Chủ động đổi mới công tác tuyên truyền trong tình hình mới
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo, trong những năm qua, công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cấp ủy Đảng các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên. Ngoài việc ban hành quy chế và kế hoạch hoạt động, cấp ủy còn quan tâm quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin và điều phối hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên thông qua hệ thống Tuyên giáo các cấp; thường xuyên cung cấp thông tin thông qua hội nghị báo cáo viên định kỳ, giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có điều kiện nâng cao năng lực hoạt động, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền.
Trong nhiệm kỳ Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phân công 48 báo cáo viên cấp tỉnh; báo cáo viên do cấp ủy huyện và tương đương phân công là 340 đồng chí; tuyên truyền viên do cấp ủy xã, phường, thị trấn phân công là 2.792 đồng chí.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hầu hết đều có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy phân công; đã đáp ứng nhanh, kịp thời và đầy đủ việc cung cấp thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tình hình thời sự trong nước và thế giới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Công tác tuyên truyền đã thể hiện vai trò quan trọng, vị trí tiên phong trong việc cung cấp và định hướng thông tin trước những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất thời gian gần đây là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Để đảm bảo sự ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tăng cường phổ biến, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ bản chất của sự việc; khẳng định những chủ trương, biện pháp đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị tác động bởi những phần tử xấu, cơ hội, thù địch kích động làm phức tạp thêm tình hình; kêu gọi mọi người biểu thị lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, không vi phạm pháp luật và đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ngoài lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, thời gian qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đã bám sát chủ trương của Đảng, định hướng của ngành Tuyên giáo, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, thông tin kịp thời những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm;
Nêu gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là phản ánh khá toàn diện các phong trào thi đua yêu nước, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... góp phần quan trọng hình thành niềm tin, ý thức tự giác, cổ vũ tính tích cực hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào hành động cách mạng của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu dư luận xã hội của tỉnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở; duy trì họp giao ban dư luận xã hội định kỳ hàng tháng, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đã tiếp nhận nhiều thông tin từ cơ sở cung cấp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự;
Đồng thời chuyển các thắc mắc, kiến nghị của cán bộ và nhân dân đến các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan xem xét, tổ chức kiểm tra, thẩm định, kết luận và thông tin phản hồi, góp phần thực hiện quyền được thông tin của công chúng đối với những vấn đề có liên quan đến đời sống, sản xuất, giải tỏa phần nào những bức xúc của dư luận xã hội.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền hiện nay vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nội dung tuyên truyền chưa phong phú, hình thức tuyên truyền thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, Internet.
Năng lực tổng hợp, dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa cao. Công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa còn thụ động, thiếu sắc bén. Tuyên truyền điển hình, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt chưa đủ sức mạnh lôi cuốn, cổ vũ quần chúng.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên truyền đòi hỏi phải có sự đổi mới thực sự cả về nội dung, cách thức theo hướng chủ động, kịp thời, nhạy bén, sâu sắc, toàn diện, hiệu quả hơn; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ làm công tác báo chí, làm công tác nắm bắt dư luận xã hội; và trên hết, đòi hỏi phải có sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền.
Mặt khác, cần chú trọng đổi mới phương pháp tiếp cận, tăng cường đối thoại, trao đổi, tranh luận, đây là một trong những đặc trưng quan trọng nhất, nhằm khắc phục tình trạng độc thoại truyền thống trong công tác tuyên truyền…
Mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền cần phải nghiên cứu và nắm vững cơ sở khoa học đối với vấn đề mình trình bày, tránh tình trạng chủ quan, áp đặt; quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền bắt đầu từ việc nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những vấn đề nhạy cảm mà cuộc sống đòi hỏi phải trả lời; nói ngắn, viết ngắn, thông tin nhanh, đi vào những nội dung trọng tâm, cốt lõi…
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, thiết nghĩ người làm công tác tuyên truyền cần chủ động nắm vững lĩnh vực công nghệ thông tin, Internet…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp hiện đại trong công tác tuyên truyền; chủ động chọn lọc, xử lý thông tin, đảm bảo nguồn thông tin chính thống, thông tin có định hướng, tránh rơi vào “cái bẫy” của các thế lực thù địch, phản động.
PHẠM PHONG