Tự hào qua 20 mùa "màu áo xanh tình nguyện"
Xung kích, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác. Dưới cái nắng chói chang hay dưới những cơn mưa bất chợt của ngày hè, trên những nẻo đường, màu áo xanh đã trở thành hình ảnh thân thuộc, không ngại khó về với những xã vùng sâu, vùng xa… Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, 20 năm qua với nhiều việc làm thiết thực, những thanh niên tình nguyện (TNTN) “đi dân nhớ - ở dân thương” đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.
Anh Trần Thanh Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn đến thăm các bạn SVTN tham gia chiến dịch tại các mặt trận. |
Còn nhớ, khởi đầu cho chiến dịch hè vì cộng đồng là vào mùa hè năm 1994 với tên gọi ban đầu là “Chiến dịch ánh sáng văn hóa hè”, khi đó có 50 sinh viên tình nguyện (SVTN) của đội hình sư phạm tham gia về huyện Tân Phước và huyện Gò Công Đông với nhiệm vụ xóa mù chữ cho người dân.
Thầy Nguyễn Quang Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, người đã gắn bó với phong trào tình nguyện hè ngay từ những ngày đầu, nhớ lại: “Khởi đầu cái gì cũng vất vả, lúc đó đời sống còn khó khăn. Đường xá không như bây giờ, đường mưa trơn trợt, sình lầy. Nhưng các bạn cũng phải rong rủi khắp xóm để tuyên truyền, chính sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và kết quả thực tế các bạn làm đã dần chinh phục được tình cảm của người dân”.
Qua một mùa chiến dịch những bở ngỡ ban đầu đã trở thành kinh nghiệm cho các mùa chiến dịch sau. Chiến dịch dần phát triển nâng chất hiệu quả phong trào qua từng năm. Đến năm 1996 với tên gọi “Chiến dịch tiếng gọi sông Tiền”. Chiến dịch đã góp phần vào thành tựu của tỉnh nhà với danh hiệu tỉnh đầu tiên đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm sau đó, phong trào tiếp tục được nhân rộng đến từng địa phương với sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, giáo viên các trường tiểu học, THCS, tạo thành phong trào rộng khắp. Không chỉ dừng lại ở công tác phổ cập mà mở rộng thêm nhiều mô hình: tiếp sức mùa thi, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội…
Ngoài các đội hình chuyên của các bạn SVTN các trường đại học, cao đẳng, còn có nhiều đội hình tình nguyện trong cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tham gia như: Đội hình tư vấn pháp luật, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hành quân xanh… Điển hình trong phong trào chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã tổ chức 630 đợt khám, chữa bệnh cho 130.000 lượt người với kinh phí 8 tỷ đồng và vận động được 32.129 đơn vị máu.
Qua 20 năm đã có 9.000 công trình thanh niên như đắp đường, xây mới 1.000 cầu bê tông, trồng 200.000 cây xanh, sửa chữa hàng ngàn căn nhà… với kinh phí 20 tỷ đồng. Những kết quả đạt được đã thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc của chiến dịch TNTN vì cộng đồng hè.
Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng (Bảo vệ môi trường, Khám chữa bệnh, giúp dân làm đường, xây nhà...). |
Tại Lễ tổng kết 20 năm TNTN, cũng như tại buổi tọa đàm “20 năm phong trào TNTN”, anh Trần Thanh Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Ban Chỉ đạo Chiến dịch hè nhấn mạnh: “Chiến dịch tình nguyện vì cộng đồng hè đã khơi đúng mạch của sức trẻ, xung kích tình nguyện xây dựng quê hương, đất nước. Chúng ta tự hào những kết quả đã đạt được, nhưng bên cạnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần sự phối hợp của các cấp, cách ngành, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục để chiến dịch hè trong thời gian tới hoạt động tốt hơn”.
Hoạt động tình nguyện của đoàn viên thanh niên hiện nay đã và đang tạo ra một hiệu ứng, tác động xã hội sâu sắc, được các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng và tạo mọi điều kiện để phát triển; hoạt động tình nguyện là hoạt động có tính chất lan tỏa cao nhất, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; đây là môi trường thuận lợi để các em rèn luyện, cống hiến và trưởng thành…
Ông Bùi Thái Sơn, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tiền Giang chỉ rõ: Bên cạnh những mô hình hoạt động hiệu quả thì ở một vài nơi, vài thời điểm hiệu quả của chiến dịch chưa đồng đều, mang tính hình thức, chạy theo thành tích, tổ chức tình nguyện không thường xuyên, liên tục, nhiều khi chỉ tổ chức vào dịp cao điểm, hay gắn với các sự kiện; chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức…
Do đó cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân về các hoạt động tình nguyện. Để chiến dịch tình nguyện vì cộng đồng hè đạt hiệu quả cao, thiết thực hơn thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng, tập trung vào “4 được”: được người, được việc, được tổ chức và được kinh phí nhằm thúc đẩy hoạt động phong trào thanh niên tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở.
P. MAI