Thứ Ba, 23/12/2014, 07:35 (GMT+7)
.

Một gia đình nòng cốt cách mạng tiêu biểu ở Bình Đức

Trước giải phóng, gia đình ông Hương trưởng Lầu ở xã Bình Đức, quận Châu Thành. Gia đình ông có 8 người con thì cả 8 người đều tham gia cách mạng, trong đó có 6 người là đảng viên, 4 liệt sĩ, vợ ông là bà Phan Thị Sáu và con gái là bà Nguyễn Thị Tươi đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).

Tìm hiểu về gia đình ông, những người già ở xã Bình Đức và lãnh đạo cơ sở, địa phương đều thừa nhận đóng góp của gia đình ông Hương trưởng Lầu cho cách mạng là rất lớn, không chỉ công sức, tiền của, mà còn có cả trí tuệ và xương máu. Trong số những người con của ông Hương trưởng Lầu có 3 người, lớp cháu có 3 người từng giữ những chức vụ chủ chốt của xã Bình Đức.

Cụ thể, Liệt sĩ Nguyễn Văn Châu (Bí thư xã từ tháng 2-1965 đến tháng 4-1968) vừa anh dũng ngã xuống thì cháu là Nguyễn Văn Đực (Hai Đực) lên thay (Bí thư xã từ tháng 4-1968 đến tháng 10-1968) lại tiếp tục hy sinh khi mới bước vào tuổi 22.

Nói đến Bí thư kiêm Xã đội trưởng Hai Đực, hầu như cả khu vực Vành đai Bình Đức không ai là không biết. Đại hội Dũng sĩ diệt Mỹ tỉnh Mỹ Tho lần thứ Nhất diễn ra vào tháng 6-1967 có 34 Dũng sĩ, trong đó chỉ có 1 Dũng sĩ cấp ưu tú đã thuộc về đồng chí Nguyễn Văn Đực của xã Bình Đức, với thành tích đánh dư trăm trận, diệt 63 tên, trong đó có 26 tên Mỹ.

Sau chiến tranh, có nhiều người thốt lên rằng “Tề làng cũng làm cộng sản” thì Mỹ thua, Mỹ cút là điều tất nhiên. Ông Hương trưởng Lầu tên thật là Nguyễn Văn Lầu, sinh năm 1912, tại ấp Tân Thuận, làng Thuận Đức, tổng Thuận Bình, quận Long Định, tỉnh Định Tường. Trước năm 1945, nhờ có ít chữ nghĩa và chút ruộng đất, ông được làng cử làm chức Hương trưởng, coi sóc việc đình đám, cúng bái trong làng, sắp xếp mâm bàn chiếu trên, chiếu dưới.

Mặc dầu mang tiếng tề làng, nhưng tinh thần tự tôn dân tộc trong ông rất cao, ông tỏ thái độ chống đối thực dân Pháp xâm lược. Gia đình ông trở thành một cơ sở cách mạng, nhiều cán bộ Huyện ủy, Xã ủy thời chống Pháp như: Hồng Quang (Sáu Bưởi), Huyện ủy viên; Đồng Văn Đề (Bộ Đề), Bí thư chi bộ; Sáu Súng, Cẩm Hồng là Chi ủy viên… và lớp con cháu của ông sau này tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đều được gia đình ông đào hầm bí mật nuôi giấu.

Lý giải vì sao một ông hội tề lại ủng hộ, nuôi giấu cán bộ cách mạng, bà Nguyễn Thị Nghĩa (Bí thư xã năm 1977 - 1978), con gái ông từng cho biết: “Từ năm 1936, làng Bình Đức đã có chi bộ Đảng, Bí thư là anh rể của ba tôi (ông Đồng Văn Đề). Nuôi giấu ông Đề và những đồng chí của anh rể mình, ba tôi dần dần được giác ngộ. Ba tôi không trực tiếp tham gia cách mạng nhưng bám trụ rất kiên cường trên mảnh đất mà hầu như ngày nào cũng có bom rơi, đạn nổ để lo từng chén cơm, viên thuốc cho cán bộ, du kích.

Chúng tôi lớn lên, ba tôi tìm mọi cách tránh không cho đi quân dịch và động viên chúng tôi thoát ly đi theo cách mạng. Sống trong sự kềm kẹp, khủng bố gắt gao của địch, ba tôi đã cắn răng chịu đựng để cho chúng tôi “Đừng cầm súng bắn giết bà con và đừng phản bội nước mình” như lời ba tôi từng căn dặn. Nhà có 5 người con trai, hy sinh hết 4 người, sức chịu đựng của ba má tôi thật phi thường. Không phải ai làm tề làng cũng đều làm tay sai cho địch, điều đó trước đây mấy ai biết”.

Ông Hương trưởng Nguyễn Văn Lầu và Bà mẹ VNAH Phan Thị Sáu không còn, nhưng những cống hiến của gia đình ông đối với sự nghiệp cách mạng thì nhân dân không bao giờ quên.

Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, Nguyễn Tuấn Kiệt (cháu nội ông, con của Liệt sĩ Nguyễn Văn Châu) từng làm Chủ tịch UBND xã Bình Đức, hiện là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, tự hào nói với chúng tôi: “Truyền thống cách mạng của gia đình cũng chính là truyền thống của dân tộc. Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện noi theo, phát huy và phấn đấu không ngừng để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu, đẹp”.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.