Chủ Nhật, 07/09/2014, 06:37 (GMT+7)
.

Sự nghiệp Thông tin và Truyền thông: Nhận diện và triển vọng

Tiền thân của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Tiền Giang là Sở Bưu chính - Viễn thông (UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập ngày 26-8-2004) trên cơ sở Sở Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chuyển sang.

Trong 10 năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, Sở TT&TT phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan và cùng các đơn vị trong ngành từng bước xây dựng và phát triển sự nghiệp TT&TT, mở ra triển vọng mới.

Trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TT&TT cho lãnh đạo tỉnh.
Trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TT&TT cho lãnh đạo tỉnh.

Nhận thức đúng đắn vai trò của TT&TT trong tiến trình CNH - HĐH đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương với những tiến bộ của công nghệ thông tin (CNTT), sự phát triển vượt bậc của Internet cùng kho dữ liệu kiến thức khổng lồ trên mạng là tài nguyên của nhân loại trong xu thế hội nhập và phát triển.

Trong tâm thế đó, từ buổi đầu thành lập Sở TT&TT đã khắc phục khó khăn, sớm ổn định bộ máy tổ chức gắn liền với triển khai quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TT&TT gắn với từng bước đi cụ thể. Trong đó, Sở xác định việc triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2020” là nền tảng xuyên suốt cần vận dụng sát hợp với tình hình địa phương.

Trước hết, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; đồng thời CNTT cũng là lĩnh vực tác động trực tiếp đến các đối tượng trong xã hội.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu kết quả đạt được không như mong muốn, thể hiện qua chỉ số ứng dụng CNTT của Tiền Giang xếp thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là vấn đề lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo sớm có giải pháp cải thiện. Đó cũng là sự trăn trở của các cơ quan hữu quan, trong đó Sở TT&TT xác định là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Qua rà soát, đánh giá các nguyên nhân khách quan và chủ quan, Sở TT&TT tiếp tục tập trung vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa các Chương trình, Kế hoạch của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh triển khai các dự án có trọng tâm trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả. Từ đó, Sở tiếp tục thực hiện Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng Kế hoạch thực hiện hàng năm.

Chỉ riêng năm 2013, Sở tập trung triển khai tốt việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; triển khai tin học hóa các quy trình thủ tục hành chính và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Đến nay, các cơ quan trong hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở đều được đầu tư phương tiện và nhân lực, kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tiến tới cung cấp dịch vụ hành chính công qua mạng Internet phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với cơ quan Nhà nước, đã trang cấp thư điện tử cho trên 80% cán bộ, công chức sử dụng; cấp phát trên 18.000 tài khoản người dùng cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ tỉnh đến huyện, xã; đã triển khai cổng thông tin điện tử thành phần cho các sở, ngành, UBND cấp huyện đạt tỷ lệ 100%; triển khai tin học hóa các thủ tục hành chính, cung cấp đạt 100% dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2, trong đó có 79 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (cho phép nộp hồ sơ qua mạng).

Nhiều sở, ngành đã ứng dụng tốt CNTT trong việc quản lý điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, điển hình như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Chợ Gạo, UBND huyện Cái Bè, UBND huyện Tân Phước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh…

Bên cạnh đó, Sở đã chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp trên môi trường mạng gắn liền với hoạt động ứng dụng CNTT-TT (kết nối) trong các cơ quan chính quyền phục vụ thực thi công vụ, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là hướng đi vừa cơ bản, vừa tích cực, mở ra triển vọng cho những năm tiếp theo.

Về hoạt động bưu chính, viễn thông, Internet được ngành xác định hướng tới cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp gắn với việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 161 điểm phục vụ bưu chính (107 điểm bưu điện văn hóa xã, 44 bưu cục và 10 đại lý bưu điện); bán kính phục vụ bình quân 2,216 km/điểm phục vụ; khu vực nông thôn đạt 2,400 km/điểm phục vụ. Số dân phục vụ bình quân đạt 10.701 người/điểm phục vụ; khu vực nông thôn đạt 10.963 người/điểm phục vụ.

Ký kết Chương trình hỗ trợ thông tin - truyền thông về biển, đảo.
Ký kết Chương trình hỗ trợ thông tin - truyền thông về biển, đảo.

Về viễn thông: Mật độ điện thoại bình quân đạt 13,27 thuê bao/100 dân, riêng khu vực nông thôn đạt 53,76 thuê bao/100 dân (kể cả thuê bao trả trước).

Về Internet: Mật độ bình quân đạt 3,80 thuê bao/100 dân, khu vực nông thôn đạt 0,89 thuê bao/100 dân, với tổng doanh thu ước đạt 1.250 tỷ đồng, trong đó doanh thu khối Bưu chính ước đạt 50 tỷ đồng và doanh thu khối Viễn thông ước đạt 1.200 tỷ đồng.

Trong quá trình tăng trưởng bưu chính, viễn thông, Internet, Sở TT&TT làm tốt vai trò quản lý Nhà nước, qua việc tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phục vụ cộng đồng gắn với lợi ích của người sử dụng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn dành nguồn lợi nhuận đáng kể tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Có thể nói, trong 10 năm thành lập và hoạt động, sự chuyển biến rõ nét của sự nghiệp TT&TT thể hiện qua các năm gần đây. Đó cũng là bài học về sự nỗ lực thực hiện các giải pháp khả thi và cộng đồng trách nhiệm cao của các cơ quan hữu quan triển khai có hiệu quả các dự án về ứng dụng CNTT.

Trong dịp Kỷ niệm 10 năm thành lập Sở TT&TT, chúng ta vui mừng trước tin vui: Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam vừa công bố kết quả xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2014 (chỉ số ICT index 2014) các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đó, chỉ số xếp hạng chung Tiền Giang từ thứ hạng thấp đã tăng lên 28 bậc, vươn lên thứ hạng 27/63 tỉnh, thành. Đây là tiền đề mở ra triển vọng mới, tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư hướng tới xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn phù hợp trước xu thế hội nhập và phát triển, trong đó việc ứng dụng CNTT được xem là khâu đột phá quan trọng.

Nhận diện sự nghiệp TT&TT, báo chí, xuất bản là bộ phận quan trọng. Đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã truyền tín hiệu phát sóng trên vệ tinh Vinasat với thời lượng 24giờ/ngày; Báo Ấp Bắc tiếp tục duy trì xuất bản 3 kỳ/tuần và triển khai giai đoạn 2 phiên bản điện tử tiếng Anh.

Vừa qua, UBND tỉnh chính thức công bố ra mắt Cổng thông tin điện tử Tiền Giang với 35 cổng thành phần, góp phần thông tin, quảng bá, tạo sức lan tỏa trên môi trường mạng. Có thể nói, báo chí Tiền Giang phát triển tốt các loại hình (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử), thực hiện tốt chức năng “Báo chí là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang”.

Bên cạnh đó, các tạp chí, bản tin, các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đoàn thể, huyện (thị, thành)… với nội dung sát hợp, xuất bản kịp thời đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí Tiền Giang ngày càng khởi sắc. Cùng với báo chí địa phương, các cơ quan đại diện báo chí của Trung ương, các tỉnh, thành bạn hoạt động trên địa bàn cũng góp phần đáng kể thông tin, quảng bá về Tiền Giang.

Tuy nhiên, trên đường phát triển với những mặt tích cực đáng ghi nhận, hoạt động của báo điện tử, các trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân cũng là vấn đề cần quan tâm, nhất là việc thông tin thiếu chuẩn xác, tác động không hay, không tốt trong đời sống xã hội. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho Sở TT&TT trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Có thể nói, trải qua 10 năm hoạt động, sự nghiệp TT&TT Tiền Giang đạt được những thành quả khả quan, đó cũng là quá trình Sở TT&TT ngày càng thể hiện vai trò, vị thế gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương và sự nghiệp phát triển ngành trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng.

Nhìn lại và đi tới, Sở TT&TT nói riêng, ngành TT&TT nói chung đúc kết bài học kinh nghiệm quý báu về vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Đảng, định hướng của Nhà nước nhằm tiếp tục mở ra triển vọng xây dựng và phát triển sự nghiệp TT&TT, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang giàu đẹp, cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH.

N.V.N

.
.
.