Huyện Cai Lậy: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong xây dựng NTM
Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Cai Lậy đã xuất hiện nhiều mô hình thiết thực, tác động tích cực, toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phong trào “dân vận khéo” đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Ngay khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM 15 xã trên địa bàn huyện Cai Lậy đã tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân để huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…
Các thành viên Ban chỉ đạo luôn sâu sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con, vận động cán bộ, đảng viên nêu gương đi đầu. Công tác dân vận đã phát huy hiệu quả qua từng tiêu chí được hoàn thành từ sức dân.
Đường giao thông ở xã Tam Bình được người dân hiến đất mở rộng - kết quả từ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền xã. |
Tại các xã xây dựng NTM, người dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi…
Sau 4 năm xây dựng NTM, huyện Cai Lậy đã huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp hơn 9,8 tỷ đồng và trên 118 ha đất thực hiện tiêu chí số 2 về Giao thông và tiêu chí số 3 về Thủy lợi, đổi mới cơ bản diện mạo nông thôn.
Điển hình tại xã Tam Bình - xã NTM đầu tiên của huyện Cai Lậy, 4 năm qua, bài học “lấy dân làm gốc”, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Đảng bộ, chính quyền xã vận dụng hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao. Người dân đã tự nguyện hiến 10,4 ha đất để mở rộng các tuyến đường, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê bao ngăn lũ.
Ông Chung Văn Lượm - người dân ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, chúng tôi hiểu ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và 19 tiêu chí cần thực hiện. Bà con quanh đây ai cũng đồng tình, hưởng ứng và thấy rõ trách nhiệm của mình, bởi ngoài việc thay đổi diện mạo nông thôn, họ cũng được hưởng lợi qua từng công trình được đầu tư xây dựng”.
Thành công khác từ công tác dân vận ở huyện Cai Lậy thời gian qua là mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. Cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,23%, đây là thách thức không nhỏ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập người dân.
Ngoài xây dựng phương án giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp vận động kinh phí để có thêm những phần quà, mái ấm khang trang cho hộ nghèo, hộ chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Năm 2014, huyện Cai Lậy có thêm 149 hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ nhà ở. Hoạt động trao quà Tết, khám chữa bệnh cho hộ nghèo, người cao tuổi, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… đã huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện với kinh phí trên 12 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, mô hình giúp nhau giảm nghèo bằng cây, con giống, vốn được các đoàn thể duy trì hiệu quả.
Chính quyền địa phương cũng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2014, có 13.755 hộ ở huyện Cai Lậy đã được trợ vốn sản xuất với số tiền 59,8 tỷ đồng. Đa số sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nâng cao thu nhập gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 4,55% vào cuối năm 2014. Hộ nghèo, hộ chính sách đều cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm, sẻ chia của chính quyền địa phương và những tấm lòng nhân ái, đó cũng là động lực để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Bảy - một hộ chính sách được trao tặng nhà tình nghĩa ở ấp 2, xã Cẩm Sơn cho biết: “Nhiều năm qua gia đình tôi mơ ước có được căn nhà khang trang, nay thì điều này đã thành hiện thực. Tết này, các thành viên trong gia đình tôi sẽ đón cái Tết đầm ấm, yên vui đúng nghĩa. Đây cũng là nguồn động viên để gia đình nỗ lực hơn trong lao động, sản xuất, sớm ổn định cuộc sống”.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, ban ngành, đoàn thể ở huyện Cai Lậy đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với thực tế, lấy cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm hạt nhân để nhân rộng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đặc biệt, bài học “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng vào thực tiễn đã tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần vào mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng thành công xã NTM.
QUẾ NGÂN