ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý dự án Luật Ngân sách Nhà nước
Ngày 25-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến về 5 nội dung như sau:
Một là, dự án luật lần này vẫn mang tính lồng ghép, bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương lại bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp. Quốc hội quyết định ngân sách Nhà nước, bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Sau đó HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại quyết định ngân sách địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách do Quốc hội quyết định. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, việc lồng ghép ngân sách Nhà nước dễ dẫn đến sự trùng lắp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung, nhất là làm rõ ngân sách Nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi Quốc gia.
Ngoài ra, cần phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, HĐND quyết định dự toán ngân sách địa phương, tránh sự trùng lặp hình thức.
Hai là, tại Khoản 8, Điều 9 dự án luật quy định: Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần số bổ sung ngân sách cấp trên hoặc tăng tỷ lệ phần trăm nộp về ngân sách cấp trên.
Đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi Quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương. Quy định như thế là chưa hợp lý, vì trên thực tế, nhu cầu chi tăng nhanh để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội; trong khi đó phần lớn các địa phương số tăng thu ngân sách không đáp ứng được nhu cầu tăng chi, nên việc thực hiện quy định này thực tế rất khó.
Ba là, một số quy định về công tác chấp hành, quyết toán ngân sách, thanh tra, kiểm toán còn chưa hợp lý, chưa đầy đủ. Cụ thể, Điều 56 dự án luật quy định xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách Nhà nước, nhưng chưa quy định đến trường hợp có số dư tạm thời. Do đó, chưa tạo được tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng số dư tạm thời ngân sách Nhà nước.
Hoặc theo quy định tại Khoản 1, Điều 65 về thẩm định quyết toán ngân sách Nhà nước thì cơ quan tài chính cấp trên có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của ngân sách cấp dưới, trừ quyết toán ngân sách năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Bộ Tài chính không thẩm định. Nhưng quyết toán ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê chuẩn thì trách nhiệm, quyền hạn giữa cơ quan tài chính cấp trên với HĐND cấp dưới như thế nào, dự án luật cần quy định rõ hơn.
Bốn là, về dự phòng ngân sách được quy định tại Điều 10 dự án luật là chưa rõ, vì thực tế hàng năm không phải địa phương nào cũng phải sử dụng tới dự phòng ngân sách, trong khi đó hàng năm ngân sách các cấp đều bố trí dự phòng từ 2 - 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, nên có địa phương mức dự phòng ngân sách rất lớn. Tuy nhiên, dự án luật quy định theo hướng mở là sử dụng dự phòng ngân sách để chi cho nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình, chi hỗ trợ của ngân sách cấp dưới trong trường hợp cần thiết.
Quy định như vừa nêu là tạo thuận lợi cho địa phương, nhưng dẫn đến tình trạng mỗi địa phương vận dụng và thực hiện khác nhau, có địa phương sẽ căn cứ vào nhiệm vụ mới phát sinh ngoài dự toán trong năm ngân sách, có nơi căn cứ vào những vấn đề đột xuất ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội để xem xét quyết định sử dụng.
Về thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cũng quy định theo hướng mở. Ở Trung ương định kỳ Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; ở địa phương, UBND các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo thường trực HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Đề nghị dự án luật cần bổ sung giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định nhiệm vụ cần thiết khác, trường hợp cần thiết phát sinh trong năm dự toán ngân sách, quy định rõ thời gian cụ thể báo cáo việc sử dụng dự phòng ngân sách để các địa phương thực hiện thống nhất.
Năm là, về công khai và giám sát ngân sách Nhà nước của cộng đồng được quy định tại Điều 15. Dự án luật lần này đã quy định đối tượng phải thực hiện công khai, nội dung công khai, hình thức công khai, xử lý trách nhiệm đối tượng không thực hiện công khai; đồng thời dự án luật cũng quy định giám sát ngân sách Nhà nước của cộng đồng là một bước tiến so với luật hiện hành, vì việc thực hiện công khai, minh bạch ngân sách Nhà nước và các nguồn lực tài chính công theo quy định hiện hành là chưa tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động ngân sách Nhà nước.
Việc thực hiện công khai dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước chỉ thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê chuẩn, tức là công khai việc đã rồi. Để việc thực hiện công khai và giám sát ngân sách Nhà nước của cộng đồng được hiệu quả, đề nghị công khai ngân sách Nhà nước các cấp theo hướng cụ thể, đơn giản như công khai dự toán các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chi thường xuyên nợ công và tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm có liên quan đến từng cấp chính quyền địa phương, tổ chức, đơn vị để người dân dễ hiểu. Đặc biệt, cần tạo cơ chế để người dân được lắng nghe và có quyền yêu cầu giải đáp về những gì chưa hiểu, vì đó là tiền của dân đóng góp.
Sáu là, thời gian qua một số khoản thu, chi ngân sách Nhà nước chưa được đưa vào cân đối thu, chi mà quản lý thu, chi qua ngân sách Nhà nước như thu xổ số kiến thiết, phí và lệ phí, các khoản vay trái phiếu Chính phủ, công trái Quốc gia.
Như vậy, việc chưa đưa các khoản thu, chi nói trên vào cân đối thu, chi ngân sách hàng năm là chưa thực hiện đúng Điều 55 của Hiến pháp năm 2013, là các khoản thu, chi cần được dự toán và do luật định, cũng có nghĩa là Quốc hội quyết định chưa đầy đủ, toàn diện và thống nhất dự toán ngân sách Nhà nước.
Đề nghị dự án Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi lần này cần quy định rõ tất cả các khoản thu, chi phải thể hiện rõ cấp ngân sách được hưởng và có dùng để xác định tỷ lệ phần trăm phân chia hoặc không phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, phải được thể hiện rõ trong dự án luật.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)