Chính quyền nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong Khởi nghĩa Nam kỳ
... Chúng lại kéo tới nhà tôi. Chúng giở từng trang báo, hết chỗ này đến chỗ khác. Nhưng sau tấm thớt treo tòn ten sát vách thì chúng không để ý. Phía trong đó, ngoài tài liệu, còn một bản mẫu của tờ truyền đơn kêu gọi chống lại chúng. Mẫu truyền đơn do tôi đã in đi in lại nhiều lần.
Truyền đơn viết: “Chúng ta nhất quyết không giúp cho đế quốc Pháp một người lính, không giúp một đồng xu nào cho chúng. Nếu chúng ta giúp cho đế quốc Pháp trong cuộc chiến tranh không chính đáng này tức là chúng ta củng cố dây xiềng xích trên cổ chúng ta, tức là chúng ta muốn thay cái xiềng bằng sắt, đổi lấy dây xiềng bằng thép, tức là chúng ta không ra khỏi vòng nô lệ…”.
Phải ngồi chết một chỗ nhìn chúng nó đi qua lại trước mặt, tôi cứ nghĩ tới cái thớt. Một thằng mật thám đến cà rà cái thớt. Tôi rất lo, chỉ sợ nó ngứa tay nhưng tôi phải giữ vẻ ngoài bình tĩnh vì biết chúng theo dõi thái độ tôi rất gắt. Tìm mãi không thấy gì, chúng kéo đi.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập và các đồng chí tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ chụp hình lưu niệm tại căn cứ cũ. |
Vài bữa sau, chúng lại kéo tới bao nhà tôi. Chị chồng tôi tới coi nhà giùm bị chúng bắt đem về Mỹ Tho tra hỏi. Chị một mực trả lời là tôi đi Sài Gòn. Thật ra thì tôi vừa ra khỏi nhà. Ở bên kia sông, nghe tiếng chó sủa dữ, tôi núp sau hàng dương nhìn qua.
Vậy là tôi phải rút vào bí mật. Lúc này đã tháng 4-1940. Đời sống của người dân đã sa sút mà chúng còn định bòn rút hàng vạn tấn thực phẩm, hàng chục vạn tấn lúa, hàng vạn tấn mủ cao su để phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Nạn phạt vạ tràn lan. Những cuộc bắt lính xảy ra luôn luôn. Đông Dương phải đưa 1.500.000 lính qua chính quốc.
Sài Gòn cũng như các tỉnh, có hôm tất cả xe đò đều bị sung công để chở thanh niên bị bắt. Hàng trăm chiếc xe ngựa đang chạy, hành khách bị đuổi xuống để chúng bắt ngựa. Cảnh người bên ngoài trông xơ xác nhưng bên trong thì ầm ĩ như sóng ngầm. Truyền đơn chúng tôi in ra truyền tay người này tới người kia rách nát mà vẫn còn được mọi người dụm năm dụm ba đọc.
“Anh chị em đồng bào!
Dân tộc chúng ta đang trong tình thế một mất một còn. Tiếp nối tinh thần của Trưng Vương, Triệu Vương, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Thủ Khoa Huân, dân tộc Việt Nam hãy mau đoàn kết lại, thống nhất Trung - Nam - Bắc, liên kết với Miên Lào và tất cả các dân tộc thiểu số, dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Đông Dương, kẻ xuất công, người xuất của gắng sức phấn đấu, chống đế quốc chiến tranh và giải phóng Đông Dương ra khỏi ách đế quốc Pháp. Chỉ có chiến tranh giải phóng mới là chiến tranh công lý, tự do…
Cách mạng thế giới nhất định thắng!
Cách mạng Đông Dương nhất định thắng!”
Bọn lính làng sợ không dám ngủ nhà. Thành thị xôn xao, binh lính phản đối đi Tây, phản đối đánh Xiêm. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra. Chúng càng khủng bố ác liệt. Ngày nào cũng có cuộc lùng bắt. Đảng chuyển vào bí mật tuyệt đối. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi.
Lễ hội truyền thống nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1979). |
Mùa mưa. Hôm đó, buổi sáng cuối tháng 4. Trời nắng mà mưa vẫn đổ. Tôi đi tắt đường đến nhà anh Chín Hợi. Gặp cả anh Sáu Tý ở đó. Chúng tôi chưa kịp nói gì thì nghe tiếng chó sủa khác thường. Vừa quay nhìn ra, tên cò thám Trần Chánh và 2 tên lính đã cầm súng xông vào. Tôi lách ra sau, mật thám lố nhố đầy ruộng. Tôi đi thẳng lại phía 1 tên. Nó chận hỏi:
- Chị đi đâu?
- Tôi đi mua dừa. Nhưng không biết sao thấy bao nhà.
- Thôi đi đi!
Chưa bước được mấy bước, một tên nhìn ra tôi hét lên:
- Con Thập!
Chúng ào đến. Tôi bị dẫn trở lại nhà. Anh Chín Hợi và anh Sáu Tý đã bị còng. Trần Chánh mở còng ra còng tôi. Chúng chần chừ chưa chịu đi vì còn chờ chị Chín Hợi về.
Cháu Tâm đang giữ vịt thấy chộn rộn bắt bớ vội chạy ra chợ Ông Hổ cho đồng chí Cảnh và đồng chí Còn hay. 2 đồng chí hội ý nhanh “phải tìm cách giựt lại, nó đưa về Mỹ Tho thì khó lắm…”. 2 anh chạy băng đồng, vừa chạy vừa la. Anh em đi cày nghe lạ dừng trâu, trật ách lấy đỏi cùng chạy theo, người chạy càng lúc càng đông ào tới nhà anh Chín Hợi.
Tên Trần Chánh biết việc không xong liền bắn chỉ thiên 3 phát súng lục rồi thoát chạy. Tụi tay chân cũng lục tục chạy theo. Vậy là 3 đồng chí được thoát.
Bọn mật thám tiếp tục lùng. Tôi trốn trên gác nhà chị Sáu Hiểu. Tình hình đang có những chuyển biến. Tại chợ Mỹ Tho, lính mã tà và lính tập đánh nhau. Trong binh lính tinh thần phản chiến lên cao. Trên đường từ miệt Hậu Giang lên Sài Gòn, có những đoàn cam-nhông chở lính, lính vỗ vào thành xe la “đả đảo chiến tranh đế quốc! Tự do dân chủ muôn năm”.
Xe tới ga Trung Lương, hàng trăm bà mẹ, vợ con lính nằm lăn ra đường cản xe, kêu khóc, đòi chồng, đòi con, đuổi theo xe. Có thể nói nơi nào có binh lính là có nghe những tiếng hát kêu gọi anh em trở về với cách mạng. Tôi còn nhớ bài hát mà tôi thường hát và dạy cho chị em:
“Hỡi này anh em binh lính.
Bước ra đấu tranh với lũ quan binh.
Lợi quyền chia nhau, chúng hưởng cùng nhau.
Màng chi lon đỏ, lon trắng, lon vàng.
Ham chi quan tước với tấm mề đay.
Quân nó khinh mình, quân nó gạt mình.
Chúng nó nói phải làm ái quốc (phải ái quốc)
Nên yêu dân, nên yêu dân.
Phải cứu dân cùng chung mẫu quốc (mẫu quốc).
Nhưng nào ta thấy nó cứu dân
Ta thấy dân cơ hàn nỡ nào làm ngơ.
Hỡi này anh em binh lính.
Cùng với công nông, cướp lấy chính quyền về tay ta.
Theo bóng ngọn cờ hồng. Theo bóng ngọn cờ hồng.
Đông Dương cách mạng muôn năm!”.
Các chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa chụp ảnh lưu niệm tại đình Long Hưng. |
Tháng 7-1940, Xứ ủy chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa, Tỉnh ủy quyết định lấy vùng kho Thầy Kiện (Long Định) làm căn cứ. Nhà ông già Thợ ở đường kinh Năng từ Tam Hiệp lên Long Định là trạm liên lạc. Căn cứ chia làm 3 khu: Khu Mác-Xây sản xuất vũ khí, khu Paris tồn trữ lương thực, khu Đà Lạt trực tiếp với các đồng chí bên ngoài vào.
Các xã đều có du kích xã, ít thì 1 tiểu đội, có xã tới đại đội. Khu Mác-xây cung cấp không đủ, anh chị em phải tự võ trang thô sơ. Từ rừng Ba U phái cán bộ quân sự về tập đánh đao, kiếm, côn, quyền. Xứ ủy in tài liệu không kịp, Tỉnh ủy tự in lấy.
Kế hoạch quân sự đã xong. Tôi được giao chỉ huy đánh đồn Tam Hiệp. Đã 11 giờ đêm. Khu căn cứ bên ngoài xem im lìm nhưng bên trong hết sức nhộn nhịp. Đồng chí Bé Trọng từ Sài Gòn về mang lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy. Ai cũng nức lòng. Lệnh đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cùng một lúc các nơi phải đánh chiếm các đồn. Sài Gòn sẽ khởi nghĩa.
Các cánh quân xuất phát, vừa tiến vừa hát Quốc tế ca và bài ca chiến đấu “Nhà máy nổi dậy lên! Ta cùng nắm tay nhau. Cùng ra cướp chính quyền. Ta là người cầm đầu. Lấy súng ta nhắm quân thù. Ta lãnh vai quân chỉ đạo”.
Cánh của tôi tiến thẳng ra Tam Hiệp. Nhân dân hưởng ứng rất đông. Gươm, giáo, tầm vông vạt nhọn giơ lên trời tua tủa. Mõ, trống, chậu, thau, nồi đồng, cái gì đánh kêu là đem ra đánh áp đảo tinh thần bọn địch.
Ở Thạnh Phú, ta chiếm và đốt cháy đồn. Đồng chí Quới, chỉ huy du kích Long Hưng cho biết ta vừa tiến vào đồn thì chúng nổ súng, 1 tên lính bị chém đứt đầu bằng mã tấu.
Đồn Tam Hiệp đầu hàng. Người bao vây đen nghẹt, tiếng hò hét kêu gọi rần trời làm chúng chết khiếp. Cướp xong đồn, quân ta lại tiếp tục kéo đi nơi khác. Lần lượt Long Định, Tân Hiệp, Phú Mỹ, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Kinh 12, Ba Dừa, Bình Đức, Long Hưng… tất cả 11 đồn bị nhân dân Mỹ Tho tiêu diệt và bức rút.
Các đoạn đường lớn bị phá tới 100 cây số. 14 cây cầu bị đánh sập. Những cây to 2 bên bờ các con sông bị đốn để chặn tàu. Trong các đồn bót, công sở bị chiếm, giấy tờ, sổ sách, tài liệu của chính quyền thực dân bị đem ra đốt sạch. Đình, chùa, miễu mạo đâu đâu cũng rực rỡ cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng.
Chính quyền cách mạng tổ chức chẩn bần, chẩn tế cho nhân dân. Tin khởi nghĩa các nơi tới tấp bay về: Đức Hòa, Hóc Môn (Chợ Lớn), Cần Giuộc (Tân An), Cao Lãnh (Sa Đéc), Chợ Mới (Long Xuyên)…
Tòa án nhân dân được thành lập. Ngồi chánh án, bồi thẩm có các anh Lê Văn Quới, Nguyễn Hữu Thường, Đặng Văn Hiệp, Lê Văn Vĩ, Lê Văn Giác. Tôi làm biện bộ sư. Quần chúng được mời tham gia ý kiến. Tòa xử công khai. Trừ những tên gian ác như Hương Quản Sâm bị tòa án trừng trị còn hầu hết sau khi nhận tội đều được tòa khoan hồng. Có những người trước kia lùng bắt tôi, tôi cũng biện hộ và xin nhân dân tha tội cho họ.
Chính quyền nhân dân tỉnh Mỹ Tho đứng vững 22 ngày. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cách mạng đã mang đến cho nhân dân những điều sâu sắc không thể nào quên được…
(Trích Hồi ký của đồng chí Nguyễn Thị Thập)
HỒNG LÊ