Thứ Hai, 26/01/2015, 09:47 (GMT+7)
.
Đảng bộ tỉnh Tiền Giang - những chặng đường vẻ vang

Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công giai đoạn 1945 - 1954

Những ngày đầu mới giành chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tình hình hết sức khó khăn “thù trong giặc ngoài” vô cùng rối ren, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công vừa lo củng cố tổ chức các cơ sở đảng và xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng các cấp, vừa lo việc nắm giữ quyền lãnh đạo các tổ chức chính trị và các lực lượng vũ trang, vừa phải đối phó với các thế lực bên trong và bên ngoài âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng; đồng thời phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến.

XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

Trong tình hình vô cùng khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công xác định nhiệm vụ hàng đầu là phải giữ vững chính quyền cách mạng, nhanh chóng đề ra các chủ trương để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới nhằm cải thiện đời sống nhân dân và bài trừ nội phản.

Tỉnh ủy Mỹ Tho do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Hiển làm Chủ tịch UBND tỉnh. Tỉnh ủy Gò Công do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh.

Căn nhà gần cầu Vĩ, nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy ngày 15-10-1945.
Căn nhà gần cầu Vĩ, nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy ngày 15-10-1945.

Ngày 15-10-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho phối hợp với Xứ ủy Nam bộ tổ chức cuộc hội nghị mở rộng tại cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, huyện Chợ Gạo (nay thuộc TP. Mỹ Tho). Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Hội nghị quyết định: Thành lập Ủy ban Kháng chiến; vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, trước mắt phải bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài; các cơ quan và lực lượng vũ trang chủ động rút ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch; vận động nhân dân tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn, thực hiện “vườn không nhà trống”; bằng mọi cách ngăn cản bước tiến của địch; xây dựng căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười; trấn áp những phần tử phản cách mạng và tay sai cho thực dân Pháp; kiên quyết đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch…

Ngày 25-10-1945, Xứ ủy Nam bộ tổ chức Hội nghị mở rộng tại xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè để kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo kháng chiến, phân tích việc tổ chức lực lượng vũ trang, nhất là việc thành lập lực lượng “Cộng hòa vệ binh” chưa đúng theo quan điểm của Đảng; đồng thời đề ra phương hướng giải quyết những vấn đề cấp bách của phong trào cách mạng.

Hội nghị đã giúp Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công có thêm kinh nghiệm trong việc chấn chỉnh tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ về mọi mặt, đặc biệt là lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang để kịp thời đối phó với âm mưu mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp.

Đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước bùng nổ. Quân và dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã kịp thời đề ra chủ trương đúng đắn để củng cố, xây dựng lực lượng về mọi mặt, đưa cuộc kháng chiến phát triển toàn diện.

Đến năm 1948, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các lực lượng cách mạng của tỉnh trưởng thành nhanh chóng. Lực lượng du kích nhanh chóng phát triển thành lực lượng hùng hậu, mỗi xã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích, nhiều đội du kích bám đất, bám dân chiến đấu kiên cường.

ĐẨY MẠNH CHIẾN TRANH DU KÍCH

Năm 1950, Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ruộng đất của Chính phủ nhằm tạo sự công bằng về quyền sở hữu ruộng đất và để nhân dân có lương thực bảo đảm về ăn và đóng góp cho kháng chiến.

Chính sách ruộng đất được Đảng bộ cụ thể hóa bằng chủ trương tạm cấp đất rộng rãi trong toàn thể nhân dân, kể cả nông dân trong vùng địch tạm bị chiếm với khẩu hiệu “đoàn kết với trung - bần - cố nông, lôi kéo phú nông, tranh thủ trung lập địa chủ” của Đảng bộ đề ra làm tiền đề cho việc cấp ruộng đất và tập hợp lực lượng cho kháng chiến.

Đầu năm 1953, Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập cuộc hội nghị nhằm xác định tỉnh ta không có vùng tự do hoàn toàn mà chỉ có vùng du kích và vùng tạm bị chiếm. Trên cơ sở đó, hội nghị đề ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt.

Ở vùng tạm bị chiếm, nhiệm vụ của Đảng bộ là lãnh đạo đấu tranh bảo vệ người, của, tổ chức chiến đấu không cho địch củng cố, bình định nhằm phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch.

Ở vùng du kích, trên cơ sở phân tích tương quan, so sánh lực lượng giữa ta và địch, hội nghị nhận định địch có thể lấn chiếm, nên đề ra nhiệm vụ phải xây dựng cơ sở bí mật; các cơ quan, các lực lượng vũ trang đều phải tuyệt đối giữ bí mật.

Để thực hiện Chiến dịch Đông Xuân theo chỉ đạo của trên, Tỉnh ủy đề ra các chủ trương về việc tăng cường các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh du kích, đưa lực lượng ta vào vùng địch kiểm soát, uy hiếp mạnh các tiểu khu, nhất là những tiểu khu mới thành lập gắn với phát động các phong trào quần chúng, động viên cao độ các lực lượng kháng chiến phối hợp với đấu tranh vũ trang và địch ngụy vận tiến công vào các vùng yếu của địch, giành quyền làm chủ.

Tháng 3-1954, quân ta nổ súng tiến công vào Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp mà chúng đã tập trung phần lớn các đơn vị tinh nhuệ và phương tiện chiến tranh ở Đông Dương.

Nhân lúc này, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh du kích; phát động phong trào địch ngụy vận đều khắp và quy mô hơn; đưa lực lượng chủ lực thọc sâu vào vùng địch tạm chiếm để tiêu diệt địch, củng cố vững chắc cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng nhằm kịp thời đối phó với âm mưu mới và các kế hoạch mới của địch.

Ngày 4-5-1954, bên kinh Dương Văn Dương, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc hội nghị mở rộng, phổ biến chủ trương của Trung ương Cục về chiến trường Điện Biên Phủ và chiến trường Nam bộ. Sau khi nhận định những khả năng của địch và của ta trên chiến trường tỉnh, hội nghị đã đề ra chủ trương: Ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng vũ trang, đẩy mạnh các phong trào của quần chúng, kết hợp các lực lượng để tấn công địch, giải phóng nông thôn.

HỒNG LÊ (tổng hợp)
(Còn tiếp)

Ngày 15-10-1945, để chấm dứt tình trạng tồn tại 2 Xứ ủy (Tiền phong và Giải phóng), các đảng viên chủ chốt của 2 Xứ ủy và các đảng viên mới từ nhà tù Côn Đảo trở về quyết định tổ chức Hội nghị Xứ ủy ở nhà ông Nguyễn Tử Vân, xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo (nay là xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho).

Hội nghị cử ra Xứ ủy lâm thời Nam kỳ gồm 11 thành viên: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ), Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Thị Thập. Hội nghị thống nhất đề cử đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ.

 

.
.
.