Thứ Sáu, 12/12/2014, 05:58 (GMT+7)
.

Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh: Cuộc đời tôi gắn liền với cuộc đời người lính

Ngày Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - QĐND) được thành lập ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, thì ở quê hương tôi - quận Bình Đại, tỉnh Bến Tre, tôi đã tham gia cách mạng trong lực lượng Thanh niên Tiền phong, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh nhà. Từ đó trở đi, tôi đã trở thành một chiến sĩ cách mạng, từng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn xâm lược Mỹ cho đến ngày toàn thắng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh nhân dịp ông được trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Ảnh: Hạnh Nga
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh nhân dịp ông được trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Ảnh: Hạnh Nga

Vì vậy, có thể nói rằng, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam năm nay cũng là kỷ niệm 70 năm cuộc đời làm người chiến sĩ cách mạng của tôi, bởi cuộc đời và những kỷ niệm vui - buồn của tôi đều gắn liền với cuộc đời người lính.

Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc này, tôi được chỉ định làm Chính trị viên Đội Võ trang huyện Bình Đại. 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi và các đồng chí, đồng đội của mình đã chịu đựng biết bao gian khổ, kiên cường chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lúc bấy giờ tôi là Phó Bí thư Huyện ủy Bình Đại, được phân công ở lại miền Nam bám trụ, tiếp tục lãnh đạo nhân dân huyện nhà đấu tranh đòi hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Trải qua 6 năm đấu tranh chính trị, chống “tố cộng, diệt cộng”, nhưng do kẻ thù ngang nhiên phá hoại hiệp định nên nhân dân miền Nam phải vùng lên diệt ác, phá kềm, quyết tâm chiến đấu để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đầu năm 1960, trên cương vị Bí thư Huyện ủy Bình Đại, tôi đã cùng với nhân dân tỉnh Bến Tre làm nên cuộc Đồng khởi, mở đầu cho một thời kỳ cách mạng mới “dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực cường quyền”.

Sau Đồng khởi, tôi được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre, rồi đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam đầu tiên của Trung ương Cục. Ra trường, trên đường về tỉnh nhận nhiệm vụ, tôi đã cùng các đồng chí cán bộ huyện Ba Tri chỉ huy một trận đánh tuyệt đẹp, tiêu diệt căn cứ Tổng Huấn và giải phóng khu trù mật Thới Thuận.

Sau chiến thắng, tôi được phân công làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách công tác binh vận và dân vận. Chỉ ít tháng sau, do tình hình lực lượng vũ trang (LLVT) phát triển mạnh, tôi được điều sang làm Chính trị viên kiêm Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Bến Tre.

Từ đây trở đi, tôi đã cùng với các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Tỉnh đội xây dựng và phát triển LLVT tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, để rồi sau đó cùng với nhân dân miền Nam nổi dậy Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch tại tỉnh Bến Tre.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc chúc mừng
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc chúc mừng Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh nhân dịp ông được trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Ảnh: Hạnh Nga

Sau Mậu Thân, tôi được điều về công tác tại Cục Chính trị Quân khu 8 với cấp quân hàm Trung đoàn bậc phó (thiếu tá). Giữa năm 1970, đang làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 8, tôi được lệnh trở về tỉnh Bến Tre thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tổ chức chỉ huy đón nhận hàng chi viện từ miền Bắc chuyển vào bằng đường biển. Sau chuyến công tác đặc biệt, tôi trở về quân khu nhận nhiệm vụ Phó Chính ủy Quân khu 8.

Tình hình chiến trường Quân khu 8 ngày càng phát triển. Sau Hiệp định Paris, địch bung ra càn quét, giành dân lấn đất. Ta buộc phải trừng trị. Cuối năm 1974, trên các chiến trường, ta liên tiếp thắng lớn, Trung ương Cục quyết định cho quân khu thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên.

Ngày 22-10-1974, tại xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, Sư đoàn 8 được thành lập và tôi được điều về làm Chính ủy sư đoàn, còn anh Tư Thân làm Sư đoàn trưởng. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đội hình Sư đoàn 8, trên cương vị Chính ủy sư đoàn, tôi đã cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm, ngã ba Trung Lương, tiến vào giải phóng TP. Mỹ Tho, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những kỷ niệm không thể nào quên, đó là ngày 23-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi có mặt trong phòng làm việc của tên Quận trưởng quận Bình Đại; ngày 1-5-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi có mặt trong dinh Tỉnh trưởng Mỹ Tho, với tư cách của một người lính chiến thắng.

Sau ngày giải phóng, tôi về làm Phó Chính ủy Quân khu 8. Khi Quân khu 8 và Quân khu 9 sáp nhập với nhau, tôi được phân công làm Chính trị viên Tỉnh đội Tiền Giang. Đầu năm 1978, tôi được đưa đi đào tạo tại Học viện Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng tại Hà Nội.

Ra trường, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Quân khu 9. Chiến tranh biên giới Tây - Nam bùng nổ, tôi được điều sang giúp bạn Campuchia, làm Chính ủy Mặt trận 979. Lại những ngày “nếm mật, nằm gai”. Đất nước hòa bình, nhưng vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, bên tai những người lính chúng tôi tiếng súng vẫn không ngớt vang lên.

Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh vui thú tuổi già với cây kiểng.
Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh vui thú tuổi già với cây kiểng.

Suốt cả cuộc đời trai trẻ hiến dâng cho Tổ quốc, gần 50 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu và công tác, ngày 30-12-1991 tôi chính thức được Bộ Quốc phòng ra quyết định nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng. Trở về với cuộc sống đời thường, tôi được đồng đội tiếp tục tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang.

Trải qua gần 10 năm gắn bó với Hội, tôi và đồng đội của mình tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và góp phần xây dựng tỉnh Tiền Giang ngày càng giàu đẹp. Nay tôi đã ngoài 90 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng nhưng những kỷ niệm vui, buồn của người lính vẫn in đậm trong trái tim tôi.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG
(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh)

.
.
.