Thứ Sáu, 29/08/2014, 15:04 (GMT+7)
.
Hướng đến kỷ niệm 69 năm Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2014):

"Tiến quân ca" ra đời cùng mùa Thu lịch sử

“Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca / Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/Tiến lên, cùng tiến lên/  Nước non Việt Nam ta vững bền”.

“Tiến quân ca” - một sáng tác để đời của Nhạc sĩ Văn Cao, là bài hát thiêng liêng của Tổ quốc, là tiếng nhạc của đất nước ngân vang trong những thời khắc lịch sử, là niềm vui bất tận trong những chiến thắng rợp cờ sao, là cảm hứng dâng trào khi chúng ta đặt tay lên trái tim và hát “Tiến lên, cùng tiến lên…”.

Có thể nói, Văn Cao là một người nghệ sĩ đa tài, thử sức trên mọi lĩnh vực: Truyện, thơ, tranh vẽ…, nhưng người ta vẫn biết đến nhiều hơn về ông với tư cách là một nhạc sĩ rất mực tài hoa. Trước khi sáng tác Tiến quân ca, Vǎn Cao đã từng viết các bài hát yêu nước như Đống Đa, Thǎng Long hành khúc ca…

Được giác ngộ cách mạng, ông chú tâm sáng tác nhiều bài hát để động viên nhân dân đấu tranh. Tiến quân ca được ông viết cuối nǎm 1944 tại cǎn gác nhà số 45, phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Đó cũng là thời kỳ tiền khởi nghĩa, khí thế cách mạng rất sôi sục, tin chiến thắng Võ Nhai lan truyền về Hà Nội khiến các tầng lớp đồng bào đều phấn chấn.

Sau này, Nhạc sĩ Vǎn Cao đã nhớ lại: “Trước mắt tôi, mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và nhiều hy vọng. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy và biết họ hát như thế nào. Khi viết, tôi chỉ nghĩ làm sao đáp ứng nhu cầu quần chúng, làm sao để họ dễ thuộc, dễ nhớ…”.

Nhà văn - Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam, cả 2 bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng. Bài hát Tiến quân ca của Văn Cao là Quốc ca của nước ta đã ra đời như thế, trong thời đại lịch sử đánh dấu một “buổi bình minh mới” của dân tộc, đất nước.

Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17-8-1945, một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát lớn, dàn đồng ca của thiếu niên tiền phong hát Tiến quân ca, chào cờ đỏ sao vàng, hàng ngàn người hòa nhịp cất cao tiếng hát. Nhạc sĩ Vǎn Cao nhớ rằng, ông đã khóc khi thấy một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn được thả từ trên bao lơn Nhà hát xuống trong khi bài hát Tiến quân ca vang lên.

Chung quanh ông, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Và cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19-8-1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2-9-1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

H.L (tổng hợp)

.
.
.