3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: MQ) |
Đến nay, đã có 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, có 2.530 ý kiến của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 1.199 ý kiến của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Sáng 20-10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới. Tại Kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đến nay đã tổng hợp được 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, có 2.530 ý kiến của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.199 ý kiến của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả đạt được của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Các luật, nghị quyết và các vấn đề quan trọng khác được Quốc hội thông qua tại kỳ họp và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã góp phần sớm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và hiệu quả; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của Nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cử tri và nhân dân mong muốn các hoạt động giám sát cụ thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách và bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn
Về những kiến nghị cụ thể của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Cử tri và nhân dân nhiều nơi cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn khó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng vạn người lao động và giảm nguồn thu cho ngân sách. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phù hợp hơn nữa để giải quyết tình trạng này.
Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động còn nhiều (nợ lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động…). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng nợ này của các doanh nghiệp.
Cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng trước tình trạng bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, thực phẩm, đồ chơi trẻ em có nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường hàng hóa trong nước; việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng bày bán nhiều nơi gây thiệt hại cho người nông dân và ô nhiễm môi trường sống.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp có liên quan, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai, định kỳ cho nhân dân biết về kết quả khắc phục tình trạng này.
Đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho hay: Cử tri và nhân dân nhiều nơi đề nghị cần rà soát và quy định cụ thể về danh mục, mức trần các loại đóng góp của nhân dân, tránh việc địa phương yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều, không tương xứng với thu nhập thực tế.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương để Chương trình có tính thiết thực và khả thi; tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, để hợp tác cùng phát triển phương thức sản xuất “Cánh đồng lớn”.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và chú trọng hơn đến việc phân tích chính sách, đánh giá tác động của các chính sách sẽ ban hành đối với người nông dân, khắc phục tình trạng chính sách ban hành để hỗ trợ nông dân, nhưng người được hưởng nhiều hơn lại là đối tượng khác như: những người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản.
Cần có giải pháp triệt để hơn để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học
Đề cập đến kiến nghị liên quan đễn lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân nhiều nơi phản ánh chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; nền giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thời gian gần đây, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 09-9-2014, nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế kỳ thi quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Về Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, cử tri và nhân dân băn khoăn vì mặc dù đến tháng 5-2014, đã có 87% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập, song ở cấp tỉnh mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Cử tri và nhân dân mong muốn việc phổ cập giáo dục mầm non cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đầu tư đúng mức của Chính phủ, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trong năm 2015.
Tình trạng lạm thu trong trường học vào đầu năm học tuy có được kiểm soát nhưng tại nhiều trường ở các địa phương vẫn tiếp tục xảy ra gây khó khăn cho các gia đình nghèo. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tốt hơn, triệt để hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu này và thông báo cho nhân dân biết về kết quả khắc phục.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cử tri và nhân dân nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, như điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Cử tri và nhân dân cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý.
Xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
Về quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý các dự án “treo”, sử dụng đất có hiệu quả.
Việc ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, nhà máy và do nước thải chưa qua xử lý vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức...
Cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và chính quyền địa phương rà soát các chính sách liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...
(Theo dangcongsan.vn)