Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Từ năm 1944 - 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liến với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành 1 trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh, gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”. Tướng Peter MacDonald |
Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28-5-2948 theo Sắc lệnh 110/SL ký ngày 20-1-1948, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.
Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”.
Cùng đợt thụ phong còn có Nguyễn Bình được phong Trung tướng; Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng.
Ảnh chụp sau lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyễn Giáp tại Lục Rã, chân đèo Re ngày 28-5-1948. |
Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh nhân dân kế thừa quan điểm quân sự của Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác - Lênin và được đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Với vai trò Tổng chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên tại Hà Nội. |
Lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh những năm 1945-1954 đã ghi những trang vàng về tổ chức lực lượng vũ trang theo hình thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, tiến tới thành lập đại đoàn chủ lực; lại có những lý giải về nghệ thuật quân sự về đánh Đông Khê mà không đánh Cao Bằng trong chiến dịch Biên Giới, mở chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, đưa chủ lực luồn đánh sau lưng địch; đặc biệt là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ… Quá trình đó đã in rõ dấu ấn của Đại tướng ra trận, làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch của hầu hết các chiến dịch lớn thời kháng Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tặng các đơn vị lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm 1954-1975, từ việc chuyển thế chiến lược cho cách mạng miền Nam, đến việc cùng tập thể Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy hiện đại, xây dựng các Quân binh chủng, xây dựng hệ thống “đường mòn Hồ Chí Minh”, chỉ đạo xây dựng những kế hoạch chiến lược và phuong án tác chiến, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các kế hoạch đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ trên cả 2 miền Nam - Bắc… đều có vai trò cương vị người Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cho đến khi kháng chiến phát triển cần phải “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, càng thấy rõ lịch sử Việt Nam đã ở một đỉnh cao và không thể thiếu một trong những kiến trúc sư thiết kế - tổ chức thành công là Tướng Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh và sĩ quan tại Tổng Hành dinh sau khi được tin giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. |
Ra khỏi 2 cuộc kháng chiến có một không hai, đất nước và dân tộc đã chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trên thế giới trong thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nguyên vẹn một tấm lòng tận trung, tận hiếu với nước, với dân.
Nếu tính từ buổi chiều ngày 28-5 ấy cho đến lúc ông ra đi, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đảm nhận nhiệm vụ, cương vị suốt gần 70 năm. Và sự ra đi của Đại tướng là sự hoàn tất nhiệm vụ của người đã dành trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, trở thành một phần quan trọng của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã lượng giá: “Thân thế, sự nghiệp, công hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được ghi vào lịch sử và tạc vào lòng dân như một biểu tượng của sự bất tử. Tài năng, công lao của Đại tướng đối với những cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc đã trở thành huyền thoại cho không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả nhân loại thế giới”.
Một số câu nói nổi tiếng của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: |
- “Tôi chiến đấu cho nền độc lập của đất nước mình…” - Đại tướng nói với tướng Leclerc năm 1946. - “Hạnh phúc lớn nhất đối với người cầm quân là được ở ngay bên bộ đội, ngay tại mặt trận” - Đại tướng nói khi nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. - “Tôi đã thuộc lòng từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc… Nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành thắng lợi mà còn phải giữ được vốn quý cho cuộc chiến đấu lâu dài” - Đại tướng nói với các chiến sĩ trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. |
HỒNG LÊ