"Tiểu đội gang thép"
Sau chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, Tiểu đội 4 (thuộc Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 của Quân khu 8) được đồng đội và nhân dân tặng danh hiệu “Tiểu đội gang thép”.
Tiểu đội đã chiến đấu kiên cường, ngăn chặn sự tiến công của đoàn xe M.113 địch, giữ vững trận địa và cả tiểu đội hy sinh anh dũng. Phần mộ của các anh hiện tọa lạc tại nơi diễn ra trận Ấp Bắc năm xưa (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, nay là xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Trận đánh bắt đầu từ 5 giờ 30 phút ngày 2-1-1963, khi quân địch từ Thẻ 24 tiến vào, đi theo lộ đất và các bờ ruộng. Khi cách Trung đội 3, Tiểu đoàn 261 khoảng 30 mét, trông thấy địa phương quân huyện Châu Thành và du kích lấp ló ở mé vườn phía phải, quân địch nhả đạn xối xả và tiến vào.
1 tốp khác gồm hơn 1 trung đội tiến thẳng vào đội hình Trung đội 3, Tiểu đoàn 261. Bị Trung đội 3 nổ súng, địa phương quân Châu Thành đánh vào sườn, cánh quân này tháo chạy tán loạn, lớp chết, lớp bị thương và lùi lại xóm Hàng Xáo, bám vào mương vườn chống trả và kêu pháo bắn vào đội hình quân giải phóng.
Mặt trận ở ấp Bắc bắt đầu rung chuyển do bom đạn, tiếng máy bay và tiếng tàu chiến gầm rú liên hồi.
Đến 9 giờ, quân địch cho 4 đại đội bộ binh đánh vào ấp Tân Thới, không phát hiện quân ta đang phục kích nên chủ quan đưa quân qua con rạch, rồi chia làm 3 mũi đi dọc trên 3 bờ ruộng tiến vào trận địa của Tiểu đoàn 514.
Khi cánh quân này tiến đến gần công sự, bộ đội đồng loạt nổ súng làm rối loạn đội hình, chết và bị thương hơn 1 trung đội, buộc chúng co cụm lại ngoài đồng trống. Đồng chí Mười Diệp, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 cho 2 tiểu đội vận động theo các bờ trâm bầu bất ngờ đánh tạt ngang sườn, chúng rối loạn rút chạy qua Miễu Hội cố thủ và gọi pháo bắn xối xả vào trận địa.
Qua nhiều lần tấn công vào 2 ấp Tân Bình và Tân Thới bằng bộ binh đều không thành công, quân địch quyết định dùng xe lội nước M.113 mở mũi đột phá. 12 giờ trinh sát ta phát hiện có xe lội nước M.113 từ phía kinh Cộng Hòa băng vào hướng trận địa của Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Ban Chỉ huy Đại đội 1 ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ củng cố lại công sự chuẩn bị đánh xe lội nước.
2 xe M.113 tiến thẳng vào hướng bộ đội bố trí súng đại liên. Còn cách tiền duyên quân ta khoảng 500 mét, quân địch dừng xe lại và bắn xối xả vào đội hình của quân giải phóng, rồi chạy tiếp khoảng 300 mét lại dừng lại bắn, cứ thế cho đến khi xe còn cách tiền duyên độ 150 mét, đại liên quân ta nổ súng làm một số quân ngụy trên xe bị chết, có cả xạ thủ, các xe M.113 chạy dạt sang phải để tránh hỏa lực trực diện đại liên của quân giải phóng.
Lần tấn công thứ 2 quân địch cũng dùng 2 xe M113 nhưng chuyển hướng tấn công từ phía cầu Ông Bồi, đánh vào trận địa của Trung đội 2, Tiểu đoàn 261. Hỏa lực chính của trung đội này là trung liên. Tuy hỏa lực quân ta không mạnh bằng đợt chống trả trước, nhưng do bộ đội diệt được quân lính trên xe nên các xe M.113 lùi lại, gọi phi pháo dọn đường tiếp.
Quân địch tổ chức tấn công lần thứ 3 bằng 5 xe M113, chia làm 3 mũi, có bộ binh đi theo xe, thổi kèn và gào thét xung phong nhằm áp đảo tinh thần chiến sĩ quân giải phóng.
Bộ đội chờ xe M.113 đến gần 30 mét mới nổ súng, dùng đạn trom-blông bắn thẳng và ném thủ pháo vào xe làm 2 xe bị hư nằm trước tiền duyên. Số còn lại chạy dạt ra xa. Bộ đội có 3 đồng chí hy sinh, 1 bị thương và khẩu trung liên bị hỏng.
Sau 3 lần tấn công đều không tiêu diệt được lực lượng quân giải phóng ở đây, bộ binh địch không vào được trong vườn, trong khi biết rõ quân ta không có súng chống tăng, các sĩ quan chỉ huy quân địch lại hò hét mở đợt tấn công lần thứ 4, đánh thẳng vào tiểu đội do anh Nguyễn Văn Đừng làm Tiểu đội trưởng.
Cứ sau mỗi đợt tấn công bị quân giải phóng đẩy lùi thì pháo bắn, máy bay ném bom vào địa hình của quân ta dữ dội hơn. Anh Nguyễn Văn Đừng, rồi đến anh Đỗ Văn Trạch (tức Công), anh Lê Văn Toản (tức Hùng) đã lần lượt hy sinh!
Chiều tối, quân ta củng cố lại đội hình để giữ trận địa. Khi quân địch tấn công, bộ đội dùng đại liên chống trả, cố gắng bảo toàn lực lượng để đến tối rút lui. Quân địch chiếm được cầu Ông Bồi và Mả Tháp, nhưng chưa vào được khu vườn.
Sau đợt tấn công này của xe M.113, toàn mặt trận ở 2 ấp Tân Thới và Tân Bình đều êm tiếng súng.
Trận càn của quân địch vào ấp Bắc với chiến thuật tân kỳ đã bị quân ta bẻ gãy hoàn toàn. “Tiểu đội gang thép” đã góp phần to lớn tạo nên Chiến thắng Ấp Bắc vang lừng trong những năm đầu kháng chiến chống, Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Đã 52 năm trôi qua, về những người trong “Tiểu đội gang thép”, chúng ta chỉ mới biết được có anh Nguyễn Văn Đừng, Tiểu đội trưởng; còn anh Công, anh Hùng ở đâu? Gần đây, tác giả Phạm Văn Khanh qua tác phẩm Chiến Thắng Ấp Bắc những giá trị lịch sử - văn hóa, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2014 cho chúng ta biết được câu hỏi ấy.
1. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng sinh năm 1938, quê quán ấp 1, làng Phong Mỹ, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đồng chí tham gia bộ đội ngày
5-9-1959, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí tham gia đánh giặc trên 30 trận, luôn gan góc, mưu trí, linh hoạt, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất và là Chiến sĩ thi đua của Quân khu. Ngày 5-5-1965, đồng chí được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng các LLVT nhân dân giải phóng. Tên anh được đặt cho 1 trường trung học cơ sở ở xã Phong Mỹ.
2. Đồng chí Đỗ Văn Trạch tên thường gọi là Công, sinh năm 1944, nguyên quán xã Thừa Đức, huyện Bình Đại; trú quán xã Bình Yên, nay là Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đồng chí tham gia cách mạng tháng 8-1959, nhập ngũ tháng 2-1962, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, 1 hạng Ba; 5 danh hiệu Dũng sĩ diệt ngụy; 2 Bằng khen và 3 Giấy khen về thành tích chiến đấu chống kẻ thù.
3. Đồng chí Lê Văn Toản tên thường gọi Hùng, sinh năm 1943, nguyên quán xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An; trú quán xã Hưng Điền, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Năm 1960, đồng chí tham gia du kích ở địa phương, sau đó được điều chuyển về Tiểu đoàn 261.
Đồng chí đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Quyết định 543QĐ/CTN, ký ngày 27-4-2012).
LÊ VĂN TÝ