Thứ Tư, 16/07/2014, 13:41 (GMT+7)
.

Kỳ họp thứ 11-HĐND tỉnh: Tập trung tháo gỡ nhiều bức xúc của cử tri

Tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Khóa VIII đã diễn ra các phiên thảo luận, trả lời chất vấn sôi nổi, trách nhiệm cao nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nổi bật là những vấn đề mà nhiều cử tri phản ánh trong thời gian qua như: Tình trạng nước biển xâm thực vào đất liền gây sạt lở; tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý tại các khu, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; việc khai thác cát trái phép trên sông Tiền...

Về tình trạng nước biển xâm thực vào đất liền gây sạt lở trên tuyến đê 2 xã Tân Thành, Tân Điền của huyện Gò Công Đông và ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nhiều  giải pháp phòng, chống, cụ thể: UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tổ chức triển khai thực hiện công trình nâng cấp đê biển với tổng kinh phí thực hiện 887,17 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ, tuy nhiên đến nay Trung ương chỉ mới hỗ trợ 115,802 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục bổ sung vốn để tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại của dự án nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và phát huy hết hiệu quả công trình.

Song song đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT lập Dự án Công trình “Giảm sóng, chống xói lở, gây bồi bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển thuộc huyện Gò Công Đông” với chiều dài khoảng 17 km, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện tại, Sở NN&PTNT đã triển khai lập xong hồ sơ dự án trên và các ngành đang thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 60 tỷ đồng. Khi dự án được duyệt, dự kiến sẽ tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn “Biến đổi khí hậu”.

Về tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý tại các khu, cụm công nghiệp, UBND tỉnh cho biết: Đối với Khu công nghiệp Mỹ Tho, hiện các doanh nghiệp (DN) đều lập hồ sơ môi trường, đã đầu tư công trình xử lý nước thải, thực hiện đấu nối xả thải theo đúng quy định.

KCN Mỹ Tho đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.500 m3/ngày đêm, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các DN thứ cấp trong KCN đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT khi thải ra sông Tiền. Vấn đề nước thải phát sinh từ hoạt động của KCN Mỹ Tho đã được giải quyết.

Tuy nhiên, do đặc thù DN tại KCN Mỹ Tho thuộc ngành Chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản nên trong quá trình hoạt động có phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trong thời gian qua, tuy các DN đã cố gắng khắc phục nhưng chưa triệt để.

Về lâu dài, UBND tỉnh chủ trương xây dựng lộ trình di dời các DN chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản gây ô nhiễm ra khỏi khu vực KCN Mỹ Tho và khu vực đông dân cư.

Đối với Cụm CN&TTCN Tân Mỹ Chánh, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: Giao UBND TP. Mỹ Tho chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện nạo vét các tuyến kinh xung quanh Cụm CN&TTCN Tân Mỹ Chánh.

Đến nay, UBND TP. Mỹ Tho thực hiện xong, đã khơi thông được toàn tuyến kinh Nam Vang và kinh Nổi, góp phần giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ở kinh Nam Vang.

Mặt khác, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và cấp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh đã yêu cầu các DN chế biến, sơ chế nông, thủy, hải sản phải xử lý nước thải phát sinh tại nhà máy đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp chế biến thủy sản; đồng thời giao Sở Tài Nguyên và Môi trường, Công an tỉnh tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các DN trong và ngoài Cụm CN&TTCN Tân Mỹ Chánh, xử lý các vi phạm đúng quy định.

Về việc khai thác cát trái phép trên sông Tiền chưa được ngăn chặn triệt để, tại kỳ họp, UBND tỉnh cùng ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như sau: Thời gian tới, UBND tỉnh không cấp giấy phép khai thác mới cho DN nào khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh.

Đối với một số DN còn thời hạn khai thác theo giấy phép đã cấp, khi hết thời hạn khai thác, UBND tỉnh sẽ xem xét đóng cửa một số mỏ; đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, UBND các cấp tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm các phương tiện khai thác cát sông trái phép trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 04/2011/CT-UBND ngày 31-3-2011 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

Về việc chưa thực hiện nghiêm Quyết định 19/2013/QĐ-UBND ngày 4-6-2013 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới UBND tỉnh và UBND cấp huyện phối hợp với các ngành chức năng tiến hành quy hoạch địa điểm chăn nuôi, giết mổ và ấp trứng gia cầm.

Trường hợp hoạt động chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm nằm trong quy hoạch thì phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, môi trường sinh thái và điều kiện vệ sinh thú y; nếu không nằm trong quy hoạch thì phải xây dựng lộ trình di dời đến vùng quy hoạch hoặc chuyển đổi nghề nhằm ổn định cuộc sống…

Cũng tại kỳ họp này, UBND tỉnh cùng các ngành hữu quan còn trả lời một số thắc mắc khác của cử tri và đại biểu như: Kết quả thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa ở những vùng quy hoạch chuyển đổi đã được Chính phủ phê duyệt; nợ đọng quỹ BHXH tỉnh…

Theo HĐND tỉnh, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và đã đề ra những giải pháp chủ yếu để giải quyết từng vấn đề cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao...

HOÀI THU

.
.
.