Thứ Sáu, 07/11/2014, 16:50 (GMT+7)
.

ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng: Đóng góp dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp

Ngày 5-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tham gia phát biểu ý kiến đối với nội dung dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) tán thành với việc đổi tên gọi của luật hiện hành là Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời, thống nhất việc sắp xếp lại các trình độ giáo dục đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, hợp nhất các trình độ đào tạo của hệ thống dạy nghề với trình độ đào tạo tương ứng của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, việc quan trọng cần đặt ra để xem xét là phải gắn mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy thực hiện chính nhiệm vụ đó.

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp và gắn với yêu cầu giải quyết lao động và việc làm. Chính vì thế, đề nghị giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là phù hợp.

Đóng góp những ý kiến cụ thể vào nội dung quy định của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, về mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp

Tại Khoản 1 Điều 4, quy định: "Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo;…". Cơ bản tán thành với dự thảo luật nhưng đề nghị bổ sung cụm từ "thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh" để bảo đảm bao quát và toàn diện hơn; bởi lẽ, công tác đào tạo trong tổ chức Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hiện nay có tổ chức các trường đào tạo hệ trung cấp, sơ cấp nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong lực lượng vũ trang, không chỉ cho sản xuất dịch vụ mà còn thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an, ninh khác. Đây là nguồn bổ sung cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Về mặt pháp lý, kế thừa Điều 33 của Luật Giáo dục hiện hành, thể hiện khá hoàn chỉnh nội dung này để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Do vậy, đề nghị Khoản 1 điều này cần quy định để khẳng định rõ “Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh; đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp v.v...

Thứ hai, về cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5

Luật Giáo dục hiện hành đã có quy định này tại Khoản 1, Điều 48 khi nói về các trường công lập, và như vậy các trường công lập quy định trong Luật Giáo dục cũng phải tương ứng với cơ sở giáo dục công lập quy định tại điểm này.

Theo đó ngoài các tiêu chí do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn có một tiêu chí nữa là bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ chi thường xuyên. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điểm a, Khoản 2 tiêu chí này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Giáo dục hiện hành.

Thứ ba, về chính sách của Nhà nước đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 6

Cơ bản đại biểu tán thành nội dung Điều này với 8 khoản được quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị sửa lại Khoản 7 cho đầy đủ các đối tượng được hỗ trợ học nghề, đề nghị thay cụm từ "quân nhân xuất ngũ" bằng cụm từ "hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ và nghĩa vụ tham gia công an nhân dân", hoặc ngắn gọn hơn thì dự thảo Luật có thể quy định là "chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ và nghĩa vụ tham gia công an nhân dân".

Thứ tư, về tuyển sinh đào tạo quy định tại Điều 33

Tại Điểm c, Khoản 2 điều này quy định: tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Quy định trên chưa thể hiện rõ tiêu chí văn hóa phổ thông để được xét tuyển hoặc thi tuyển vào từng loại trường, đề nghị xem xét bổ sung những quy định nhằm cụ thể hóa Điều này trên cơ sở kế thừa Khoản 1, Điều 38 và Khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục; theo đó, vào Trung cấp chuyên nghiệp thì đầu vào phải có trình độ Trung học cơ sở hoặc Trung học phổ thông, vào Cao đẳng đầu vào phải có trình độ Trung học phổ thông hoặc có Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Đồng thời, tán thành với quy định các trường hợp được tuyển thẳng vào các trường Cao đẳng và đề nghị phải bổ sung trường hợp được tuyển thẳng vào các trường Trung cấp. Đây được coi là một biện pháp để tạo điều kiện cho học sinh được học nghề sớm theo nhu cầu và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải mở rộng cửa để thu hút thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam có cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm.

Thứ năm, về hiệu lực thi hành ở Điều 77

Đề nghị ghi rõ về thời gian có hiệu lực thi hành trong dự thảo Luật là từ ngày 1-7-2015 và đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 3 của dự thảo Luật theo hướng quy định rõ các điều, khoản trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hết hiệu lực thi hành khi luật này có hiệu lực.

* Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Theo đại biểu Huỳnh Văn Tính, từ năm 2005, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đã được quy định tại Điều 60 của Luật Giáo dục. Quyền tự chủ được tiếp tục khẳng định trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Điều 24 về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục rất khó thực hiện tự chủ theo các quy định trên, bởi dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp chứa đựng rất nhiều điều, khoản hạn chế những quyền này, cụ thể như: trong khi khẳng định quyền tự chủ của các trường quy định tại Khoản 3, Điều 26 dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp thiếu những quy định cụ thể về việc thu hồi quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp không còn đủ năng lực tự chịu trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ mà chỉ quy định tùy theo mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ và xử lý theo quy định của pháp luật. 

- Về học phí, lệ phí tuyển sinh được quy định tại Điều 30, giao Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, quy định khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, theo đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chỉ được quyền xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo từng chuyên ngành hoặc từng nghề nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của Chính phủ.

Quy định này không chỉ hạn chế quyền tự chủ mà còn gây khó khăn cho cơ sở giáo dục công lập khi Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo đối với những nghề đặc thù, ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, những nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa được quy định tại Khoản 6, Điều 6.

Để thực hiện hiệu quả việc tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo khoa học, công nghệ của các trường, đề nghị cần sớm Tổng kết 10 năm thực hiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục, trên cơ sở đó nghiên cứu, bổ sung vào quy định của pháp luật để xem xét áp dụng một số giải pháp như sau:

Một, về giải pháp, về thể chế. Ngoài việc khắc phục những bất cập, mâu thuẫn đã nêu ở phần trên, cần làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường, phân biệt trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận để các trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các chính sách, pháp luật hiện hành của nước ta.

Hai, về giải pháp thực hiện tự chủ về tổ chức nhân sự. Cần nghiên cứu, giải quyết mối quan hệ giữa Hội đồng trường với tổ chức, cá nhân có liên quan, trước hết là với nhà đầu tư ở trường tư thục. Để Hội đồng có đủ năng lực và thực quyền quyết định các vấn đề của nhà trường, bãi bỏ cơ chế cơ quan chủ quản, các trường chỉ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Các trường cần xây dựng, công bố và thực hiện tiêu chuẩn của cán bộ quản lý và giáo viên, quy chế tuyển dụng làm việc, đề bạt cán bộ quản lý và giáo viên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Ba, về các giải pháp thực hiện tự chủ về chuyên môn. Các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chú trọng chuẩn ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của các trường đào tạo nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, để thích ứng với thị trường lao động trong Khu vực.

Gắn kết chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động, bãi bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và cơ quan chủ quản (nếu còn), ban hành khung chương trình. Các cơ quan này chỉ xác định với cơ sở giáo dục yêu cầu chất lượng đầu ra như một đơn đặt hàng của Nhà nước.

Bốn, các giải pháp thực hiện tự chủ về tài chính cần gắn liền với đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước và chính sách học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.