Thứ Tư, 15/10/2014, 09:40 (GMT+7)
.

Tấm gương cách mạng sáng ngời của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Bác Hồ kính yêu đã ghi trong bức ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (anh Trỗi) sinh năm 1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng (nay là xã Điện Thắng Trung), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Theo lời kể của người anh ruột, có một lần đi ngang nơi lính ngụy chào cờ, anh Trỗi không chịu dừng lại chào, thế là bị hạch sách đủ điều... Đến mùa hè năm 1956, anh Trỗi (lúc đó được 16 tuổi) đã mua vé tàu thủy Nam Việt vào Sài Gòn.

Anh Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường và bút tích của Bác Hồ.
Anh Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường và bút tích của Bác Hồ.

Đến giữa năm 1963, anh Trỗi được đồng chí Tư Kiếm nhận vào tổ biệt động. Tổ biệt động do Tư Kiếm chỉ huy gồm 4 người: Tư Kiếm, Ba Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Hữu Lời. Cả 4 anh em quê ở làng Thanh Quýt và lúc đó đều cư ngụ ở quanh vùng Vườn Xoài, đường Trương Minh Giảng. Đến tháng 10-1963, anh Trỗi tranh thủ về thăm quê và đây là chuyến về thăm quê cuối cùng của anh.

Đầu năm 1964, nhân dịp tết, đồng chí Tư Kiếm đã bố trí cho anh Trỗi và Nguyễn Hữu Lời ra căn cứ ở Rừng Thơm (nay thuộc Đức Hòa, Long An) gặp Ban chỉ huy cánh Tây Nam (lúc này anh Trỗi đang hoạt động trong tổ chức Biệt động vũ trang nội thành thuộc Đại đội Quyết tử 65, cánh Tây Nam Sài Gòn).

Từ căn cứ về, anh Trỗi chọn ngay mục tiêu “đánh thí điểm” là cư xá Mỹ ở đường Cao Thắng. Sau khi báo cáo, kế hoạch của anh được đồng chí Tư Đạt - Chính trị viên cánh Tây Nam cho phép và tặng một quả lựu đạn da láng của Mỹ. Bằng quả lựu đạn này và cách đánh thông minh của mình, anh đã diệt gọn 4 tên Mỹ và làm bị thương 8 tên.

Tháng 5-1964, khi được tin chính phủ Mỹ sẽ cử một phái đoàn chính trị, quân sự cao cấp sang Sài Gòn để nghiên cứu tình hình miền Nam Việt Nam, với lòng yêu quê hương và căm thù giặc sâu sắc, anh Trỗi xin Ban chỉ huy Quân sự biệt động tiêu diệt phái đoàn cao cấp của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mac-na-ma-ra dẫn đầu.

Được cấp trên đồng ý, Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội của mình tiến hành gài mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) - nơi phái đoàn cao cấp của Mỹ dự kiến sẽ đi qua. Giữa lúc đang tiến hành nhiệm vụ thì Nguyễn Văn Trỗi không may bị địch bắt vào lúc 22 giờ ngày 9-5-1964.

Trong lao tù, mặc dù chịu rất nhiều đòn tra tấn, cực hình dã man cùng với những cám dỗ ngon ngọt của kẻ thù nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn một mực không khai báo, một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức và lý tưởng mà anh đã chọn. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ gây xúc động trong tuổi trẻ và nhân dân ta, mà cả tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Tuy biết trước sẽ bị tử hình nhưng anh vẫn ung dung, lạc quan, yêu đời, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Cảm kích trước hành động của anh, để cứu anh, một tổ chức du kích nước Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là trung tá không quân Mỹ - Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, khi viên sĩ quan Mỹ này được trả tự do thì anh Trỗi bị địch đưa đi xử bắn.

Vào lúc 9 giờ 45 phút, ngày 15-10-1964, địch đưa anh Trỗi ra pháp trường Chí Hòa xử bắn. Chân anh vẫn còn đau do lần nhảy lầu vượt ngục không thành, người anh gầy yếu do chế độ hà khắc của nhà giam tử tù, nhưng tinh thần của anh không hề nao núng, không hề khuất phục trước đường lê, mũi súng giặc. Anh không cho bịt mắt để được nhìn nhân dân, đất nước và thể hiện khí phách trước kẻ thù…

Trong những phút cuối cùng, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, anh đã hô vang: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đã đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”, được các phóng viên ghi lại.

Ngày 17-10-1964, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã truy tặng Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Năm 1995, Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho anh.

Sau khi xử bắn anh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bí mật chôn thi thể anh Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trung Đông, quận 2, TP. Hồ Chí Minh). Sau nhiều ngày tìm kiếm, cha và vợ anh Trỗi mới tìm thấy mộ.

Năm 1994, tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng với sự góp sức của tuổi trẻ cả nước đã xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (xã Điện Thắng Trung, quê hương anh).

HỒNG LÊ
(Tổng hợp)

.
.
.