ĐBQH Nguyễn Văn Tiên:Quan tâm đến 4 vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội
Ngày 30-10, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) đánh giá rất cao Báo cáo của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành trình Quốc hội tại kỳ họp này có rất nhiều thành tích, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, cần phải xem xét đến những mặt hạn chế cần nghiên cứu để có những giải pháp hữu hiệu, nhằm đưa Việt Nam phát triển vững mạnh về kinh tế và ổn định về xã hội. Cụ thể cần quan tâm đến 4 vấn đề sau:
Một là, về kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, có khá nhiều chỉ tiêu chúng ta đạt được. Trong các chỉ tiêu này, có 2 chỉ tiêu trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, đó là chỉ tiêu giường bệnh và chỉ tiêu về vấn đề giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
Vấn đề giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em mang tính tổng hợp, mang tính chính trị; nhưng chỉ tiêu giường bệnh không phản ánh đúng tình hình thực tế về công tác y tế của chúng ta.
Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đầu tư khá nhiều nguồn tiền trái phiếu, cũng như huy động xã hội để xây dựng các bệnh viện, cơ sở y tế.
Tuy nhiên, thực tế vấn đề giường bệnh trong y tế hiện nay vẫn quá tải, mặc dù tỷ lệ giường bệnh của chúng ta rất thấp so với thế giới nhưng bệnh viện huyện vẫn chỉ sử dụng 40 - 50% công suất; còn bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh đa số là quá tải và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng, ngay cả việc lãnh các thuốc mãn tính hàng ngày, hàng tháng cũng phải đến tận bệnh viện Trung ương, bệnh viện tỉnh để lãnh.
Đây cũng một phần do cơ chế, chính sách của chúng ta, bởi vì các bệnh viện Trung ương hiện nay đa số là tự chủ. Nói là quá tải, nhưng thực tế các bệnh viện không muốn giảm quá tải, do đó chỉ tiêu 23 giường bệnh/vạn dân không đáng gì với sự cố gắng của Đảng, Nhà nước và của ngành Y tế.
Vì vậy, đề nghị nên thay sử dụng chỉ tiêu giường bệnh bằng chỉ tiêu bảo hiểm y tế (BHYT), vì chỉ tiêu BHYT là thể hiện sự cố gắng của Đảng, Nhà nước dành tiền mua và hỗ trợ mua BHYT cho người dân, sự vận động của các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, phản ánh đúng được thực tế của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay;
Đồng thời cần phải cải tiến ngay việc tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân cùng với việc tăng cường năng lực cơ sở y tế tuyến dưới, vấn đề này phải được quy định bằng luật hoặc bằng quy định nào đó của Bộ Y tế.
Song song đó, cần thực hiện biện pháp quy định các bệnh viện Trung ương sau khi khám và điều trị bệnh cơ bản, phải chuyển các bệnh nhân về các cơ sở y tế các cấp ở địa phương để tiếp tục điều trị và điều trị bổ sung hoặc thực hiện việc cấp phát thuốc tiếp tục điều trị ở y tế tuyến xã, không được lưu giữ bệnh nhân điều trị lâu dài tại các bệnh viện Trung ương nhằm thu tiền của bệnh nhân, tăng nguồn thu cho đơn vị.
Thiết nghĩ, đây là những việc hoàn toàn có thể làm được và sẽ mang lại nhiều kết quả tốt hơn, nhanh chóng hơn trong giảm tải khám, chữa bệnh ở bệnh viện các tuyến trên. Nếu chỉ hô hào giảm quá tải nhưng các cơ chế, chính sách không có thì việc quá tải vẫn tiếp tục và không biết bao giờ mới giảm được việc quá tải trong khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên.
Hai là, đối với việc thực hiện các dự án đầu tư trong nước bằng nguồn vốn vay ODA, cần phải phân biệt cụ thể loại nào là các dự án thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và loại nào là các dự án được thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ phải hoàn lại. Nếu phải hoàn lại thì liên quan nhiều đến nợ công của Quốc gia.
Vì vậy, khi thực hiện các dự án đầu tư trong nước bằng nguồn vốn vay ODA cần phải hết sức cẩn thận, vì sẽ tăng gánh nặng nợ công, đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp này. Vì vậy, để hạn chế nợ công phát sinh cần thực hiện đảm bảo nguyên tắc quan trọng là không sử dụng nguồn vốn vay ODA để chi thường xuyên;
Đồng thời đề nghị việc vay nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án đầu tư trong nước phải có ý kiến của các cơ quan của Quốc hội trước khi đưa vào sử dụng, bảo đảm cho việc sử dụng là thật sự cần thiết, đúng yêu cầu và hiệu quả, tránh việc tăng nợ công quá lớn sẽ gây nên những khó khăn nhất định cho việc đầu tư phát triển đất nước sau này.
Ba là, tại nghị trường của Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm của mình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội trong thảo luận đã thẳng thắn phân tích, tranh luận từng câu, từng chữ, từng nội dung dự thảo trong nghị quyết và các luật với mục đích cao nhất để mỗi người dân đều được hưởng các chế độ, chính sách ưu việt, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhưng khi thực hiện hoạt động giám sát thực tế việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, nhất là cấp xã, cho rằng đây là những quy định mới, chưa được hướng dẫn thực hiện, thậm chí có những chính sách, pháp luật đã ban hành 5 - 7 năm nhưng cũng cho là quy định mới, nguyên nhân được xác định là vẫn còn nhiều bất cập trong công tác chỉ đạo, triển khai, tổ chức thi hành luật từ Chính phủ đến cơ sở.
Vì vậy đề nghị trong thời gian tới, khi triển khai thi hành pháp luật thì Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh phải phân định rõ trách nhiệm trong thực hiện từng nội dung cụ thể ở từng chính sách, pháp luật để mỗi cấp chính quyền chủ động trong việc đề ra giải pháp nhằm bảo đảm cho chính sách, pháp luật được đi vào cuộc sống kịp thời và phát huy tích cực, hiệu quả.
Bốn là, hiện nay cử tri, nhất là cử tri vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc trước tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất nông nghiệp giả, kém chất lượng cũng như việc triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”.
Vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về vấn đề này; hiện nay, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang dự kiến triển khai đề tài nghiên cứu về vấn đề này;
Do vậy đề nghị Bộ NN-PTNT sớm chủ động phối hợp các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn và tạo những cơ chế, chính sách thuận lợi giúp nông dân sản xuất nông nghiệp thật sự hiệu quả, ổn định và nâng cao cuộc sống, đóng góp tích cực trong đầu tư xây dựng nông thôn mới hiện nay.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)