ĐBQH Huỳnh Văn Tính:Đề xuất 6 giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về nội dung giám sát tối cao trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tham gia thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu, tập trung vào các vấn đề sau:
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp hoạt động ngân hàng từng bước được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh:
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định, xử lý căn bản đối với các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém, không hiệu quả, cụ thể:
Tính đến ngày 29-8-2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,09% so với cuối năm 2013, huy động vốn tăng 8,52% so với cuối năm 2013.
Trong đó, huy động vốn bằng đồng Việt Nam tăng 9,94%; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ổn định, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,21%;
Tình trạng huy động vốn vượt trần, chạy đua lãi suất được khống chế; mặt bằng lãi suất giảm nhanh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất; hệ thống ngân hàng thương mại tích cực trong công tác trích dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu…
Bên cạnh kết quả bước đầu như vừa nêu, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đối mặt với không ít thách thức như: Xử lý nợ xấu mới được bắt đầu, nợ xấu vẫn chưa thể giảm bền vững; việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua còn lúng túng, chưa hiệu quả, thậm chí còn có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, vấn đề quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém; tính công khai minh bạch của các tổ chức tín dụng trong việc công bố chính xác tỷ lệ nợ xấu chưa được thực hiện tốt; tình hình kinh tế khó khăn, niềm tin thị trường giảm sút cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta hiện nay.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 10/2011/QH13, đại biểu Huỳnh Văn Tính đề xuất với Quốc hội 6 giải pháp cụ thể như sau:
Một là, cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng nhằm tạo điều kiện để phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhất là sản xuất - kinh doanh trong nước, góp phần thực hiện tốt tăng trưởng kinh tế nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế của nước ta hiện nay vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Hai là, đẩy nhanh việc chuyển đổi hoặc quy hoạch lại các dự án bất động sản khó có khả năng thực hiện trong tương lai bởi nhiều lý do khác nhau như: thiếu vốn hoặc cung vượt quá cầu… nhằm giải quyết tình trạng “đóng băng” bất động sản, một trong các nguyên nhân chính gây vỡ nợ do không thể cân đối tài chính của người vay, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng.
Ba là, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự phù hợp và tính đồng bộ, nhất là trong các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, phá sản doanh nghiệp, thi hành án dân sự và cơ chế thực thi pháp luật, tạo điều kiện để ngân hàng thực hiện việc thu hồi nợ và xử lý tài sản nợ, tài sản đảm bảo được nhanh chóng nhằm hạn chế và khắc phục dần tình trạng nợ đọng, nợ xấu của ngân hàng.
Bốn là, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua chỉ chú trọng đến vấn đề tái cơ cấu tài chính, chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu quản trị và hoạt động. Do vậy, trong giai đoạn sắp tới cần chú trọng hơn đến vấn đề tái cơ cấu quản trị và hoạt động, để hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu bảo đảm ổn định và phát triển bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu trước mắt và lâu dài trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Năm là, từng bước thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất và quản lý sở hữu chéo; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng bằng cách minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu; thậm chí cần phải cưỡng chế bằng biện pháp hành chính, cũng như xử phạt nặng đối với các cá nhân và các tổ chức tín dụng tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.
Sáu là, cần đề cao hơn nữa nguyên tắc thị trường và kỷ cương, kỷ luật, an toàn trong hoạt động ngân hàng nhằm góp phần xử lý kịp thời và triệt để các yếu kém trong hoạt động tín dụng và hệ thống tổ chức tín dụng.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)