Thứ Hai, 20/10/2014, 06:03 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2014):

Tôn vinh những phụ nữ xứng danh 8 chữ vàng Bác trao tặng

Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Bác Hồ luôn đề cao vai trò của phụ nữ. Trong diễn ca “Lịch sử nước ta” Bác đã khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Đánh đông dẹp Bắc lắm gương để đời”.

Đáp lại tấm chân tình của Bác giành cho phụ nữ Việt Nam, các thế hệ phụ nữ Việt Nam ta đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu những cái nhất của người phụ nữ Việt Nam, góp phần đã làm rạng danh xứng đáng với 8 chữ vàng Bác trao tặng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng có nhiều con hy sinh nhất
Là mẹ Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1904 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 10 người con (9 con trai, 1 con rể) và 2 cháu nội hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Nữ Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất
Là bà Nguyễn Thị Minh Khai, sinh năm 1910 tại Vinh. Năm 16 tuổi bà thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Năm 30 tuổi bà được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 31 tuổi, bà bị thực dân Pháp bắt, tra tấn và hy sinh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lâu nhất
Là bà Nguyễn Thị Thập, sinh năm 1908 tại Long Hưng, Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Có 18 năm bà làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1956-1974). Bà cũng là nữ đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất (từ khóa I đến khóa VI), 36 năm làm đại biểu Quốc hội, là nữ Phó Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam.

Nữ tướng duy nhất ở Việt Nam thế kỷ XX
Là bà Nguyễn Thị Định, sinh năm 1920 tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1974 bà được phong Thiếu tướng, Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên
Là bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1927 tại xã Điện Quang, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người đại diện cho Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định hòa bình về Việt Nam tại Paris năm 1973.

Người phụ nữ có nụ cười nổi tiếng nhất
Là bà Võ Thị Thắng, sinh năm 1945 tại Tiền Bửu, Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 1968 bà bị giặc bắt, tuyên án 20 năm tù khổ sai. Trước bản án, bà cười và nói: “Tôi sợ chính quyền các ông không đủ thời gian tồn tại để thi hành bản án của tôi”. Thực tế đã chứng minh lời nói của bà. Năm 1973, Hiệp định hòa bình về Việt Nam được ký kết tại Paris, bà được trao trả. Bà nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Người phụ nữ vác đạn nặng nhất trong chiến tranh
Là bà Ngô Thị Tuyển, sinh năm 1946 tại Nam Ngạn, Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Bà là nữ dân quân mưu trí, dũng cảm. Ngày 4-4-1965, bà vác 2 hòm đạn nặng 98 kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng, Thanh Hóa.


HỒNG LÊ
(sưu tầm)
 

.
.
.