Trương Định anh hùng chống Pháp ở Gò Công
Trương Định - người con ưu tú của dân tộc, đã gắn cuộc đời và sự nghiệp cứu nước của mình với vùng đất Gò Công. Ông cùng với nghĩa quân viết nên những trang sử vẻ vang ở Nam kỳ trong những năm đầu chống quân Pháp xâm lược. 150 năm trước (năm 1864), người anh hùng ấy đã nằm xuống trên mảnh đất Gò Công, để lại cho nhân dân miền lục tỉnh nói chung, nhân dân Tiền Giang nói riêng niềm tiếc thương và kính yêu vô hạn.
Khi thực dân Pháp tiến công Đà Nẵng (tháng 9-1858), rồi thành Gia Định (tháng 2-1859) và sau đó đánh chiếm các tỉnh Nam kỳ, trong đó có tỉnh Định Tường, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy khắp nơi để chống lại kẻ thù xâm lược. Nhiều vùng đất của nước Việt Nam thân yêu lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp.
Nhân dân sống kiếp ngựa trâu, lòng người uất hận. Nội bộ triều đình nhà Nguyễn phân hóa sâu sắc, một bộ phận nhu nhược, yếu hèn, không đề ra được một quyết sách nào chống lại hiểm họa xâm lăng của Pháp để bảo vệ đất nước.
Khiếp sợ trước lực lượng hùng mạnh của Pháp, vua Tự Đức ra lệnh cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định ký Hòa ước với thiếu tướng Hải quân Pháp Bonard - đại diện Chính phủ Pháp vào ngày 5-6-1862 (nhằm mùng 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất). Hòa ước này còn gọi là Hòa ước Nhâm Tuất. Nội dung của bản Hòa ước Nhâm Tuất là văn bản đầu hàng của triều đình, mở đường cho quân Pháp xâm chiếm đất nước ta.
Cán bộ và nhân dân xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông dự Lễ giỗ lần thứ 150 của Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: Ngọc Thơ |
Lúc này, ngọn cờ chống quân Pháp xâm lược đã chuyển hẳn sang nhân dân. Đứng đầu các cuộc khởi nghĩa là Nguyễn Trung Trực, Đỗ Trình Thoại, Trần Xuân Hòa, Võ Duy Dương, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân. Trong các cuộc khởi nghĩa ấy, nổi bật là cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo và chỉ huy, làm cho thực dân Pháp vô cùng khốn đốn, bị nhiều tổn thất nặng nề.
Lực lượng nghĩa quân của Trương Định là đông nhất, có ảnh hưởng lớn đến phong trào chống giặc Pháp ở Nam kỳ. Giáo sư Trần Văn Giàu, trong tác phẩm “Chống xâm lăng” đã viết: “Trương Định thật sự là một vị anh hùng xuất chúng, xuất chúng nhất nhì trong cuộc Nam kỳ kháng chiến”.
Trương Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1844, ông theo cha là Trương Cầm vào Nam lập nghiệp. Tại đây, Trương Định lập gia đình với bà Lê Thị Thưởng ở huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông), tỉnh Định Tường.
Năm 1850, thực hiện chính sách di dân lập đồn điền của triều đình nhà Nguyễn, ông trở về quê nhà Quảng Ngãi chiêu mộ nhân dân vào khai hoang tại vùng Gia Thuận, Gò Công.
Gò Công tuy có nhiều thuận lợi về khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nhưng cũng gặp không ít khó khăn do còn hoang vu, thú dữ… Trong cuộc khai khẩn gian khó ấy, với khí chất, tính cách của người Quảng Ngãi: Kiên trì, gan góc, Trương Định đã chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng với nhân dân, biến vùng Gò Công hoang vu trở thành ruộng đồng tươi tốt, trù phú.
Vì có công chiêu mộ dân khai hoang lập đồn điền, ông được triều đình phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên người đương thời còn gọi ông là Quản Định. Do có uy tín và địa vị xã hội nên khi vừa dựng cờ khởi nghĩa, Trương Định quy tụ được nhiều nghĩa quân và trong thời gian ngắn cuộc khởi nghĩa đã lan rộng khắp 3 tỉnh miền Đông, được đông đảo nhân dân ủng hộ.
Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều để ngăn chặn.
Trong quá trình lãnh đạo nghĩa quân chống quân Pháp, Trương Định đánh thắng quân Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây Mai… Năm 1860, dưới quyền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định tham gia giữ đồn Kỳ Hòa, được triều đình phong chức Phó lãnh binh.
Khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông cùng nghĩa quân rút về Gò Công xây dựng căn cứ chống giặc Pháp. Trương Định tổ chức nhiều trận phục kích quân Pháp ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho quân Pháp tổn thất nặng nề về lực lượng và phương tiện chiến tranh.
Với phương thức chiến đấu là lập căn cứ ở những nơi đất đai hiểm trở, đắp nhiều thành lũy, pháo đài tạo thành thế liên hoàn, lấy yếu đánh mạnh, lấy tinh thần dân tộc làm sức mạnh để tấn công địch, nổi bật là trận tấn công đồn Chợ Lớn - trung tâm kiểm soát của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Những cuộc chiến tiến công của nghĩa quân làm cho giặc Pháp phải tiêu hao nhiều sinh lực.
Mặc dù triều đình Tự Đức phong làm Lãnh binh tỉnh An Giang và buộc ông phải bãi binh, chấm dứt cuộc kháng chiến, nhưng ông không tuân theo lệnh của triều đình, mà thuận lòng dân nhận chức Bình Tây Đại Nguyên soái do nhân dân tôn phong.
Sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt đảo Côn Lôn và 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ giao cho thực dân Pháp. Trương Định cương quyết ở lại Gò Công tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống thực dân Pháp. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”.
Lúc này, nghĩa quân của Trương Định lên đến gần 6.000 người. Ông được nhiều người chủ chiến ở triều đình và nhân dân Nam kỳ ủng hộ. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nhà thơ Phan Văn Trị cùng nhiều danh sĩ ở Nam kỳ nhiệt tình ủng hộ ông trong công cuộc chống Pháp. Trương Định đã liên kết được với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Trình Thoại… cùng phối hợp tổ chức nhiều trận đánh quân Pháp.
Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định mở rộng từ Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định; từ biển Đông đến biên giới Campuchia. Căn cứ Tân Hòa bao gồm một hệ thống đồn lũy và pháo đài liên hoàn với nhau: Về phía Tây, lên đến giồng Ông Huê (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây ngày nay) nhằm ngăn đường tiến quân của địch từ Mỹ Tho xuống; về phía Tây - Bắc có lũy Đồng Sơn nằm dọc theo rạch Lá (Sông Tra) để kiểm soát con đường thủy từ Sài Gòn xuống, qua sông Vàm Cỏ Tây; về phía Đông - Nam có các đồn lũy nằm dọc theo rạch Vàm Giồng, sông Cửa Tiểu, xóm Trại cá Tăng Hòa và cù lao Lợi Quan nhằm đề phòng quân Pháp tấn công từ phía biển.
Đại bản doanh của Trương Định được đặt tại giồng Sơn Quy. Ở đây, ông cho xây dựng chiến lũy Sơn Quy nằm dọc theo rạch Sơn Quy và chiến lũy Dung Giang nằm dọc theo rạch Đùn (giáp ranh giữa huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công hiện nay).
Ngoài ra, Trương Định còn cho xây dựng đồn trại ở Gia Thuận, vốn là đồn điền do ông lập ra năm 1854. Với việc Trương Định xây dựng căn cứ Tân Hòa, Gò Công đã trở thành trung tâm kháng chiến đầu tiên ở Nam kỳ, quy tụ hầu hết các phong trào chống thực dân Pháp ở vùng đất này trong những năm 60 của thế kỷ XIX.
Nghĩa quân của Trương Định liên tục tấn công các đồn, bót của quân Pháp. Lúc này, quân Pháp một mặt huy động lực lượng bao vây căn cứ Gò Công, một mặt dụ hàng Trương Định. Ngày 26-2-1863, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ nghĩa quân ở Gò Công.
Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trương Định buộc phải rút quân qua Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), lập căn cứ tiếp tục chiến đấu. Sau đó, lực lượng của ông trở lại củng cố căn cứ ở Gò Công.
Cuối năm 1864, do sự chỉ điểm của tên phản bội Huỳnh Công Tấn, căn cứ ở Gò Công bị quân Pháp bao vây. Trương Định và nghĩa quân quyết chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, ông bị thương. Không để rơi vào tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết vào ngày 20-8-1864. Trương Định hy sinh là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân Nam kỳ.
Cuộc khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược của Trương Định kéo dài trong 5 năm (1859 -1864), nhưng đã trở thành điểm son sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Và Trương Định đã trở thành người Anh hùng dân tộc chống Pháp xâm lược ở Nam kỳ.
Từ ngày Trương Định hy sinh đến nay đã tròn 150 năm (1864 - 2014), có nhiều tác phẩm lịch sử, văn học, báo chí, sân khấu… nói về cuộc khởi nghĩa và vai trò của Trương Định trong lịch sử. Cùng với các tác giả là người Việt Nam, có nhiều tác giả là người Pháp viết về cuộc khởi nghĩa của Trương Định với tất cả lòng khâm phục. Ngay cả Vial - một quan cai trị cao cấp của Pháp thời ấy gọi Trương Định là Nhà đại lãnh tụ của quân khởi nghĩa.
Đối với nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân Gò Công xem Trương Định là người Anh hùng dân tộc, là thần bảo hộ cuộc sống của mình. 150 năm qua, nhân dân Gò Công dành nhiều công sức để xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Định. Trước năm 1975, hàng năm, lễ giỗ Trương Định được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 7 âm lịch. Sau năm 1975, lễ giỗ này tổ chức vào ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn ở miền Nam.
Mục đích của lễ hội Trương Định là hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đối với dân tộc và đất nước. Công chúng đến lễ hội với tấm lòng ngưỡng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định và nhận thức sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta.
Khởi nghĩa Trương Định là cuộc đấu tranh tiêu biểu, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong giai đoạn đầu của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX. Tuy cuộc khởi nghĩa tồn tại không lâu (1859 - 1864) nhưng đã để lại nhiều bài học quý báu: Về sự quy tụ toàn dân đồng tâm hiệp lực cứu nước, về tính độc lập tự chủ của người lãnh đạo trong việc đề ra đường lối kháng chiến và cả sự phản kháng ly khai với triều đình yếu hèn… Dựa trên những tiền đề trong khởi nghĩa Trương Định, các cuộc khởi nghĩa về sau đã kế thừa và nâng lên ở mức cao hơn.
Đảng ta đã kế thừa và nâng lên thành lý luận để dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng là đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trương Định - người anh hùng chống Pháp ở Nam kỳ sống mãi với non sông, đất nước.
LÊ VĂN TÝ