cách mạng, gồm các loại Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là một kết quả có ý nghĩa lớn về chính trị trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 1988, khi có chỉ đạo của Trung ương về xây dựng Hội Luật gia cấp tỉnh, huyện và cơ sở, bác Sáu là người đầu tiên tích cực tham gia vận động thành lập Hội Luật gia. Bác Sáu được cử làm Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời, được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia khóa I và khóa II tỉnh Tiền Giang.
Đến năm 2000, Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Luật gia tỉnh, bác Sáu xin thôi nhiệm vụ lãnh đạo và được đại hội bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Luật gia tỉnh. Mặc dù tuổi càng cao sức khỏe giảm, nhưng bác vẫn chưa nghỉ, tiếp tục công tác Hội Luật gia tỉnh nhà.
Tuổi đời, tuổi Đảng của bác Sáu dù cao, song mỗi khi bàn việc cách mạng bác luôn lắng nghe và thảo luận sôi nổi, sẵn sàng tham gia các công việc. Bác tâm sự: Mình là đảng viên thì phải phấn đấu suốt đời để phục vụ cho cách mạng, phục vụ cho nhân dân. Mặc dù đất nước có hòa bình, nhưng đời sống của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, vì vậy mình còn khỏe phải tiếp tục làm việc để góp phần xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Nay bác Sáu đã đi xa, để lại tấm gương sáng của người cán bộ lão thành cách mạng, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để hoàn thành công việc và mong ước của bác để lại. Vĩnh biệt bác Sáu Bình!
TRẦN THANH HẢI