Thứ Hai, 05/01/2015, 13:53 (GMT+7)
.
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút: Khúc tráng ca lừng lẫy

Bài 1: Phác họa về Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Bài 2: Rạch Gầm-Xoài Mút là địa điểm lý tưởng để phục kích quân Xiêm

Dưới sự lãnh đạo của 3 anh em nhà Tây Sơn, mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ - người anh hùng bách chiến bách thắng, nhà quân sự thiên tài đã đưa phong trào Tây Sơn từ một phong trào khởi nghĩa nông dân đơn thuần trở thành một phong trào giải phóng dân tộc có sức ảnh hưởng sâu rộng trên toàn quốc. Với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã có công được viết nên khúc tráng ca đầu tiên về sự nghiệp chống xâm lăng của nhân dân Gia Định, làm phong phú thêm kho tàng khoa học quân sự của tổ tiên ta.

Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Trong công viên Tây Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), bên cạnh Bảo tàng Quang Trung có 2 cây me cổ thụ và 1 giếng nước cổ xưa. Đó là dấu tích còn lại của mảnh vườn và ngôi nhà, nơi mà ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đông đã sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Vùng đất này xưa là thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn; nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Nguyễn Huệ sinh năm 1753, trong một gia đình nông dân khá giả, sống bằng nghề nông và kết hợp buôn bán.

 Thuở nhỏ Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm, sau gọi là Bình. Theo Hoa Bằng trong sách “Quang Trung anh hùng dân tộc” thì Nguyễn Huệ được mô tả: Tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm.

Còn sách “Tây Sơn thuật lược” miêu tả đôi mắt Quang Trung “ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu”.

Năm 1771, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Huệ đã theo anh là Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa trên đất Tây Sơn thượng đạo. Vùng đất này nay thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai - Kon Tum, là một địa bàn chiến lược lợi hại, vừa có thể bí mật gây dựng lực lượng, vừa có thể tiến thoái cơ động.

Cư dân vùng này phần lớn là người Thượng, chủ yếu là người Ba Na và một số người Kinh lên khai hoang. Đất đai thì phì nhiêu, có mỏ sắt, nhiều voi, ngựa… Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, các thủ lĩnh Tây Sơn đã được nhân dân vùng thượng đạo hết lòng ủng hộ và xây dựng được quan hệ đoàn kết chặt chẽ giữa người Kinh và người Thượng.

Mùa Xuân năm 1771, đất Tây Sơn sôi động, lá cờ khởi nghĩa bằng lụa đỏ dài 10 m được dựng lên với khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo và lời hịch kể tội Trương Phúc Loan được truyền đi khắp nơi. Các tầng lớp nhân dân người Kinh, người Thượng đều hăng hái tham gia. Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ XVIII và cũng trở thành người anh hùng dân tộc vĩ đại.

Năm 1777, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ chỉ huy 2 đạo quân thủy - bộ tiến vào Gia Định. Sau nửa năm, quân Tây Sơn đã tiêu diệt đại bộ phận quân Nguyễn, giết chết cả 2 chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương.

Vào năm 1782, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc đem quân vào thu phục phủ thành Gia Định và đánh bật lực lượng Nguyễn Ánh ra khỏi đất liền. Trong cuộc tiến công này, thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã bao vây tiêu diệt 1 tàu thủy phương Tây dưới quyền điều khiển của 1 sĩ quan Pháp là Manuel.

Năm 1783, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ đem quân vào Gia Định truy quét lực lượng Nguyễn Ánh vừa mới tập họp lại. Nguyễn Ánh phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc rồi Côn Lôn, Thổ Châu và cuối cùng trốn sang cầu cứu vua Xiêm.

Sau nhiều lần tiến công vào Gia Định, quân Tây Sơn đã thu phục được toàn bộ miền đất từ Phú Yên trở vào Nam, chấm dứt chế độ thống trị của các chúa Nguyễn kéo dài hơn 200 năm ở Đàng Trong. Sự nghiệp diệt Nguyễn, giải phóng Đàng Trong, Nguyễn Huệ đã tham gia một số trận đánh quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn của quân đội Tây Sơn.

Năm 1785, được tin báo quân Xiêm xâm lược, Nguyễn Huệ đem đại binh vào Gia Định. Trong mấy trận đầu, quân Tây Sơn rút lui để nhử giặc vào trận địa mai phục sẵn. Quân Xiêm kéo vào Rạch Gầm và Xoài Mút (phía Tây Mỹ Tho), bị phục binh Tây Sơn ở các mặt cùng đổ ập ra tiến công bất ngờ, quyết liệt. 5 vạn quân thủy bộ cùng 300 chiến thuyền bị đánh tan tác, chỉ còn vài ngàn tên sống sót chạy trốn về nước theo đường núi.

Cụm tượng 3 anh em nhà Tây Sơn.
Cụm tượng 3 anh em nhà Tây Sơn.

Mưu đồ can thiệp, xâm lược của phong kiến Xiêm và hành động bán nước của Nguyễn Ánh đã bị đập tan bằng 1 đòn sấm sét. Sử triều Nguyễn thừa nhận: “Quân Xiêm từ sau bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì “sợ Tây Sơn như sợ cọp”. Với thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Xiêm, Nguyễn Huệ từ anh hùng nông dân đã trở thành anh hùng dân tộc, một tướng soái lừng danh nhất của quân đội Tây Sơn.

Đến trận đại phá 20 vạn quân Thanh đầu năm 1789 thì thật là kỳ diệu. Cuối năm 1788, quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã chiếm Thăng Long. Tiền đội quân Thanh thọc sâu đến tận Hà Nam. Quanh Thăng Long dày đặc hệ thống những đồn kiên cố ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng... để bảo vệ.

Ngày 21-12-1788, nhận được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở, ngay ngày hôm sau, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc. Ngày 25-1-1789, quân Tây Sơn đã tập kết ở Tam Điệp.

Khi cho quân ăn Tết trước ở đây, Quang Trung tuyên bố: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân, ngày ta vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta xem có đúng thế không?”.

Trong trận này, với chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, Quang Trung chọn thời gian và không gian hoàn toàn bất ngờ đối với quân Thanh đang kiêu căng, tự mãn với những thắng lợi bước đầu và mải mê chuẩn bị ăn Tết. Đêm 30 Tết, quân chủ lực Tây Sơn vượt sông Đáy tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch, mở đầu cuộc tiến công. Ngày mùng 3 Tết vây đồn Hạ Hồi, uy hiếp buộc địch đầu hàng.

Ngày mùng 5 Tết mở trận quyết chiến ở đồn Ngọc Hồi. Bằng trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân Tây Sơn đã đập tan cứ điểm then chốt nhất của địch. Sau đó đồn Khương Thượng nhanh chóng bị tiêu diệt, tướng Sầm Nghi Đống tự tử, Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy. Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng tướng sĩ tiến vào Thăng Long.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh là một trong những chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách của dân tộc ta. Nhân dân ta được phong trào Tây Sơn cổ vũ và tập hợp lại, đoàn kết trong cuộc đấu tranh kiên cường chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền Quốc gia. Chiến công oai hùng này đã nói lên sức sống phi thường của dân tộc và tài năng quân sự tuyệt vời của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ là nhà quân sự thiên tài, ông còn là nhà chính trị, văn hóa, ngoại giao tài ba. Với tầm nhìn xa trông rộng và tấm lòng trong sáng đối với dân, với nước, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tập hợp dưới cờ đại nghĩa của mình nhiều bậc hiền tài, trí dũng.

Qua việc làm, lời nói và nhiều thư tịch, văn kiện Tây Sơn đã minh chứng Quang Trung đánh giá cao và thực sự trọng dụng nhân tài. Thái độ tin cậy, dùng người không phân biệt mới, cũ đã thu phục được đông đảo các sĩ phu Bắc Hà như: Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích…

Khi cuộc kháng chiến vừa kết thúc, Quang Trung đã ban bố Chiếu khuyến nông nhằm phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang; đồng thời ra lệnh bãi bỏ nhiều thứ thuế công thương nghiệp nặng nề trước đây, mở rộng việc buôn bán làm ăn cho thương nhân và thợ thủ công. Quan hệ buôn bán với nước ngoài được mở mang.

Quang Trung cũng đã ra sức xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, ban bố Chiếu lập học, khuyến khích các xã mở trường học. Tiếng nói dân tộc được coi trọng, muốn đưa chữ Nôm lên địa vị chữ viết chính thức của Quốc gia. Lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Các văn kiện của Nhà nước dần dần viết bằng chữ Nôm…

Nhưng tiếc thay, khi đất nước đang trên bước chuyển mình đầy triển vọng thì ngày 16-9-1792 Quang Trung đột ngột từ trần, lúc đó ông mới 39 tuổi và đang ôm ấp nhiều hoài bão lớn. Trong suốt những năm từ 18 - 39 tuổi, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cống hiến tất cả tài năng và nghị lực của mình cho cuộc đấu tranh vì lợi ích của nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ là một bản anh hùng ca tuyệt vời mà Công chúa Ngọc Hân, người bạn đời chung thủy của ông và cũng là một nữ sĩ tài ba đã hiểu và đánh giá rất đúng:

Người anh hùng “áo vải cờ đào”
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
 (Ai tư vãn)

HỒNG LÊ (Tổng hợp)
(Còn tiếp)

Những cột mốc lớn trong sự nghiệp của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Năm 1771 - 18 tuổi, cùng anh phất cờ khởi nghĩa ở đất Tây Sơn.

Năm 1775 - 22 tuổi, đánh thắng trận Phú Yên, mở đầu một binh nghiệp bách chiến bách thắng.

Năm 1777 - 24 tuổi, năm 1782 - 29 tuổi và  1783 - 30 tuổi, tham gia những cuộc tiến công lớn đánh vào Gia Định, đánh đổ chế độ chúa Nguyễn.

Năm 1785 - 32 tuổi, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Xiêm, lập nên chiến công vang dội Rạch Gầm - Xoài Mút.

Năm 1786 - 33 tuổi, đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên quy mô toàn quốc, chấm dứt tình trạng đất nước bị chia cắt, lập lại nền thống nhất Quốc gia.

Năm 1788  - 35 tuổi, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Năm 1789 - 36 tuổi, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh, lập nên chiến công Ngọc Hồi - Đống Đa hiển hách muôn đời.

Từ năm 1789 đến 1792 - 36 đến 39 tuổi, thiết lập một vương triều mới, ra sức xây dựng lại đất nước, củng cố độc lập dân tộc và thống nhất Quốc gia.

Năm 1792, Quang Trung - Nguyễn Huệ đột ngột băng hà. Đây là tổn thất lớn của phong trào Tây Sơn và cả dân tộc Việt Nam.

 

.
.
.