Thứ Năm, 13/11/2014, 10:09 (GMT+7)
.

Thể lệ cuộc thi "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã công bố Thể lệ và 9 câu hỏi của cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 

Đối tượng dự thi: Người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Yêu cầu đối với bài dự thi:

- Bài dự thi được thực hiện bằng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy trên giấy; đánh số trang theo thứ tự. Trường hợp bài dự thi có nhiều trang phải đóng lại thành quyển.

Trang bìa bài dự thi ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; địa chỉ (nơi ở, nơi học tập hoặc nơi công tác) của người dự thi. Ngoài phong bì của bài dự thi ghi rõ: “Dự thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bài dự thi có thể được thực hiện bằng tệp dữ liệu điện tử gửi qua email, trang đầu bài dự thi ghi rõ: Bài dự thi: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; địa chỉ (nơi ở, nơi học tập, nơi công tác) của người dự thi.

- Bài dự thi không được sao chép lại của người khác dưới mọi hình thức; nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng.

- Nghiêm cấm các trường hợp lợi dụng bài dự thi để vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam; vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác.

Mỗi cá nhân chỉ được tham gia 1 (một) bài dự thi.

Thời gian, địa chỉ nhận bài dự thi:

- Thời gian kết thúc nhận bài dự thi trước 17 giờ ngày 30-4-2015.

- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bài dự thi của các cá nhân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cục Tuyên huấn thuộc Bộ Quốc phòng nhận bài dự thi của lực lượng quân đội nhân dân.

- Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp thuộc Bộ Công an nhận bài dự thi của lực lượng công an nhân dân.

- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao nhận bài dự thi của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng kết và trao giải cuộc thi ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao trước ngày 31-8-2015.

Tổng kết và trao giải cuộc thi toàn quốc dự kiến vào dịp tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, tại Thủ đô Hà Nội.

 Cơ cấu giải thưởng

Một giải Đặc biệt: 30.000.000 đồng;

Một giải Nhất: 20.000.000 đồng;

10 giải Nhì, mỗi giải: 15.000.000 đồng;

20 giải Ba, mỗi giải: 7.000.000 đồng;

130 giải Khuyến khích, mỗi giải: 3.000.000 đồng;

Một số giải phụ khác theo quyết định của Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương, mỗi giải 3.000.000 đồng.

Các hình thức khen thưởng khác

- Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương tặng giải phong trào cho các tập thể là Ban Tổ chức cuộc thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có thành tích trong tổ chức, phát động tham gia hưởng ứng cuộc thi, với cơ cấu: 5 giải A, mỗi giải: 20.000.000 đồng; 5 giải B, mỗi giải: 10.000.000 đồng; 5 giải C, mỗi giải: 5.000.000 đồng.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho một số tập thể và cá nhân khác có thành tích trong việc đóng góp, hỗ trợ vật chất và các điều kiện đảm bảo khác góp phần tổ chức thành công cuộc thi.

Nội dung thi: Người dự thi viết bài thi bằng tiếng Việt trả lời 9 câu hỏi sau

Câu 1. Từ năm 1945 khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, nước ta có mấy bản Hiến pháp? Các bản Hiến pháp đó được Quốc hội thông qua vào ngày, tháng, năm nào?

Câu 2. Bản Hiến pháp mới được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 (Hiến pháp năm 2013) có hiệu lực từ ngày, tháng, năm nào? So với Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) có bao nhiêu điều được giữ nguyên? Có bao nhiêu điều được sửa đổi, bổ sung? Điều sửa đổi, bổ sung nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?

Câu 3. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”. Bạn hãy nêu và phân tích ngắn gọn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về những cách thức để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước.

Câu 4. Những quy định nào của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc?

Câu 5. Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân? Điểm mới nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?

Câu 6. Những điểm mới, quan trọng về vị trí, chức năng của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 2013. Phân tích điểm mới về mối quan hệ giữa các cơ quan đó trong thực hiện quyền lực Nhà nước?

Câu 7. Cấp chính quyền địa phương quy định trong Hiến pháp năm 2013 gồm những cơ quan nào? Bạn hãy nêu nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân.

Câu 8. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với cử tri và Nhân dân?

Câu 9. “…Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (trích Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013)

Theo bạn, Nhà nước và mỗi người dân có trách nhiệm làm gì và làm như thế nào để thi hành và bảo vệ Hiến pháp?

(Riêng câu 9 viết không quá 1.000 từ tương đương 3 trang A4 viết tay hoặc đánh máy tính cỡ chữ 14 Times New Roman).

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.