Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí
Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: KS |
Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-12-1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2-1-1990. Ngày 12-6-1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
Qua 15 năm thi hành Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo ra hành lang pháp lý để báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật Báo chí; báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: Luật Báo chí 1989 và Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện hoạt động báo chí và quản lý báo chí, qua đó thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.
Cho đến thời điểm này, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm báo in; 67 đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Trung ương và địa phương; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Sự phát triển nhanh chóng của báo chí đã góp phần quan trọng trong thành quả chung của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: KS |
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tích hoạt động, báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí còn một số hạn chế, bất cập như: nhiều về số lượng cơ quan báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học…
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên. Quy trình duyệt bài chưa được coi trọng và thực hiện thiếu nghiêm túc, cá biệt có trường hợp không qua thẩm định, xác minh dẫn đến một số cơ quan báo chí đưa thông tin sai, thậm chí vi phạm pháp luật.
Thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài quy định của Luật Báo chí hiện hành. Yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, tinh thần Hiến pháp 2013 cũng đòi hỏi rà soát, sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp luật để báo chí cách mạng Việt Nam có điều kiện phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình.
Phát biểu tham luận tại hội nghị các đại biểu đã thống nhất với báo cáo tóm tắt tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến làm rõ các nhóm vấn đề, những quy định còn bất cập của Luật Báo chí hiện hành liên quan đến mối quan hệ giữa các nhóm chủ thể từ góc độ quyền hạn và trách nhiệm như quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và các cơ quan báo chí; quan hệ giữa cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và cơ quan quản lý báo chí ở địa phương; quan hệ giữa cơ quan báo chí với công dân, tổ chức xã hội... Trong đó, các ý kiến tập trung phân tích tình hình thi hành Luật Báo chí hiện hành, chỉ ra những mặt tồn tại và những quy định của pháp luật không còn phù hợp.
Nhiều vấn đề mới của đời sống báo chí đặt ra như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, mô hình tập đoàn truyền thông; vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí; vấn đề tài chính đối với cơ quan báo chí; vai trò cơ quan chủ quản, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí; chức năng giám sát, phản biện của báo chí…
Từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng và các quy định khác của pháp luật.
Đông đảo lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham dự hội nghị. Ảnh: KS |
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác quản lý báo chí trong những năm tới, các đại biểu kiến nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, đặc biệt là ban hành Luật Báo chí mới và các văn bản hướng dẫn thi hành để có hành lang pháp lý sát thực tế, tạo điều kiện cho báo chí phát triển và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về báo chí.
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần tăng cường và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền theo đúng các nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật. Tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ, về chỉ đạo, quản lý nội dung, định hướng chính trị của báo, về kinh tế của cơ quan báo chí.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Từ khi Luật Báo chí ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn báo chí đã mang thông tin tới mọi ngõ ngách của đời sống trong nước và cả quốc tế. Những năm qua, báo chí đã đóng góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với yêu cầu của thực tiễn.
Phó Thủ tướng cho rằng: Những người hoạt động trong công tác báo chí, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí cần thực sự đào sâu suy nghĩ với tất cả trách nhiệm để đóng góp vào dự thảo Luật Báo chí. Chúng ta sửa luật hay xây dựng luật mới phải đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước với mục tiêu phát triển báo chí nước nhà.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Thông tin và Tuyền thông cần xây dựng dự thảo Luật Báo chí mới trên tinh thần tổng kết thực tiễn, sửa đổi phải đảm bảo bắt kịp xu thế phát triển chung của báo chí thế giới. Bên cạnh đó, Bộ cần đề cao trách nhiệm của chính những người làm công tác quản lý báo chí trong việc xây dựng luật để khi đóng góp cho dự thảo luật. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của chính những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí để có được một dự thảo tốt trình lên Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2015.
(Theo dangcongsan.vn)