ĐBQH Nguyễn Văn Tiên:Góp ý việc tăng thuế các mặt hàng thuốc lá, rượu bia...
Ngày 4-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung các dự án luật liên quan đến các Luật Thuế và các công ước của Liên Hợp quốc mà Việt Nam dự kiến sẽ tham gia. Quan tâm đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến, tập trung vào một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, về vấn đề thuốc lá: Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế sẽ làm gia tăng tình trạng thuốc lá lậu. Ý kiến trên là không có cở sở, bởi lẽ:
Một là, việc tiêu dùng thuốc lá lậu ở nước ta không liên quan đến “giá”. Theo kết quả khảo sát của toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành vào năm 2010, gần 90% thị phần thuốc lá nhập lậu là các nhãn hiệu JET, HERO và giá bán của nó cao hơn mức giá trung bình của thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% - 60%. Với loại thuốc lá có cả sản xuất trong nước và nhập lậu thì giá thuốc lá lậu cũng cao hơn.
Theo nghiên cứu về giá thuốc lá của Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính vào năm 2013, giá bán trung bình 1 bao thuốc Mallboro đỏ được sản xuất hợp pháp là 22.700 đồng, trong khi thuốc lá lậu cùng loại có giá bán là 25.000 đồng.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên mức 140% thì cũng chưa thể làm giá thuốc lá hiệu này được sản xuất hợp pháp trong nước cao hơn giá bán của thuốc lá cùng loại nhập lậu.
Hai là, “Thương hiệu, khẩu vị” hay “gu của người tiêu dùng” là yếu tố quan trọng tác động đến việc tiêu dùng thuốc lá lậu. Theo kết quả điều tra người tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh trong nước vào năm 2012 có tới 70% người dùng thuốc lá lậu là do hương vị, trong khi chỉ có 15% người sử dụng thuốc lá lậu là do giá thấp.
Ba là, việc tăng, giảm số lượng thuốc lá buôn lậu trong những năm qua không liên quan đến các thời điểm tăng thuế. Theo số liệu của Hiệp hội Thuốc lá, lượng thuốc lá lậu được tiêu thụ ở Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2013 tăng, giảm qua các năm khác nhau.
Cụ thể, giai đoạn 2007 - 2009 lượng thuốc lá lậu được tiêu thụ ở Việt Nam tăng bình quân là 117 triệu bao mỗi năm và trong giai đoạn này, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng từ 55% (năm 2007) lên 65% (năm 2008), nhưng sau khi đã tăng thuế thì trong giai đoạn 2009 - 2011 lượng thuốc lá lậu vào nước ta lại có xu hướng giảm nhẹ từ 870 triệu bao (năm 2009) xuống còn 750 triệu bao (năm 2011).
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2013, mặc dù Nhà nước ta không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng lượng thuốc lá lậu tăng mạnh từ 750 triệu bao (năm 2011) lên 930 triệu bao (năm 2013). Nguyên nhân của tình trạng này (theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) là do hoạt động buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, phức tạp; trong khi hoạt động phòng, chống và kiểm soát thuốc lá lậu còn gặp khó khăn do thiếu nguồn lực thực hiện.
Bốn là, theo kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy không có mối liên quan giữa vấn đề thu thuế đối với thuốc lá và vấn đề tiêu dùng thuốc lá lậu. Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới dựa trên số liệu của 76 quốc gia, mối liên quan giữa thuế và giá thuốc lá với thị phần thuốc lá lậu là không rõ ràng.
Có những quốc gia có thuế và giá thuốc lá rất cao nhưng mức độ buôn lậu lại thấp (điển hình như quốc gia Thụy Điển, nơi giá thuốc lá cao nhất thế giới nhưng lại có tỷ lệ buôn lậu thuốc lá thấp nhất thế giới), trong khi đó có những quốc gia có mức thuế và giá thuốc lá rất thấp nhưng mức độ buôn lậu lại rất lớn; ngược lại, một số quốc gia như Anh, Ý hay Malaysia buôn lậu thuốc lá giảm ngay cả khi tăng thuế thuốc lá.
Năm là, tăng thuế thuốc lá và kiểm soát thuốc lá lậu là 2 biện pháp đồng bộ. Hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: biện pháp phòng chống buôn lậu, kiểm soát tại biên giới, năng lực cơ quan chống buôn lậu tại địa bàn…; không tăng thuế thì cũng không làm giảm được buôn lậu nếu như không có các biện pháp hữu hiệu trong hoạt động phòng, chống và kiểm soát buôn lậu.
Cụ thể, vào những năm 1990, khi chúng ta thực hiện chặt chẽ hoạt động kiểm soát buôn lậu nên gần như không có thuốc lá lậu bán trên thị trường Việt Nam. Hiện nay tình trạng buôn lậu diến biến phức tạp, tinh vi, trong khi các hoạt động phòng, chống và kiểm soát buôn lậu thuốc lá chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thì việc không tăng thuế hay tăng thuế cầm chừng sẽ tạo những điều kiện tác động làm cho việc tiêu dùng thuốc lá gia tăng.
Do đó, hoạt động kiểm soát buôn lậu và tăng thuế thuốc lá là 2 biện pháp cần thực hiện đồng thời và bổ trợ cho nhau, Nhà nước có thể dùng một phần nguồn thu từ thuế để bổ trợ cho hoạt động phòng, chống và kiểm soát buôn lậu; đồng thời khi hoạt động buôn lậu được kiểm soát thì sẽ làm tăng thêm hiệu quả của chính sách thuế.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy việc hút thuốc lá lậu ở nước ta chủ yếu là do “gu”, “thị hiếu” chứ không phải do giá thấp; buôn lậu thuốc lá gia tăng là do kiểm soát chưa hiệu quả và thiếu nguồn lực; việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá không tác động làm tăng cao giá bán thuốc lá cao. Vì vậy, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết và việc tăng thuế không phải là nguyên nhân dẫn đến gia tăng thuốc lá nhập lậu.
Về mức tăng thuế đối với thuốc lá, đề nghị tăng ít nhất 7 - 10%/năm từ nay đến năm 2020 hoặc năm 2015 tăng 20% và năm 2018 tăng tiếp 20%.
Thứ hai, đối với mặt hàng rượu, bia: Cần thiết tăng thuế để hạn chế sử dụng và bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời có thêm nguồn thu ngân sách đảm bảo nguồn chi an sinh xã hội. Đề nghị mức tăng cụ thể như sau: Rượu trên 20 độ là 75%, dưới 20 độ là 45%; bia: 65% từ tháng 7-2015 và từ năm 2018 là 75% (tăng 10% so với đề xuất của Chính phủ).
Thứ ba, đối với mặt hàng nước ngọt, nước giải khát có gas: Đề nghị nên bổ sung mặt hàng nước ngọt, nước giải khát có gas nói chung (trừ các loại nước hoa quả tự nhiên) vào danh mục chịu thuế, vì đây là loại nước giải khát nếu dùng nhiều, dùng thường xuyên dễ dẫn đến bị các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, béo phì, bệnh chuyển hóa…), rất khó chữa, tốn kém nhiều chi phí, gây tổn hại nguồn lực quốc gia và nhân dân.
Đề nghị mức áp thuế là 10% với các loại nước giải khát này cho dù được sản xuất trong nước hay nhập khẩu nhằm hạn chế sử dụng để bảo vệ sức khỏe nhân dân như nhiều quốc gia hiện đang thực hiện.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)