Thứ Hai, 15/12/2014, 17:04 (GMT+7)
.
ÔNG PHẠM MINH TRIẾT, PHÓ BAN NỘI CHÍNH TỈNH ỦY:

Không có cái gọi là "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thời gian gần đây, nhiều vụ sai phạm kinh tế nghiêm trọng trên địa bàn Tiền Giang đã được thông tin, nguyên nhân là do những người đứng đầu đơn vị buông lỏng công tác quản lý.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Triết, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy.

PV: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

* Ông Phạm Minh Triết: Phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được của những năm trước, từ đầu năm 2014 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự điều hành của UBND tỉnh; sự giám sát của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền; sự ủng hộ của nhân dân, công tác PCTN đã được triển khai khá đồng bộ và đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực.

Thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác PCTN từng bước được hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường, kịp thời và hiệu quả.

Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Việc phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, cơ quan truyền thông và nhân dân trong công tác PCTN được quan tâm và chú trọng hơn...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thừa nhận công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo tham nhũng còn ít, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy; tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa cao.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, tham nhũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực, tình trạng tham nhũng vặt chưa giảm, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc và trong xử lý hành vi tham nhũng một số vụ việc có hiện tượng nương nhẹ, thậm chí vẫn còn tình trạng xử lý kỷ luật nội bộ, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can...

Từ thực tế cuộc sống và các mối quan hệ, tôi cho rằng tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. 

* PV: Trong bối cảnh đó, tỉnh đã có những giải pháp gì để từng bước làm lành mạnh hóa các mối quan hệ trong đời sống xã hội?

* Ông Phạm Minh Triết: Nhận thức được trách nhiệm của mình, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân” trên địa bàn tỉnh.

Qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Với quan điểm tích cực, chủ động phòng ngừa là chính và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời phối hợp với các ngành chức năng phối kiểm các vụ việc, vụ án còn tồn đọng kéo dài, tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương xử lý dứt điểm với phương châm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thấu lý, đạt tình, công bằng, nghiêm minh.

Tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để tồn đọng, không đùn đẩy trách nhiệm, phát sinh “điểm nóng” và không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây mất an ninh trật tự, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, từng bước làm lành mạnh hóa các mối quan hệ trong đời sống xã hội.

* PV: Thời gian gần đây, nhiều vụ sai phạm kinh tế nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

* Ông Phạm Minh Triết: Như phần trên tôi đã đề cập, những hạn chế trong công tác PCTN, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường những vụ việc sai phạm kinh tế nghiêm trọng xảy ra hoặc có đơn, thư tố cáo có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đã được Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động báo cáo cấp ủy, đề xuất những giải pháp trong việc phối hợp xem xét và định hướng xử lý để cấp ủy cho ý kiến.

Khi xem xét toàn diện vụ việc, đã phát hiện những sai phạm phổ biến là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái hoặc tham ô, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu và một số người có liên đới về trách nhiệm. Thật lòng mà nói, đây là một yếu kém tồn tại kéo dài, chậm được khắc phục, với nhiều lý do trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, công tác cán bộ của nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương.

* PV: Trên địa bàn Tiền Giang có “vùng cấm” trong đấu tranh PCTN không, thưa ông?

* Ông Phạm Minh Triết: Tới thời điểm này, tôi khẳng định Tiền Giang không có cái gọi là “vùng cấm” trong đấu tranh PCTN. Là cơ quan được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao trách nhiệm thực hiện chức năng tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp xem xét, đề xuất xử lý các hành vi tham nhũng, chúng tôi luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và nói không với “vùng cấm”, làm theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan tố tụng đã làm rõ và đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng mà dư luận bức xúc như: Vụ Lê Thị Cúc (MTTQ huyện Gò Công Tây) 17 năm tù; Lê Công Trình (huyện Châu Thành); Nguyễn Văn Thảo (Sở LĐ-TB&XH); vụ Nguyễn Văn Đặng 23 năm tù giam và đồng bọn ở Công ty Công trình Quản lý đô thị Mỹ Tho;

Trần Thị Diệu Hồng 13 năm tù (Ngân hàng Công thương chi nhánh Tiền Giang); Nguyễn Thị Khai cùng đồng bọn (Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước). Về vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, tòa đã tuyên phạt Tô Văn Dũng (Kế toán đã thực hiện hành vi tham ô 1,3 tỷ đồng) 12 năm tù, Nguyễn Văn Lĩnh 2 năm tù, Nguyễn Thị Thật - nguyên Giám đốc bệnh viện chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng (đang trị bệnh).

Hay vụ Nguyễn Thị Minh Tâm, cán bộ tín dụng Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế Hội LHPN tỉnh có hành vi chiếm đoạt 484 triệu đồng, bị  tuyên phạt 13 năm tù. Vụ Trần Văn Đằng, nguyên chấp hành viên Cục Thi hành án TX. Gò Công đã chiếm dụng hơn 400 triệu đồng và 13 chỉ vàng, bị tuyên phạt 10 năm tù giam...

Hiện tại, Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng các cơ quan chức năng đang làm rõ và sẽ đưa ra xét xử những vụ tiêu cực mà gần đây Thanh tra tỉnh đã kết luận và báo chí đã đưa tin. Riêng 2 vụ mà dư luận đang quan tâm là vụ Công ty CP nước BOO Đồng Tâm và KCN Tân Hương thì Tiền Giang đã làm hết chức năng của mình, Thanh tra Chính phủ đã thụ lý, nên hiện tại việc xử lý thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

*PV: Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu quả, theo ông, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp nào?

* Ông Phạm Minh Triết: Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, chúng ta cần thống nhất khẳng định là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp linh hoạt, hiệu quả.

Cần chú trọng cả phòng và chống với tinh thần kiên quyết, kiên trì, đúng pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác PCTN để củng cố niềm tin của nhân dân.

Một là, phải tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về PCTN; bổ sung, sửa đổi, sớm hoàn thiện các cơ chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội.

Hai là, tiếp tục và thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.

Ba là, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trực tiếp đấu tranh PCTN; tăng cường giám sát, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trên địa bàn.

Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và đưa nội dung công tác PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của các địa phương, đơn vị... nhằm kịp thời ngăn chặn, từng bước đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu tệ tham nhũng, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển.

* PV: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)
 

.
.
.