Thứ Tư, 28/01/2015, 09:42 (GMT+7)
.
Đảng bộ tỉnh Tiền Giang - những chặng đường vẻ vang

Bài 4: Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công giai đoạn 1954-1975

Trong trận Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, ta đã giành được thắng lợi to lớn và chính thắng lợi đó đã mở đầu giai đoạn đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Trận Ba Rài (ngày 15-9-1967) cũng là một trong những trận điển hình của sự kết hợp 3 thứ quân, 3 mặt tấn công, 3 mũi giáp công khắp trên cả 3 vùng, tạo nên sức mạnh tổng hợp và căng địch ra mà đánh, làm cho địch không thể phát huy được sức mạnh quân sự của chúng.

MỞ ĐẦU CHO PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI

Đảng bộ, nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thành công trong việc chuyển quân tập kết, sắp xếp lại tổ chức, mở đợt sinh hoạt chính trị trong nội bộ và nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận mừng hòa bình, đòi địch thi hành Hiệp định Genève; chống bắt giam những người kháng chiến cũ, đấu tranh đòi bình thường quan hệ Bắc - Nam, đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi dân sinh, dân chủ… Mặc dù ngay từ đầu địch đàn áp ác liệt, nhưng dưới sự lãnh đạo của những cán bộ, đảng viên đang bám trụ, nhân dân vẫn cương quyết đấu tranh.

Nhân dân TP. Mỹ Tho nô nức mừng chiến thắng 30-4-1975.
Nhân dân TP. Mỹ Tho nô nức mừng chiến thắng 30-4-1975.

Ngày 6-5-1959, Diệm ban hành luật phát xít 10/59, đưa máy chém đi khắp nơi giết người không cần xét xử để khủng bố những người yêu nước. Đêm 20-7-1960, hơn 15.000 quần chúng mít tinh tại ngã Sáu, xã Mỹ Trung, quận Cái Bè, sau đó tuần hành trên tuyến kinh 28 hướng về lộ 4. Cuộc mít tinh được xem là mở đầu cho phong trào Đồng khởi của tỉnh Mỹ Tho.

Từ tháng 7-1960 đến tháng 3-1961, phong trào Đồng khởi phát triển mạnh, trong toàn tỉnh Mỹ Tho đã có 88/123 xã không còn tề, 32 xã hoàn toàn giải phóng, khu trù mật Hậu Mỹ được giải phóng lần thứ nhất. Thế tiến công 3 mặt quân sự, chính trị, binh vận hình thành và phát triển.

Thắng lợi trong giai đoạn 1954 - 1961, mà đỉnh cao là cao trào Đồng khởi năm 1960 đã đưa phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho từ thế đấu tranh chính trị đơn thuần chuyển sang thế tiến công cách mạng. Thắng lợi đó góp phần cùng phong trào cách mạng toàn Miền tạo ra bước ngoặt mới có ý nghĩa làm thay đổi cục diện ở miền Nam.

Trong giai đoạn từ năm 1961 - 1965, với sự chỉ đạo sát sao và sự chi viện kịp thời của Khu ủy, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho từng bước đánh bại 2 quốc sách “tìm diệt” và “lập ấp chiến lược” của địch, trong đó tiêu biểu nhất là trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963.

Trong trận này, địch sử dụng đến 2.000 quân, có cố vấn Mỹ, tướng ngụy trực tiếp chỉ huy, với xe M.113, tàu chiến, máy bay yểm trợ nhằm tiêu diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn 514 và Tiểu đoàn 261 cùng lực lượng du kích, một số bộ phận của các cơ quan tỉnh, huyện đang đóng ở đây.

Quân và dân tỉnh Mỹ Tho phối hợp giữa tấn công 3 mặt, giáp công 3 mũi, cùng với lực lượng vũ trang tại chỗ đánh tan cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn của địch.

Chiến thắng Ấp Bắc càng củng cố thêm nhận định của Tỉnh ủy Mỹ Tho: Lực lượng vũ trang 3 thứ quân kết hợp với phong trào tấn công chính trị, binh vận của quần chúng có thể đánh bại mọi chiến thuật được gọi là “tân kỳ” của Mỹ - ngụy.

Chiến thắng Ấp Bắc đã dấy lên phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam. Chiến thắng Ấp Bắc đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, mở đầu cho việc đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của chúng sau này…

MỞ CUỘC TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN NĂM 1968

Trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1968, nhằm chuẩn bị thực lực để đánh Mỹ, diệt ngụy, Tỉnh ủy tổ chức đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong Đảng bộ và quần chúng nhằm học tập nội dung Bức thư của Bác Hồ, Lời kêu gọi quyết tâm đánh Mỹ của Đảng ta, phát động quần chúng tập trung chĩa mũi nhọn căm thù vào đế quốc Mỹ.

Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân bắt đầu. Qua các đợt tiến công và nổi dậy, chỉ tính riêng lực lượng cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.300 tên địch, tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn và 2 chi đoàn thiết vận xa, bắn cháy 80 xe quân sự, diệt 25 đồn bót, bức rút 20 đồn, thu 300 súng các loại, bắt sống trên 120 tên cảnh sát, mật vụ và kêu gọi hàng trăm binh sĩ rã ngũ về với nhân dân.

Khi địch phản kích ác liệt, lực lượng chủ lực rút ra khỏi thành phố, lực lượng địa phương cùng bộ đội chủ lực hỗ trợ quần chúng nổi dậy bao vây, bức rút, bức hàng hàng trăm đồn bót ở nông thôn, giải phóng được nhiều xã.

Trong đợt tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, lực lượng cách mạng tập trung lực lượng đánh vào cơ quan đầu não của địch, nên chúng có phần bị động và hoang mang. Sau đó chúng tập trung lực lượng phản kích, đẩy dần lực lượng ta ra khỏi thành phố. Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Mỹ Tho, Gò Công góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

Vào lúc 0 giờ ngày 10-11-1974, Chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975 bắt đầu. Sau gần 4 tháng tiến công và nổi dậy (từ tháng 11-1974 đến tháng 2-1975), quân và dân Mỹ Tho, Gò Công đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 9.000 tên địch, bức rút 225 lượt đồn tua, 10 công sở tề xã, cô lập hầu hết đồn bót ở nông thôn, vận động rã ngũ 20.000 dân vệ, giải phóng được 88 xã, 309 ấp với gần 80.000 dân và vận động được hơn 5.000 gia đình quay về quê cũ...

Thắng lợi của quân và dân Mỹ Tho, Gò Công làm cho tinh thần binh sĩ địch hoang mang, dao động hơn. Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tiếp tục phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung đánh mạnh hơn nữa, làm cho địch rã về tổ chức, thâm hụt về quân số, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta.

Mở màn cho cao điểm tháng 3, từ ngày 11-3 đến 14-3-1975, Sư đoàn 8 của Khu đã phối hợp với lực lượng địa phương tiến công tiêu diệt căn cứ cấp tiểu đoàn ở ngã Sáu, xã Mỹ Trung, quận Cái Bè.

Chỉ trong tháng 3-1975, ta đã phát động được 112.300 lượt quần chúng tham gia đấu tranh, trong đó có 3.375 gia đình binh sĩ tham gia đấu tranh binh vận, 11.240 lượt quần chúng tham gia nổi dậy bao bức đồn bót, 6.648 lượt quần chúng tham gia dân công tải đạn ở các tuyến.

Ta đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 2.037 tên, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, diệt, bức rút 28 đồn bót, 32 công sở tề xã, ấp, giải phóng nhiều xã, với hàng chục ngàn dân.

Thắng lợi của quân và dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công làm cho địch lâm vào thế co cụm, bị động, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lớn của Khu 8 vào giữa tháng 4-1975 hành quân an toàn qua lộ 4 (đoạn cầu Bến Chùa - Trung Lương) xuống huyện Chợ Gạo, tập kết ở hướng Tây - Nam Sài Gòn đúng thời gian, địa điểm quy định để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Với tinh thần “ngàn năm mới có một ngày”, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công tiến công và nổi dậy, đồng loạt giải phóng hoàn toàn quê hương trong ngày 30-4-1975, chấm dứt 114 năm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đem lại quyền làm chủ đối với vận mệnh của mình - làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, mở đầu cho giai đoạn sáng tạo trong lao động xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

HỒNG LÊ (tổng hợp)
(Còn tiếp)

.
.
.