Làm thế nào thực hiện Di chúc Bác Hồ tốt hơn?
Khi còn sống, Bác Hồ đã nói nhiều điều và trước lúc ra đi, Bác cũng dặn lại nhiều điều. Mỗi lần kỷ niệm ngày sinh của Người, nhắc lại lời dặn của Người trước lúc ra đi càng thôi thúc chúng ta phải làm sao để thực hiện tốt những điều Bác dặn.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một bản Di chúc mà toàn Đảng, toàn dân ta từ đó đến nay vẫn gọi là “Bản Di chúc thiêng liêng”. Thiêng liêng bởi lẽ, bản Di chúc nói đến vận mệnh của Đảng, của đất nước không phải chỉ khi đó mà cả lâu dài về sau.
Di chúc thiêng liêng còn bởi, để thực hiện những điều Hồ Chí Minh dặn lại là rất hệ trọng nhưng không hề đơn giản, nếu không muốn nói là những nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đòi hỏi phải có sự hy sinh. Tỷ như, để thống nhất đất nước, dân tộc ta đã phải trả bằng nhiều xương máu, trong Di chúc Bác nói phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ.
Và còn bao nhiêu vấn đề đang đặt ra trước mắt một dân tộc đã chịu nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẫn một lòng theo Đảng như Hồ Chí Minh từng nói trong Di chúc, cần khắc phục mà chưa làm được...
Chúng ta sẽ phải làm gì để thực hiện tốt hơn Di chúc mà Bác Hồ để lại? Câu hỏi đó theo cách nhìn của người viết, không thể xem là đơn giản nếu muốn tìm một câu trả lời thực sự có ý nghĩa.
“Nói phải đi đôi với làm”
Trước khi qua đời, mối quan tâm lớn nhất đầu tiên của Hồ Chí Minh là về Đảng với tư cách là một lực lượng lãnh đạo và sự cần thiết phải hết sức gương mẫu của đảng viên khi Đảng đã trở thành một đảng cầm quyền.
Để hiểu vấn đề một cách thấu đáo, chúng ta không nên tách việc nghiên cứu và thực hiện Di chúc của Bác Hồ ra khỏi hệ thống các lời căn dặn của Người về những vấn đề liên quan, và hơn thế nữa, phải đặt nó trong mối tương quan với các văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Khi nói về Đảng, Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh trong Di chúc rằng Đảng ta phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhưng trước đó Người cũng từng nói: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Người cũng nói: “Chúng ta không sợ sai lầm; chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình”.
Trong mối tương quan như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, nếu trong Đảng có nhiều đảng viên không gương mẫu, không tự chịu phê bình, lại tìm cách sử dụng quyền lực được giao phó để hoạt động vì lợi ích của phe nhóm thì sự đoàn kết của Đảng sẽ khó lòng mà giữ được.
Nếu trong Đảng thực hiện được phê bình, tự phê bình rộng rãi và thực lòng, Đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của toàn dân tộc, của toàn Đảng thì tình đoàn kết sẽ được xây dựng và củng cố. Nếu làm ngược lại với điều đó thì giữ được đoàn kết trong Đảng sẽ là điều vô cùng khó khăn.
Một ví dụ, hãy hình dung, sau chủ trương của Đảng được nêu lên ở Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) vừa qua về kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo, có rất nhiều nơi làm không nghiêm, không ít cán bộ lãnh đạo có tài sản kếch sù mà không xử lý được ai thấu đáo, thì liệu khẩu hiệu quyết tâm giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng có thực sự làm được không?
Cho nên, củng cố Đảng theo mong mỏi của Hồ Chí Minh mà chỉ bằng các câu khẩu hiệu, các cuộc học tập hình thức thì không có hiệu quả cao.
Vấn đề là ở những hành động cụ thể được thực hiện như thế nào. Nếu muốn củng cố Đảng cho vững mạnh, giữ vững được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng thì cùng với các chủ trương được xác lập đúng đắn, cần phải có hành động thích hợp, có chế tài và kiên quyết thực hiện đúng.
Như Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở trong nhiều trường hợp khác nhau “Nói phải đi đôi với làm”. Nhà Việt Nam học người Nga Evgeni Kobelev, đã nói rất hay, trong Di chúc của Hồ Chí Minh có “những lời lẽ bất tử”, bởi nó thúc đẩy người ta phải luôn luôn hành động.
Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Vấn đề tiếp theo được nhấn mạnh trong Di chúc của Hồ Chí Minh là nhiệm vụ xây dựng đội ngũ kế cận. Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Là một triết gia hành động, tất nhiên Bác Hồ rất quan tâm đến đội ngũ những người thực thi tư tưởng của mình. Bác từng nói “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong”.
Một điều đáng nói là hiện nay rõ ràng trong Đảng có nhiều đảng viên thoái hóa biến chất và họ không thể là công bộc của dân như Bác Hồ mong mỏi. Chúng ta không thể không suy nghĩ khi có thông tin rằng 1/3 cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý hiện nay “sáng cắp ô đi tối cắp về”, không làm được việc gì cho nước, cho dân. Trong khi đó nạn chạy chức, chạy quyền ngày càng nặng. Công tác cán bộ là của Đảng.
Vậy có phải chúng ta chưa làm tốt lời căn dặn của Bác trong Di chúc và nguyên nhân của tệ nạn đó là gì? Làm gì và bao lâu nữa thì điều đó có thể ngăn chặn được để làm cho lời Bác dặn, đảng viên “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” trở thành hiện thực? Đó chắc chắn là một câu hỏi lớn.
Cần nói rằng, một đội ngũ cán bộ tốt không thể tự nhiên mà có và một số đông cán bộ thoái hóa biến chất cũng không phải tự nhiên mà xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là hệ quả của nhiều chính sách được hoặc không được thực hiện nghiêm túc trong một thời gian dài, ít nhất là từ khi Bác qua đời.
Nhiều cán bộ trưởng thành từ quần chúng, được đánh giá tốt đã trở thành những tấm gương tốt cho mọi người noi theo, nhưng cũng có nhiều người làm việc không tốt, thậm chí rất không tốt nhưng không bị đào thải. Lâu dần như chúng ta đang thấy, đội ngũ của ta không còn trong sạch, trong đó không chỉ có một con sâu mà có cả một bầy sâu như có đồng chí lãnh đạo đã ví von. Tại sao chúng ta không có cách gì khắc phục?
Phải giữ được niềm tin của dân
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh cũng nói “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ...” và Người mong muốn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Nên nhớ rằng Hồ Chí Minh nói đến nhân dân tất cả mọi miền chứ không phải chỉ một bộ phận nhỏ nào đó cần phải có được cuộc sống tốt. Một khi một bộ phận nhân dân ta, đặc biệt là ở miền núi và nông thôn, sau nhiều thập kỷ hòa bình mà vẫn còn phải sống cơ cực thì có nghĩa là chúng ta phải xem lại các chính sách đã được đề ra có hợp lòng dân hay không?
Sau một thời gian chưa dài chúng ta chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường, hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo trong xã hội hiện nay đang ngày càng lớn. Nói một cách hình ảnh, đó là hố ngăn cách đáng lo ngại giữa lòng dân và ý Đảng, không thể làm ngơ mãi được. Chúng ta có tin rằng với tình hình như vậy nhân dân ta sẽ “luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng” như Bác Hồ đã nói trong Di chúc được không?
Sửa đổi các chính sách lạc hậu và sai lầm đã và đang gây ra tình trạng trên là điều vô cùng cấp thiết hiện nay để lấy lại lòng tin của nhân dân với Đảng mà hiện như thực tế cho thấy, đang ngày càng mai một. Người viết xin phép được dùng lại ở đây câu của Bác Hồ trong Di chúc mà Người đã dùng để nói về sức khỏe người già như một chân lý, “Điều đó cũng không có gì lạ”.
Trong tình hình hiện nay, chấn chỉnh lại Đảng, giữ được niềm tin của dân với Đảng không còn là điều dễ dàng như 45 năm trước đây khi Bác Hồ qua đời vì tình hình đã thay đổi. Trái lại, đây là điều rất khó khăn. Nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”!
Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, quan hệ bạn bè đã thay đổi và nhiều điều khôn lường đang ở phía trước. Hơn lúc nào hết, nói đến Di chúc của Bác và nhớ đến những lời căn dặn của Người, chúng ta không được rập khuôn, máy móc, giáo điều. Chẳng hạn, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta không thể giấu nhân dân mọi việc mình nói và làm.
Con đường đúng đắn là phải sử dụng công nghệ thông tin thật mạnh mẽ để góp phần dân chủ hóa đời sống xã hội nhanh chóng và có hiệu quả. Chính sách cần phải đến với người dân càng nhanh càng tốt và sai lầm cũng phải được các cấp chính quyền nghe càng nhiều càng hay để sửa chữa kịp thời thì mới hiệu quả.
Bao giờ thì đơn từ khiếu kiện của dân mới không bị đùn đẩy từ cấp này sang cấp khác mà không ai giải quyết như lâu nay? Phải mất bao nhiêu thời gian để khi một vùng dân cư mất điện, mất nước hay không có điện, không có nước, không có cầu qua sông, một dự án “treo”, một vùng bị ô nhiễm nặng nề… được cấp có thẩm quyền biết và giải quyết một cách nhanh chóng?
Nói cho cùng, lúc sinh thời, Bác Hồ đã nói nhiều điều và ngay trước lúc ra đi Bác cũng dặn lại nhiều điều. Mỗi lần kỷ niệm ngày sinh của Người, nhắc lại lời Người trước lúc ra đi, chúng ta đều nói không thể không làm những điều Bác dặn để đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
(Theo chinhphu.vn)