Chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh: Giải trình,làm rõ nhiều vấn đề bức xúc
Tại Kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh (Khóa VIII) vừa diễn ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, tiến độ cải thiện môi trường đầu tư hay những chính sách hỗ trợ đối với nông dân… đã được đại biểu chất vấn. Nhiều vấn đề đã được lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành trả lời thẳng thắn, được nhiều đại biểu đồng tình.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời tại phiên chất vấn. |
NÔNG DÂN CHƯA QUEN VỚI MÔ HÌNH “CÁNH ĐỒNG LỚN”
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu có ý kiến: Vì sao quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và một số quy hoạch sản phẩm chủ yếu của ngành này đã được xây dựng và tổ chức triển khai, nhưng một số địa phương vẫn còn lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện và nông dân chưa nắm rõ định hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Tỉnh có giải pháp gì trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNN Nguyễn Thanh Cẩn cho biết, sở dĩ việc thực hiện quy hoạch vẫn còn những khó khăn do nông dân chưa quen với việc tham gia “Cánh đồng lớn”, chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của mô hình này, vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải mua sản phẩm với giá cao; các tổ hợp tác (THT) chưa phát huy đầy đủ vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp (DN); liên kết giữa nông dân và DN thiếu bền vững…
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN&PTNT nỗ lực đổi mới sản xuất, trong đó xác định các mặt hàng có lợi thế từng vùng sản xuất, thực hiện vai trò cầu nối giữa DN và các THT, hợp tác xã (HTX).
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Cẩn khẳng định: Đến nay, xây dựng các mô hình liên kết “Cánh đồng lớn” trên cây lúa, chăn nuôi và cây hoa màu đã cho hiệu quả thấy rõ, là bước đệm cho việc hình thành các chuỗi sản xuất sau này.
Những năm tiếp theo sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác rà soát, đánh giá các quy hoạch ngành về vùng sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi…; về đổi mới phương thức quản lý, gắn kết với DN từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh đó, khẩn trương lập đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, thực hiện đồng bộ các nội dung như: Cơ cấu lại quy mô sản xuất; chú trọng công tác giống; áp dụng công nghệ cao; liên kết thành chuỗi giá trị;
Đồng thời tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết sản xuất 2.580 ha lúa với 4.788 hộ tham gia tại 9 huyện, thị trong tỉnh; mô hình liên kết chuỗi giá trị trên cây xoài cát Hòa Lộc; cây rau tại TX. Gò Công và xây dựng 2 mô hình HTX điểm gắn kết với liên kết sản xuất.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời tại phiên chất vấn. |
KHOẢNG 5% DN VI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Dũng, đơn vị huyện Chợ Gạo nêu bức xúc về việc các DN chưa thực hiện tốt việc xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Về vấn đề này, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải trình: Trong 2 năm gần đây chưa có DN bị xử lý về việc không ký hợp đồng xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn cá biệt một vài DN chưa chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường như: Công ty TNHH Uni-President Việt Nam (KCN Mỹ Tho) và Công ty TNHH Tong Wei Việt Nam (KCN Tân Hương) còn gây mùi hôi trong quá trình hoạt động. UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với 2 đơn vị này và yêu cầu khắc phục.
Các trường hợp vi phạm này cũng đã được Sở TN&MT tập trung kiểm tra, xử lý và đã có lộ trình thực hiện. Thống kê tỷ lệ có khoảng 5% DN vi phạm về môi trường trên tổng số DN đang hoạt động tại KCN Mỹ Tho và KCN Tân Hương. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Đối với những đơn vị đã có kiểm tra, xử lý nhưng chưa khắc phục, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan đánh giá, nghiên cứu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho thực hiện di dời.
Qua 4 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc vào sáng 12-12. Trong phiên bế mạc, các đại biểu đã thông qua 28 nghị quyết. Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong báo cáo, giải trình “nói thẳng, nói thật” nhiều vấn đề đại biểu và cử tri đặt ra; đề ra những giải pháp, biện pháp tốt nhất, cụ thể nhất để giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri đang quan tâm và yêu cầu của tỉnh đặt ra; Đồng thời đề nghị thời gian tới UBND tỉnh tập trung rà soát, chỉ đạo tích cực việc thể chế hóa các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành; chỉ đạo các sở, ngành giải quyết có hiệu quả những “lời hứa” trước đại biểu HĐND và cử tri tỉnh; tăng cường kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện trong việc xem xét, xử lý kịp thời, có hiệu quả những bức xúc của nhân dân, DN… |
CHƯA Đủ CƠ Sở PHÁP LÝ Để BAN HÀNH CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐầU TƯ
Tại kỳ họp này, đại biểu chất vấn: Trong kỳ họp trước UBND tỉnh hứa sẽ cải thiện môi trường đầu tư, đến nay đã cải thiện đến đâu? Vấn đề triển khai thực hiện xã hội hóa trong việc đầu tư chợ vì sao triển khai rất chậm?
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời: Tiếp thu ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì tổ chức rà soát các quy định về chính sách ưu đãi của Trung ương để cập nhật, bổ sung và hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.
Theo đó, các sở, ngành tỉnh đã hoàn chỉnh dự thảo Quyết định ban hành Quy định về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để thay thế Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 29-12-2009 của UBND tỉnh và đã trình UBND tỉnh ký ban hành vào ngày 26-4-2014.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, ký quyết định, UBND tỉnh nhận thấy các chính sách về ưu đãi đầu tư tại các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành đang được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung trong năm 2014 và năm 2015.
Mặt khác, do khung chính sách ưu đãi của Trung ương đang có nhiều thay đổi, nhiều chính sách chưa quy định rõ ràng, vì vậy UBND tỉnh chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.
Song, UBND tỉnh cũng đã có nhiều động thái nghiên cứu chuẩn bị và sẽ sớm ban hành sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.
Từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành 2 quy chế phối hợp thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và giải quyết các thủ tục đầu tư, tác động kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài khu, cụm CN năm 2014 cao hơn nhiều so với năm 2013.
Đối với việc mời gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện các dự án chợ, UBND tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án chợ: Bình Đức, Tam Hiệp, Tân Lý Đông (huyện Châu Thành); Thạnh Trị, phường 8, Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho); Phú Kiết, Bến Tranh, Thanh Bình (huyện Chợ Gạo). Trong đó, có 3 dự án chợ đã đi vào hoạt động, các chợ còn lại đang tiếp tục triển khai.
Công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ còn chậm do hầu hết các dự án sử dụng đất công phải thực hiện quy trình công bố công khai dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; việc triển khai các dự án phải tổ chức vận động, giải thích lấy ý kiến của tiểu thương, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Mặt khác, hình thức tư nhân đầu tư chợ còn khá mới nên các DN còn lúng túng trong lập hồ sơ dự án để trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là xây dựng phương án giá cho thuê quầy sạp để đảm bảo dự án có hiệu quả cho nhà đầu tư và được tiểu thương đồng tình.
Sắp tới, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh…
THU HOÀI (lược ghi)