Điều còn đọng lại sau chiến công
Căn cứ Hùng Vương nằm sát trung tâm TP. Mỹ Tho, nơi có các căn cứ thiết giáp, sân bay, trận địa pháo, kho đạn tạo thành một căn cứ quân sự trọng yếu của địch trong khu vực.
Mở đầu đợt 2 Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, với một lực lượng gọn, tinh nhuệ, phối hợp với nội tuyến, ta đã đánh thiệt hại nặng căn cứ Hùng Vương. Thắng lợi đã tác động mạnh đến cục diện chiến trường, gây tiếng vang lớn, thúc đẩy lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận phát triển và có ý nghĩa quan trọng của chiến trường khu Trung Nam bộ… Song, hình ảnh những người ngã xuống trong chiến đấu đã đọng lại trong chúng ta những cảm xúc không nói được thành lời.
CHUẨN BỊ TRẬN ĐÁNH PHỐI HỢP NỘI TUYẾN
Đầu tháng 5-1968, căn cứ Hùng Vương có trung đoàn 11, sư đoàn 7 ngụy. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn và là nơi địch huấn luyện tân binh. Tại tiểu đoàn 2 của địch, ta đã xây dựng được 4 nội tuyến là anh Phát, anh Sơn, anh Hải và anh Trọng. Trước khi có kế hoạch đánh, địch điều anh Phát đi nơi khác, anh Sơn đạp mìn hy sinh, anh Hải bị địch nghi ngờ đã bắt đi mất tích và anh Trọng đã trở về với cách mạng.
Trước tình hình đó, Ban Binh vận Khu 8 tổ chức đưa tiếp 4 nội tuyến vào tiểu đoàn 2, trung đoàn 11 của địch là: Anh Thảo (tên thật là Hồ), y sĩ, quê xã Mỹ Phước Tây; anh Kỳ (tên thật là Bé Mười,) nguyên cán bộ Xã đội Mỹ Phước Tây, quận Cai Lậy; anh Bảy (tên thật là Sáu Nguyên) nguyên Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 516 tỉnh Bến Tre; anh Ba, nguyên Trung đội trưởng giao liên, quê xã Tân Lý Tây, quận Châu Thành.
Lực lượng nội tuyến do Ban Binh vận Khu 8 trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy thông qua cán bộ mật giao là chị Tư Công, quê ở Bến Tre. Chị đã xây dựng được nhiều cơ sở nhân tâm như anh Sáu Mót, gia đình anh chị Năm Tú, gia đình ông Ba, gia đình anh Chương… ở sát căn cứ Hùng Vương, ở cầu Trung An, qua mắt được mạng lưới mật báo chỉ điểm do tên Sáu Mẹo tổ chức, giữ vững liên lạc chỉ huy giữa bên ngoài và nội tuyến bên trong.
TỔ CHỨC TRẬN ĐÁNH
Bộ Tư lệnh Khu 8 chỉ định đồng chí Trần Minh Phú, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2 cùng 3 cán bộ Phòng Binh vận Khu 8 xuống địa bàn TP. Mỹ Tho kết hợp với Thành đội Mỹ Tho tổ chức trận đánh.
Để có đủ lực lượng nội tuyến chiếm 14 vọng gác, nơi địch đặt 14 khẩu đại liên và làm nhiệm vụ mở rào đón bộ đội từ ngoài vào, tận dụng thời cơ lúc địch mới bổ sung tân binh, chưa biết hết mặt nhau, ta trang bị cho 11 đồng chí giống như lính tân binh, lợi dụng lúc chập choạng tối để đưa vào.
Lại gặp khó khăn ngay lúc đầu là do chưa quen đi giày lính, chưa quen mặc đồ lính, bố trí ở đâu, liên lạc như thế nào, rước quân ta ở đâu đều chưa biết nhưng lanh trí, anh em kịp thời khắc phục, củng cố để không mắc phải sai sót dù nhỏ nhất, bảo vệ bí mật trận đánh.
Khi cơ sở nội tuyến đã chuẩn bị sẵn sàng, bộ đội không đến điểm hẹn, phải chờ đến 4 giờ sáng trong khi quy định 2 giờ 30 phút nổ súng. Đồng chí Trung chỉ huy 11 đồng chí làm nội tuyến đề nghị chớp thời cơ đánh luôn. Bên ngoài, Binh vận khu lúc đó quyết định không đánh, vì đánh chắc chắn 11 đồng chí sẽ hy sinh và không đạt được yêu cầu theo chủ trương của Khu ủy.
Bên trong, tập thể 11 anh em phải thảo luận ý kiến của đồng chí Trung, cuối cùng đi đến quyết định: Rút ra chờ. Khi đó phải giả vờ đi uống cà phê mới ra được cổng, thế nhưng khi vừa qua cầu Bình Đức thì địch phát hiện, nghi lính trốn nên rượt theo, may mà thoát hết vào địa hình an toàn.
Địch vẫn không phát hiện được gì sau sự kiện bị “đánh hụt”. Ta phải chuẩn bị lại từ đầu.
Bộ phận cơ sở nội tuyến vẫn 4 anh Thảo, Kỳ, Bảy, Ba và 11 đồng chí bộ đội cải trang có nhiệm vụ diệt ban chỉ huy tiểu đoàn 3 ngụy, mở cửa rào cho bộ đội vào phối hợp chiến đấu.
Bộ phận tiến công gồm 100 đồng chí được chọn lựa từ Tiểu đoàn 263, các đại đội đặc công 312, 314 và Đại đội 1 thành phố Mỹ Tho có nhiệm vụ phối hợp nội tuyến dùng hỏa lực tiêu diệt địch trong các trại lính, không cho chúng triển khai ra bờ thành.
Diễn biến đúng kế hoạch. 0 giờ 50 phút ngày 5-5-1968, bộ phận nội tuyến dùng lựu đạn tiêu diệt ban chỉ huy tiểu đoàn 3 và nhanh chóng cơ động về hướng Bắc phối hợp lực lượng nội tuyến còn lại chiếm ngay 8 khẩu đại liên kết hợp các loại hỏa lực mạnh từ bên ngoài bắn vào các trại lính.
Địch hoàn toàn bị bất ngờ, toàn căn cứ rối loạn, tê liệt, không một tiếng súng chống trả. Sau 25 phút chiến đấu, ta diệt và làm bị thương gần 1.000 tên địch, trong đó có nhiều lính tân binh. Đồng chí Trung chỉ huy 11 bộ đội khi bắn hết đạn, địch áp sát, đã dùng lựu đạn chia cùng địch và đã anh dũng hy sinh.
Đồng chí Bảy nội tuyến đánh vào ban chỉ huy tiểu đoàn 3 diệt tên thiếu tá chỉ huy và lấy được cặp tài liệu. Trên đường rút quân thì gặp một chị dân công bị thương, đồng chí Bảy xoay quàng súng và chiến lợi phẩm về phía trước ngực, để lưng mình cõng đưa chị ra khỏi trận địa, cõng được một quảng không xa thì trực thăng địch đuổi theo bắn, một viên đạn xuyên qua lưng cả hai người. Hai người hai nhiệm vụ khác nhau, chưa biết mặt nhau đã hy sinh cùng một giờ một khắc.
Thêm một trận đánh thắng, ta chỉ có 3 người hy sinh, nhưng cả hai trường hợp hy sinh đều để lại trong chúng ta những hình ảnh không thể phai mờ.
NGUYỄN HỮU CHÍ