Cơ quan dân cử cần nâng cao chất lượng công tác thẩm tra
Công tác thẩm tra có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp HĐND đưa ra những quyết định đúng quy định pháp luật, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tác động tích cực đến đời sống và các mối quan hệ xã hội khác.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Tại Hội nghị giao ban HĐND các huyện, thành phố, thị xã lần thứ 5 mới đây, các đại biểu đã nhìn nhận những điểm yếu và kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm nâng chất công tác này trong thời gian tới.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Thời gian qua, Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh đã chủ động thực hiện tốt các hoạt động theo chương trình, kế hoạch đề ra, tập trung vào việc tổ chức kỳ họp, các đợt tiếp xúc cử tri, tổ chức các hoạt động giám sát theo chương trình công tác hàng năm.
Theo đánh giá của Thường trực HĐND, công tác chuẩn bị kỳ họp và chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên, phát huy tính dân chủ, trí tuệ tập thể của cơ quan dân cử các cấp ở địa phương; đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp có sự chuyển biến tích cực, nhiều đại biểu còn đầu tư nghiên cứu sâu về nội dung, thông tin, số liệu có liên quan nên thực hiện trả lời chất vấn rõ ràng, đúng đối tượng, đúng trọng tâm, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao uy tín của HĐND...
Quang cảnh Hội nghị giao ban HĐND các huyện, thành phố, thị xã lần thứ 5. |
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Tại Hội nghị giao ban HĐND các huyện, thành phố, thị xã lần thứ 5, nhiều đại biểu đã phân tích, mổ xẻ những mặt còn khó khăn, hạn chế, trong đó công tác thẩm tra là 1 trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, công tác thẩm tra hiện còn nhiều hạn chế như: Báo cáo thẩm tra gửi đến đại biểu chậm hơn so với thời gian quy định; nội dung một số báo cáo thẩm tra chưa nêu rõ việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu trong nghị quyết; năng lực, trình độ, hiểu biết về công tác thẩm tra của một số đại biểu HĐND chuyên trách chưa cao, dẫn đến chất lượng báo cáo thẩm tra chưa đạt yêu cầu và còn mang tính hình thức. Chẳng hạn, đa số các ý kiến nêu ra đều đồng tình theo báo cáo, đề án, dự thảo, nghị quyết, ít khi có ý kiến phản biện hoặc đề nghị, kiến nghị…
Theo ý kiến của đại diện HĐND huyện Tân Phú Đông, thành viên các ban của HĐND huyện đa số là kiêm nhiệm; riêng Ban Pháp chế HĐND huyện không có chuyên trách, nên thời gian nghiên cứu tài liệu phục vụ thẩm tra chưa nhiều. Mặt khác, một số cán bộ UBND huyện, cán bộ chủ chốt các ngành liên quan chưa tham dự đầy đủ các kỳ họp ban HĐND báo cáo thẩm tra, làm cho việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm tra gặp nhiều khó khăn…
CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Theo ông Tăng Trung Dũng, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Tân Phú Đông, các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết cần tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Tổ chức HĐND, UBND và các luật liên quan, bảo đảm trình văn bản đúng thời gian quy định để Thường trực, các ban của HĐND huyện có thời gian nghiên cứu, sau đó tiến hành khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động. Có như vậy mới đảm bảo được tính phản biện và tính chuyên sâu của báo cáo trình kỳ họp.
Đại diện lãnh đạo HĐND TX. Cai Lậy cho rằng, hoạt động của HĐND và UBND có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau để cùng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu chung là chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương mình và cơ quan Nhà nước cấp trên. Không nên nghĩ rằng thẩm tra là để chỉ ra những thiếu sót, những hạn chế làm khó nhau.
Vì lẽ đó, để nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, cần tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên; phát huy năng lực, trách nhiệm của từng thành viên trong ban HĐND và các đơn vị liên quan. Có như vậy mới hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình; đồng thời đảm bảo tiến độ các báo cáo thẩm tra.
Bà Thái Ngọc Bảo Trâm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Gò Công Tây cho rằng: “Cần quan tâm nhiều hơn đối với công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ là đại biểu HĐND chuyên trách có tâm và ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, Thường trực HĐND tỉnh có thể xem xét tổ chức hội nghị ít nhất mỗi năm 1 lần nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra những báo cáo thẩm tra hay, đúng pháp luật để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng chất công tác thẩm tra của HĐND trong thời gian tới…”.
Ngoài ra, nhiều đại biểu HĐND các huyện, thành phố, thị xã cũng cho rằng, để nâng chất các ban của HĐND cũng như công tác thẩm tra, khi cơ cấu các đại biểu HĐND cần chú ý đến trình độ, năng lực, khả năng tham gia thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; các ban của HĐND tỉnh cần dành thời gian tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm công tác, đặc biệt là công tác thẩm tra đối với các ban của HĐND cấp huyện.
Bên cạnh đó, xây dựng quy chế về quy trình phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các ban của HĐND trong quá trình soạn thảo, thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND. HĐND tỉnh cũng cần có quy định cụ thể về chế độ thuê chuyên gia tham vấn chuyên môn, hỗ trợ công tác thẩm tra để các địa phương có cơ sở thực hiện khi có nhu cầu...
Tại hội nghị, ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những giải pháp, kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, hạn chế được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị và yêu cầu lãnh đạo HĐND các huyện, thành phố, thị xã cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn; đồng thời lưu ý lãnh đạo HĐND các huyện, thành phố, thị xã phải xem công tác thẩm tra là nhiệm vụ trọng tâm.
HOÀI THU