Thứ Sáu, 02/01/2015, 08:06 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2015)

Chiến thắng Ấp Bắc mở ra phong trào nổi dậy làm chủ nông thôn

Không thực hiện được âm mưu bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, Mỹ - Diệm chuyển sang đánh lâu dài, trọng tâm là gom dân vào ấp chiến lược, mở rộng vùng kiểm soát, cào nhà gom dân vào các khu tập trung do chúng kiểm soát; thực hiện chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận, thiết xa vận” được xem là chiếc “gậy thần mầu nhiệm”. Bên cạnh đó, chúng xây dựng mạng lưới mật báo, chỉ điểm ở vùng trọng điểm để thu thập tin tức, phục vụ bao vây, đánh phá lực lượng cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho.

Sáng ngày 2-1-1963, địch mở trận càn “Cuộc hành quân Đức Thắng 01-63”, đánh vào ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy nhằm tiêu diệt quân giải phóng. Chúng huy động lực lượng chủ lực sư đoàn 7 ngụy, bảo an, biệt kích tổng cộng trên 2.000 tên, có máy bay, tàu chiến, pháo yểm trợ.

Toàn bộ lực lượng trên đặt dưới sự chỉ huy của đại tá Bùi Đình Đạm, Tư lệnh sư đoàn 7 và thiếu tá Lâm Quang Thơ, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Định Tường cùng nhiều cố vấn Mỹ do trung tá John Paul Vann làm đoàn trưởng. Chúng cho rằng, địa hình ấp Bắc rất thích hợp để áp dụng chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận”, bủa lưới phóng lao, bao vây hợp điểm.

Phía ta, lực lượng có Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261, trung đội vũ trang huyện Châu Thành và du kích các xã: Điềm Hy, Tân Phú, Tân Hội, tổng cộng gần 200 cán bộ, chiến sĩ được trang bị 1 đại liên, 1 súng cối 60 ly, còn lại là trung liên, tiểu liên và súng trường; vũ khí đánh xe tăng có đạn trom-blông và thủ pháo.

Tuy lực lượng ta ít, trang bị thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ rất hăng hái, có kinh nghiệm chống càn, lại có các mũi binh vận, chính trị và các chiến trường phối hợp, sẵn sàng đánh địch càn quét với mọi tình huống.

Từ 5 giờ 30 phút, địch tổ chức nhiều mũi tấn công để thăm dò lực lượng ta. Bộ đội cùng du kích chặn đánh và tiêu diệt gần 2 đại đội bảo an, bẻ gãy các mũi tấn công của địch, giữ vững trận địa. Lúc này trung đội công binh tỉnh bố trí mìn từ trước trên kinh Nguyễn Tấn Thành đã cho nổ mìn, đánh chìm 1 chiếc tàu địch.

Sau các đợt tấn công bị đẩy lùi, địch điều 16 máy bay đổ quân và cho xe M.113 tạo thành thế bao vây, liên tiếp mở các đợt tấn công mới. Khi đoàn máy bay địch hạ độ cao, bay phía trên ngọn cây chuẩn bị đổ quân, lực lượng vũ trang cách mạng đồng loạt nổ súng, làm 16 chiếc bị trúng đạn, nhiều chiếc rơi tại chỗ, địch lớp chết trên máy bay, lớp vừa chạm đất bị đánh phủ đầu và có 3 tên giặc lái Mỹ bị chết tại trận.

Tại mặt trận chặn đánh xe M.113, xe địch vừa tiến vừa bắn vào trận địa. Bộ đội dùng trom-blông bắn cháy 1 xe, nhưng địch vẫn liều chết tiến sát trận địa. Đồng chí Nguyễn Văn Đừng cùng 2 chiến sĩ xông lên dùng thủ pháo diệt 2 xe địch và đã anh dũng hy sinh, số xe địch còn lại phải vội vã tháo chạy, bọn bộ binh cũng bị diệt nhiều.

16 giờ, 16 chiếc Dakota thả tiểu đoàn dù được mệnh danh là “thiên thần mũ đỏ” xuống ngay trận địa. Đợi chúng xuống gần đất, bộ đội nổ súng vào những chiếc dù, nhiều tên chết khi chưa chạm đất, một số tên mắc dù trên cây làm mục tiêu cho các chiến sĩ ta bắn. Tên Tiểu đoàn trưởng chết ngay tại trận, bọn sống sót hốt hoảng tìm chỗ nấp. Ta và địch xen kẽ nhau từng bờ mương, bờ đất. Đợt tấn công của tiểu đoàn lính dù đã hoàn toàn bị đánh bại. Ta giữ vững trận địa.

Đến 20 giờ, lợi dụng trời tối chúng tấn công vào trận địa, nhưng vẫn bị đánh bật ra, trận chiến chấm dứt. Sau đó quân ta rút lui an toàn về căn cứ Hưng Thạnh.

Kết quả, ta đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương 450 tên, trong đó có 3 tên Mỹ và hàng chục sĩ quan ngụy; bắn rơi và bắn hỏng 16 máy bay lên thẳng; bắn cháy 3 xe M.113 và 2 tàu chiến. Về phía ta, lực lượng vũ trang hy sinh 12, bị thương 13, đồng bào chết 12, bị thương 8 và 29 nhà dân bị chúng đánh sập.

Ở chiến trường phối hợp, ta huy động 36 đội du kích và 20.000 quần chúng tham gia đấu tranh trực diện với địch, bao vây tiến công 30 đồn bót, phá 22 ấp chiến lược với nhiều mức độ, bắn rơi, bắn hỏng 2 máy bay và bắn cháy 16 xe quân sự.

Chiến thắng Ấp Bắc mở ra phong trào nổi dậy làm chủ nông thôn diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi trong toàn tỉnh Mỹ Tho; vùng giải phóng ra đời và trở thành căn cứ địa vững chắc cho lực lượng cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam về “phá tan âm mưu lập khu gom dân thí điểm của địch”, Khu ủy khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho phát động cao trào phá ấp chiến lược trong toàn Khu. Mỹ Tho được chọn làm trọng điểm của toàn Khu 8.

Đầu tháng 2-1963, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514 cùng du kích các xã đột nhập vào các ấp chiến lược ngã ba Long Tiên, Long Khánh, Ba Dừa diệt ác ôn, phá thế kềm kẹp, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá banh hàng trăm mét bờ thành, bờ rào ấp chiến lược và tổ chức đấu tranh chính trị đòi địch cho về ruộng vườn làm ăn sinh sống.

Tiểu đoàn 261 đột nhập ấp chiến lược Long Định tiêu diệt 1 tiểu đội địch, thu 10 súng, tập hợp quần chúng míttinh tuyên truyền vận động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về quê cũ làm ăn sinh sống.

Ngày 24-3-1963, Tiểu đoàn 261 cùng lực lượng địa phương đánh địch ở cầu Thị Quạ (xã Tân Hội) diệt gọn 1 đại đội biệt động quân, bắn cháy 2 xe M.113. Ở quận lỵ Cai Lậy, quận trưởng bị 1 đoàn biểu tình đấu tranh đòi không bắn pháo vào xóm, ấp. Sau 50 ngày đấu tranh quyết liệt, địch phải bỏ kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược 7 xã vùng ấp Bắc.

Ngày 26-3-1963, lực lượng ta bao vây bót Cẩm Sơn, sáng hôm sau địch cho 3 đại đội bảo an vào chi viện. Ta tập trung tiêu diệt 1 đại đội tại xã Phú An, thu 80 súng, bắt 30 tù binh; 2 đại đội còn lại rút chạy. Tối đến, ta dùng Bazoka bắn sập 1 lô cốt, diệt 2 tên, kết hợp với mũi binh vận và chính trị của quần chúng nổi dậy bức bót Cẩm Sơn đầu hàng; đồng thời bộ đội và du kích bao vây bót Xuân Sơn, Chợ Cầu và bót Ông Vẽ (xã Long Trung).

Cuối cùng, địch ở các bót cầu Ván nhỏ, ngã tư Hưng Long, Chợ Cầu, Xuân Sơn buộc phải rút chạy, ta giải phóng hoàn toàn 2 xã Cẩm Sơn và Xuân Sơn, phá dứt điểm ấp chiến lược chợ Cầu (xã Long Tiên).

Cuối tháng 4-1963, ở 3 huyện phía Đông, mỗi huyện chọn 1 điểm tập trung lực lượng phá ấp chiến lược, như Gò Công phá ấp chiến lược An Hòa; Hòa Đồng phá ấp chiến lược Thạnh Trị; Chợ Gạo phá ấp chiến lược Bình Phan. Kết quả, quần chúng phá bức hệ thống ấp chiến lược Thạnh Trị và An Hòa; phá rã ấp chiến lược Bình Phan. Các ấp chiến lược khác cũng bị phá với nhiều mức độ.

Sau đợt hoạt động thắng lợi, Khu ủy đánh giá cao kinh nghiệm của tỉnh Mỹ Tho và chỉ đạo cho tỉnh Mỹ Tho (có lực lượng của Khu chi viện), kết hợp 3 mặt, 3 mũi giáp công tiêu diệt địch, mở vùng giải phóng ở các xã Nam lộ 4 thuộc 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy.

Tỉnh ủy Mỹ Tho bố trí Tiểu đoàn 261 Khu, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 cùng lực lượng tại chỗ; bố trí Đại đội 2 của Tiểu đoàn 514 tấn công vùng Mỹ Tịnh An, khu gom dân Tân Bình Thạnh làm mặt trận phụ căng kéo địch. Toàn bộ đợt hoạt động bắt đầu từ ngày 15-7 để kỷ niệm Ngày ký Hiệp định Genève 20-7.

Ngày 15-7-1963, lực lượng ta bao vây bót Cả Mít (Long Tiên), Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 bố trí trận địa đánh địch cứu viện. Khi ta nổ súng, địch huy động 40 xe M.113 và lực lượng lớn chủ lực sư đoàn 7 đến cứu viện, nhưng chúng chỉ đóng quân trên lộ 4 không vào cứu viện, cuối cùng địch ở bót Cả Mít, Chợ Cầu phải rút chạy.

Đêm 20-7, ta tiếp tục tấn công chi khu Vĩnh Kim, kết hợp phá banh ấp chiến lược xung quanh chợ Vĩnh Kim và các đồn, bót, ấp chiến lược trên tuyến lộ Đông Hòa - Vĩnh Kim, lộ Ba Dừa, lộ 28, Phú Quý, Mỹ Long..., bức hàng 7 đồn, bức rút 8 đồn, phá banh và dứt điểm gần hết ấp chiến lược ở vùng này, mở ra vùng giải phóng liên hoàn 15 xã thuộc 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy.

Tại mặt trận phụ, đêm 15-7-1963, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 514 tấn công khu gom dân Tân Bình Thạnh diệt 1 trung đội. Ngày 16-7, ta phục kích địch đi cứu viện tại cầu ông Hậu (xã Mỹ Tịnh An) diệt gần 100 tên, bắn rơi 1 máy bay.

Sau đó Đại đội 2 rút về cầu Hàn (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) chuẩn bị tấn công vào ấp chiến lược Ông Văn. Địch tập trung lực lượng của sư đoàn 7, 2 chiến đoàn dự bị, 45 xe M.113, 27 tàu, 12 khẩu pháo, 40 máy bay các loại đánh vào Quơn Long. Cuộc hành quân mang tên “Đức Thắng 38/TG” có nhiều cố vấn Mỹ chỉ huy.

Ngày 17-7-1963, địch tập trung lực lượng đánh vào Quơn Long, Đại đội 2 và du kích xã Quơn Long đã anh dũng đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Suốt từ 12 giờ trưa đến 19 giờ, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 514 và du kích xã Quơn Long tiêu diệt trên 300 tên, bắn cháy 5 xe M.113, bắn rơi 1 máy bay, sau đó rút lui khỏi trận địa an toàn.

Sau thắng lợi lớn của đợt hoạt động 20-7, Tỉnh ủy nhận định: Sử dụng quả đấm mạnh của lực lượng vũ trang, kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công, ta có thể mở các vùng rộng lớn và chỉ đạo chọn huyện Gò Công làm điểm hoạt động chủ yếu cho đợt mới nhằm phá thế kềm kẹp, phá hệ thống ấp chiến lược, đưa vùng này lên thế tiến công, tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến hành lang giao thông chiến lược vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện theo đường biển Gò Công về Khu.

Thực hiện sự chỉ đạo này, đêm 8-9-1963, Tiểu đoàn 261 và 514 đánh các bót ở Tân Niên Tây, huyện Gò Công; sáng ngày 9-9-1963, tổ chức trận địa phục kích tại Gò Lức - xã Tân Niên Đông diệt gọn 1 đại đội bảo an, sau đó tiếp tục chặn đánh 1 tiểu đoàn chủ lực của sư đoàn 7 ngụy có 13 xe M.113 đi cứu viện, diệt gần 200 tên, bắn cháy 10 xe M.113, bắn rơi 3 máy bay.

Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 514 phối hợp cùng lực lượng địa phương uy hiếp, bức hàng, bức rút đồn bót, phá banh một số ấp chiến lược ở các xã Kiểng Phước, Tân Thành.

Qua 2 đợt hoạt động kỷ niệm 20-7, một số ấp chiến lược ở Gò Công, Hòa Đồng, Chợ Gạo và phần lớn các hệ thống ấp chiến lược ở huyện Châu Thành bị phá dứt điểm, tạo nên vùng giải phóng rộng lớn.
Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm nổ ra, Tiểu đoàn 514 kịp thời tấn công vào chi khu Phú Mỹ, bức hàng, bức rút 3 đồn, 4 lô cốt, phá toàn bộ mảng ấp chiến lược này, giải phóng 3 xã Phú Mỹ, Tân Hòa Thành và Hưng Thạnh.

Ở huyện Cai Lậy, Tiểu đoàn 261 bao vây tiêu diệt chi khu Ba Dừa và giải phóng hoàn toàn khu vực Ba Dừa. Ở 3 huyện phía Đông, lực lượng tập trung tỉnh kết hợp với bộ đội địa phương tấn công tuyến Phú Kiết - Thanh Bình (huyện Chợ Gạo).

Tại Gò Công, lực lượng tại chỗ cùng quần chúng nổi dậy bức rút, giải phóng gần hết huyện Gò Công, buộc địch ở một số lớn đồn như: Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Niên Tây, Bình Ân tháo chạy về cụm tại TX. Gò Công. Ở huyện Cái Bè, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514 kết hợp lực lượng địa phương phá banh ấp chiến lược Nước Trong, xã Hòa Khánh.

Từ tháng 3-1963 đến tháng 12-1963, lực lượng cách mạng bức hàng, bức rút trên 300 lượt đồn bót (có 2 chi khu Phú Mỹ và Ba Dừa), thu 1.200 súng, giải phóng 62 xã, 40 xã khác chỉ còn đồn bót trên trục lộ giao thông, phá 174/184 ấp chiến lược (toàn tỉnh chỉ còn 10 ấp chiến lược ở các khu phố, quận lỵ). Quốc sách ấp chiến lược của địch bị thất bại tại tỉnh Mỹ Tho, một vùng nông thôn rộng lớn được giải phóng.

Trước thế tiến công của lực lượng cách mạng, đến cuối năm 1963 địch phải bỏ vùng nông thôn, co về cố thủ thị xã, thị trấn và tuyến giao thông quan trọng trong thế bị động đối phó. Vùng nông thôn rộng lớn thuộc quyền làm chủ của nhân dân, nhất là vùng giải phóng 20-7 thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành.

GIA TRÍ LÊ

.
.
.