Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong bối cảnh mới
Để thực hiện và phát huy tốt vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong xây dựng chế độ chính trị của nước ta, thiết nghĩ cần coi trọng thực hiện những vấn đề sau:
Thứ nhất, phân định rõ chức năng và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Đó là vấn đề mấu chốt của đổi mới hệ thống chính trị và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân…”.
Theo đó, tính liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức nêu trên đã làm cho MTTQ trở thành ngôi nhà chung - ngôi nhà đại đoàn kết, trong đó Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là 1 tổ chức thành viên của MTTQ.
Vì thế, các cấp ủy đảng phải luôn quan tâm thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình đối với Ủy ban MTTQ cùng cấp, nhưng cũng vừa thể hiện rõ mình là đại diện tổ chức thành viên MTTQ, có trách nhiệm phân công cán bộ, đảng viên tham gia công tác MTTQ, chỉ đạo chính quyền đảm bảo cơ chế và tạo thuận lợi về phương tiện, cơ sở vật chất, kinh phí để MTTQ hoạt động có hiệu quả.
Mặt khác, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn được Đảng quy định về trách nhiệm giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước.
Cho nên, MTTQ và các đoàn thể thành viên phải hoạt động phù hợp với mục tiêu chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng quy chế của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước khi tiến hành công tác giám sát.
Trên cơ sở thực hiện chức năng được giao, MTTQ và các đoàn thể thành viên tiến hành các hoạt động tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp các giai cấp, các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy và phát huy các nguồn lực xã hội của nhân dân nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
MTTQ còn có vai trò nòng cốt chính trị trong việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đấu tranh loại bỏ quan liêu, tham nhũng… Qua đó, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Thứ hai, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của MTTQ và các đoàn thể thành viên đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu thiết thực nhất trong xây dựng các chương trình công tác của MTTQ và các đoàn thể thành viên.
Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã chỉ rõ: “Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh…”.
Nhân dân có nhiều nhu cầu lợi ích, nhưng Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể thành viên chỉ có thể coi trọng giải quyết các nhu cầu lợi ích chính đáng, hợp pháp trên tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Việc giải quyết nhu cầu lợi ích ấy phải được thực hiện một cách hài hòa, chú ý lợi ích trực tiếp, thiết thân của người dân; tổng hòa các mối quan hệ lợi ích ấy phải phù hợp yêu cầu phát triển chung, đảm bảo ổn định và phát triển xã hội
Thứ ba, sự nghiệp cách mạng của nhân dân là sự nghiệp sáng tạo. Do đó, tính chất hoạt động của MTTQ và các đoàn thể thành viên đòi hỏi phải phát triển đa dạng, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức.
Thời gian qua, phương châm “hướng về cơ sở” đã làm cho các phong trào hành động cách mạng của MTTQ và các đoàn thể được cơ sở hưởng ứng mạnh mẽ, nhân dân ủng hộ cao và thực hiện có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, do thực tiễn đời sống xã hội biến đổi không ngừng, công tác Mặt trận, đoàn thể cũng phải không ngừng sáng tạo.
Thứ tư, cần khắc phục quan niệm coi nhẹ vai trò của MTTQ và các đoàn thể. Đó là biện pháp thể hiện rõ quan điểm cách mạng toàn diện trong xây dựng hệ thống chính trị và làm công tác dân vận của Đảng. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng về vị trí, vai trò của MTTQ và các đoàn thể thành viên phải được thể chế hóa thành quy định, tạo nên môi trường pháp lý của xã hội.
Tính chất hoạt động, mô hình tổ chức của MTTQ và các đoàn thể thành viên phải phát huy được tính tích cực, sáng tạo, linh hoạt nhưng phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Tuyệt đối hóa một mặt nào cũng là cực đoan và sớm muộn sẽ dẫn đến sai lầm, gây hậu quả xấu cho xã hội.
Trong Hiến pháp năm 2013 đã xác định “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, mọi hoạt động của MTTQ đều hướng đến vừa phát huy dân chủ, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa tham gia củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. Mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau khi được Đảng, Nhà nước xác định thì MTTQ các cấp phải quán triệt, hiện thực hóa thành chương trình hành động, các cuộc vận động, các phong trào cách mạng cụ thể, thiết thực trong đời sống xã hội.
Thứ năm, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc là quan điểm bao trùm khi xác định tính chất, vị trí, vai trò, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể thành viên trong hệ thống chính trị, nhất là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đoàn kết góp thành lực lượng. Đoàn kết trong tổ chức, trong phong trào cách mạng của quần chúng, ngay cả trong khi thực hiện một khẩu hiệu cách mạng”.
Chính vì thế, Ủy ban MTTQ từ Trung ương đến cơ sở phải luôn tập trung các giải pháp để xây dựng và phát huy tính hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của mình, huy động đông đảo các thành phần, các lực lượng xã hội, nhất là củng cố, phát huy vai trò các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cá nhân là ủy viên Ủy ban MTTQ cấp mình nhằm tổ chức thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cần chủ động xác định trọng tâm và các giải pháp chủ yếu để khơi dậy mạnh mẽ khả năng, nguồn lực xã hội để tổ chức thực hiện thắng lợi các phong trào, cuộc vận động lớn mà MTTQ đã đề ra.
BÙI THÁI SƠN
(Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)