Sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.
Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đùm bọc và nuôi dưỡng của nhân dân, sự đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển và trưởng thành.
Một đơn vị giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên (ngày 16-8-1945). |
SỰ RA ĐỜI CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Trong Chính cương vắn tắt (tháng 2-1930) và Luận cương Chính trị (tháng 10-1930), Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là: Đội Tự vệ đỏ trong phong trào cách mạng năm 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Những năm 1940 - 1945, hàng loạt tổ chức vũ trang được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), Đội du kích Nam kỳ, Đội du kích Ba Tơ (Trung kỳ), Đội Du kích Pắc Bó (Cao Bằng), Cứu Quốc quân. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo.
TIẾN HÀNH KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong 1 tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt, Nà Ngần (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng của quân đội ta.
Tháng 3-1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...) thành Việt Nam Giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng.
Từ tháng 4-1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Tháng 5-1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và năm 1950 đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 22-12-1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
HỒNG LÊ
Lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp Ngày 28-5-1948 là một ngày lịch sử - ngày Chính phủ tổ chức Lễ thụ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam, theo Sắc lệnh 110/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20-1-1948. Buổi lễ được tiến hành trong một căn nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. 2 bên là 2 băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” - “Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Bác và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng 2 bên bàn thờ. Toàn thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ. Đúng 13 giờ, buổi lễ bắt đầu. Không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm khăn mùi soa lau nước mắt, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Một số đồng chí cũng rơm rớm nước mắt. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo ầm ầm như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về. Những giây phút im lặng thiêng liêng. Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: “Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc độc lập. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh, cố gắng. Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất”. Tiếp đó, Bác giao Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến một bước nhận tờ Sắc lệnh trong tay Bác. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội nói mấy lời căn dặn. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy lời chúc mừng. Ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt toàn thể bộ đội nói lên niềm phấn khởi, tự hào khi quân đội ta có vị Đại tướng đầu tiên làm tổng chỉ huy. Cuối cùng, đồng chí Võ Nguyên Giáp phát biểu ý kiến cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, hứa sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa dứt lời, Bác bước đến xiết tay và ôm hôn vị Đại tướng trẻ tuổi giữa tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người. |