Chủ Nhật, 05/10/2014, 10:59 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền

Ngày 3-10, tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm chính quyền địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Trần Kim Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Bà Trần Kim Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.

Đến dự có các đồng chí Trần Thị Bích Thủy và Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cùng đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Dân vận 14 tỉnh, thành phố đại diện các vùng, miền trong cả nước. Đoàn Tiền Giang có 4 đại biểu do bà Trần Kim Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn.

Sau khi nghe báo cáo đề dẫn đánh giá khái quát tình hình, kết quả hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 25 (khóa XI), khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh trong bối cảnh mới, các đại biểu tham gia thảo luận làm rõ mối quan hệ giữa nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm cụ thể hóa 4 mục tiêu, 5 quan điểm, 7 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã được Đảng nêu ra trong Nghị quyết 25.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự nhất quán: muốn làm tốt công tác dân vận, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân, phải xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo nắm sát tình hình nhân dân, giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc nhằm duy trì sự ổn định về trật tự xã hội, khai thác có hiệu quả các nguồn lực xã hội, thúc đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng địa phương đạt kết quả tốt.

Phát huy vai trò nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn của Ban Dân vận, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Kim Mai cho biết, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều tiến bộ, thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; hầu hết các dự án, công trình có liên quan đến nhân dân đều đã mời đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, giám sát việc thực hiện, nên giảm thiểu những thiếu sót, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân vùng dự án.

Các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm hơn đến việc cải cách thủ tục hành chính, giáo dục rèn luyện thái độ, tác phong, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thông qua thực hiện chuyên đề thi đua “Dân vận khéo, dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” hàng năm.

Mô hình “3 không, 3 đúng, 3 cần, 3 nên, 3 chống” gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một mô hình có hiệu quả trong công tác dân vận chính quyền. Qua đó, các cấp chính quyền đã kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân vận chính quyền hàng năm.

Bà Trần Kim Mai cũng thừa nhận vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo chính quyền nhận thức về công tác dân vận chính quyền chưa đồng bộ; không ít cán bộ, công chức, viên chức cần tiếp tục rèn luyện hơn nữa thái độ ứng xử, tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ để giảm thiểu phiền hà người dân, tạo được sự đồng thuận xã hội cao.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác dân vận. Đồng thời, yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để chăm lo an sinh xã hội, giải quyết tốt những bức xúc, khiếu kiện của nhân dân với tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” như tư tưởng Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Cơ quan nhà nước phải coi trọng việc công khai, minh bạch theo quy định, để dân biết, dân giám sát và tham gia thực hiện; giảm thiểu sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước đối với các quan hệ dân sự, kinh tế; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác dân vận.

Các cấp, các ngành tạo điều kiện tốt để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia thực hiện tốt 2 Quyết định của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

THÁI SƠN

.
.
.