ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý dự án Luật Tổ chức Chính phủ
Ngày 21-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ. Đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận về 4 nội dung cụ thể như sau:
Một là, về vị trí, chức năng của Chính phủ được quy định tại Điều 1: Đây là nội dung quy định tại Điều 94, Hiến pháp năm 2013: Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Như vậy, với quy định Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan chấp hành của Quốc hội sẽ bảo đảm tính độc lập tương đối của Chính phủ, tạo cơ sở phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của Chính phủ trong thực thi quyền hành pháp. Quyền hành pháp ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa:
Thứ nhất, là tổ chức thi hành luật. Thứ hai, là chủ động khởi thảo, hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại và tổ chức thực hiện các chính sách đó. Có đủ quyền hành pháp là tiền đề để Chính phủ trở thành cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất.
Khẳng định Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của đất nước là đề cao hành pháp, đề cao tính tập trung, thống nhất, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ đối với mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Chính phủ là thiết chế có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất về mặt hành chính đối với đất nước.
Vì vậy, đề nghị dự án luật cần cụ thể hóa vị trí, chức năng của Chính phủ ở 3 vị trí, chức năng như: Cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan chấp hành của Quốc hội, thực hiện quyền hành pháp, nhất là quy định mới về quyền hành pháp của Chính phủ.
Cần làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ Hiến pháp, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật của cấp dưới để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Hai là, về báo cáo công tác của Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Dự án luật quy định Chính phủ báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định tại Điều 1; Khoản 12, Điều 24; Khoản 7, Điều 39 của luật này.
Thiết nghĩ, báo cáo công tác là một khái niệm rất rộng, dự án luật cần quy định rõ loại báo cáo nào ngoài luật và nghị quyết của Quốc hội là phải báo cáo. Trên thực tế, Chính phủ được giao rất nhiều nhiệm vụ công tác, nhưng không phải công tác nào của Chính phủ cũng phải báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, giúp Quốc hội giữa 2 kỳ họp Quốc hội.
Vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo công tác mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội hay báo cáo công tác khác mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hoặc do Chính phủ chủ động trình hay theo yêu cầu đặt hàng của Quốc hội. Vì vậy, đề nghị dự án luật cần quy định rõ những nội dung Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba là, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ được quy định tại Điều 4: Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong dự án luật được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của Chính phủ trong bộ máy Nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được quy định tại 5 khoản.
Đề nghị xem lại quy định tại Khoản 3 là “Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong quản lý ngành, lĩnh vực được phân công” mà không đề cập đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không phù hợp với tên điều của luật.
Vì vậy, đề nghị dự án luật bổ sung quy định “nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gắn liền với trách nhiệm bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn cuộc sống”; đồng thời, sắp xếp lại bố cục của điều này, cụ thể chuyển vị trí quy định tại Khoản 2 thành Khoản 3 và Khoản 3 trở thành Khoản 2.
Bốn là, về phân cấp của Chính phủ với chính quyền địa phương được quy định tại Điều 23, đề nghị lưu ý 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, dự án luật đã đề cập đến sự phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, nhưng việc phân cấp chưa nêu được nguyên tắc theo quy định tại Điều 112 của Hiến pháp là chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.
Vì vậy, đề nghị dự án luật cần cụ thể hóa quy định tại Điều 112 của Hiến pháp, nhưng cần có những quy định mang tính nguyên tắc về sự phân cấp của Chính phủ với chính quyền địa phương, để trên cơ sở quy định này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành sẽ quy định phân cấp cụ thể.
Thứ hai, tại Khoản 4 quy định trong trường hợp cần thiết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ với các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đó.
Đồng ý với quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện ủy quyền cho địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng của chính quyền địa phương, từ thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực và phân công các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, đề nghị xem lại quy định Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ vì:
Người có thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật thì mới có quyền thực hiện nhiệm vụ được phân công và tên điều luật là phân cấp của Chính phủ với chính quyền địa phương mà nội dung quy định tại Khoản 4 lại quy định Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ là không phù hợp.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)