Về vũ khí hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng của nghĩa quân Tây Sơn
Trong lịch sử chiến tranh thời cổ - trung đại ở Việt Nam, chưa có cuộc chiến tranh nào mà lối đánh hỏa công lại mãnh liệt và đạt hiệu quả cao như thời Tây Sơn hồi nửa sau thế kỷ XVIII. Để thực hiện lối đánh hỏa công, nghĩa quân Tây Sơn thường sử dụng phổ biến 2 loại hỏa khí là hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh.
Về hỏa hổ, sách Lê Quý vật sử cho biết, gồm có hỏa tiễn và hỏa sào. Hỏa tiễn đã được xuất hiện dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) với tên gọi là hỏa tiễn bí pháp.
Sách Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ ghi lại cách làm, cấu tạo và cách sử dụng hỏa tiễn bí pháp như sau: “Lấy cái ống dài 6 tấc 3 phân nhồi thuốc súng làm 3 nấc: nấc thứ nhất dài 1 tấc, giã 300 chày; nấc thứ hai dài 3 tấc, giã 300 chày và nấc thứ ba nạp tên sắt, đuôi tên có đeo sào dài 1 tấc, lại nạp thuốc1 tấc, giã 300 chày xong rồi, đằng sau ống dùng tre già 5 tấc tiếp vào, lại cho ngòi thuốc xuyên vào đầu ống. Lúc dùng lấy lửa đốt đầu ngòi thì thuốc lửa cùng tên sắt tự nhiên bắn tung ra”.
Còn hỏa sào, theo Lê Quý dật sử, là một cây sào lửa được buộc trên đầu ngọn giáo. Nó đã được mô tả khá kỹ trong một bức thư gởi về Giáo hội của giáo sĩ Jean de Jesus khi ông trông thấy loại hỏa khí này hồi đầu năm 1777 ở Gia Định.
Theo Jean de Jesus, hỏa sào giống như một cái lao, gồm có 2 phần, phần thứ nhất tựa như một chiếc gậy ngắn làm bằng gỗ có nhiều gai dài được uốn cong như lưỡi câu; đoạn gậy này được nối vào phần thứ hai là 1 cây sào, phía trên đầu sào trát đầy một loại nhựa cây gây cháy và bên ngoài quấn lá như một cây đuốc.
Khi sử dụng thì đốt đầu đuốc đó lên rồi phóng hoặc đâm vào đối phương, chất cháy được bắn ra tung tóe kết hợp với những lưỡi gay móc câu cào xé thân thể binh lính địch. Do cả 2 loại hỏa tiễn và hỏa sào đều phun ra lửa mãnh liệt, dữ dội như hổ nên theo cách giải thích của Đào Duy Từ trong Hổ trướng khu cơ được gọi là hỏa hổ.
Về hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh đã được xuất hiện từ trước, lúc đó có tên gọi là hỏa cầu bí pháp. Sách Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ có 1 mục riêng về loại hỏa khí này. Theo đó, hỏa cầu bí pháp có dạng hình cầu, được làm bằng kim loại rỗng ruột để chứa thuốc nổ, chất cháy, mảnh gang, sắt vụn cũng như các quả cầu con để gây cháy nổ dây chuyền. Ở phía bên trên của quả cầu có ngòi nổ, trông như ngòi pháo, khi sử dụng chỉ cần châm ngòi nổ và ném về phía quân giặc.
Hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh dưới thời Tây Sơn chắc chắn đã được cải tiến ít nhiều từ hỏa tiễn bí pháp và hỏa cầu bí pháp dưới thời các chúa Nguyễn, nhất là cho thêm chất cháy để tạo ra những cơn bão lửa khủng khiếp, uy hiếp và sát thương đối phương.
Có điều đặc biệt là, 2 loại hỏa khí này lại được đặt dưới sự sử dụng của nghĩa quân Tây Sơn vốn rất thiện chiến, dũng cảm, nên nó trở thành loại vũ khí mang tính chiến lược của nghĩa quân. Trong từng trận đánh cụ thể, các loại hỏa khí cực kỳ lợi hại này được trang bị cho cá nhân nghĩa quân, dùng để đánh cận chiến, phủ đầu đối phương, khiến quân địch nhanh chóng bị suy sụp tinh thần và khả năng chiến đấu, tạo điều kiện để nghĩa quân xông lên giáp chiến, dứt điểm trận đánh bằng bạch khí (gươm, đao, giáo, mác…).
Chính vì vậy, sách Lê Quý dật sử đã chép về sự lợi hại của các loại hỏa khí Tây Sơn như sau: “Khi ấy, ai thấy hỏa hổ cũng đều sợ hãi bỏ chạy”. Thậm chí, khi mang 29 vạn quân sang xâm lược nước ta, tướng tổng chỉ huy quân nhà Thanh (Trung Quốc) là Tôn Sĩ Nghị đã ban hành Điều quân luật thứ năm trong mười điều quân luật, nhắc nhở quân lính của mình lưu ý đến hỏa hổ và đề ra biện pháp phòng, chống loại hỏa khí vô cùng nguy hiểm này.
Với hỏa hổ (hỏa tiễn, hỏa sào) và hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh, nghĩa quân Tây Sơn đã thực hiện những trận đánh hỏa công hết sức dũng mãnh, thu được những thắng lợi vang vội. Đó là năm 1782, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, thủy quân Tây Sơn tiến đánh Gia Định, do Nguyễn Ánh kiểm soát. Lúc bấy giờ, thủy quân Nguyễn Ánh dàn trận ở cửa sông Cần Giờ chờ sẵn. Nhân đà thủy triều đang lên, thuyền chiến Tây Sơn xông vào đột phá.
Thủy quân Nguyễn Ánh chưa giao chiến đã khiếp sợ và tự tan vỡ. Chỉ riêng có Mạn Hòe (Manuel) - người Pháp, là chủ tàu Tây Dương ngoan cố chống lại. Nguyễn Huệ bèn hợp quân vây đánh, dùng hỏa công đốt cháy cả tàu và Mạn Hòe bị tử trận.
Qua năm 1783, Nguyễn Huệ lại đưa thủy quân vào tấn công Gia Định. Nguyễn Ánh cũng lập phục binh đón đánh thủy quân Tây Sơn ở cửa Cần Giờ. Lần này Nguyễn Ánh cho đóng các chiếc bè lửa để đánh hỏa công thủy quân Tây Sơn.
Vào trận, tàu chiến Tây Sơn xông vào giáp chiến. Lập tức các tướng chỉ huy thủy quân của Nguyễn Ánh là Hoàng Nhật hầu và Thăng Binh hầu ra lệnh cho quân sĩ thuộc quyền phóng lửa vào những chiếc bè chứa chất cháy và đẩy về phía tàu chiến Tây Sơn đang thẳng tiến.
Lúc đó Nguyễn Huệ đã dự kiến trước chiến trận nên cho tàu chiến tấn công vào lúc thủy triều đang lên và gió cũng bắt đầu đổi hướng về phía trận địa của thủy quân Nguyễn Ánh. Quả nhiên, hàng trăm chiếc bè lửa cháy tạt lại, đốt chiến thuyền của Nguyễn Ánh cháy mờ mịt trong khói lửa, tan tác hoàn toàn. Bản thân Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc trú ẩn.
Đầu năm 1785, Nguyễn Huệ chỉ huy thủy quân từ Quy Nhơn vào Mỹ Tho đánh quân Xiêm sang xâm lược nước ta do sự cầu viện của Nguyễn Ánh. Tại Mỹ Tho, Nguyễn Huệ cho lập trận địa mai phục trên sông Tiền, đoạn từ rạch Gầm đến rạch Xoài Mút, rồi dẫn dụ 300 chiếc thuyền địch vào đây để tiêu diệt bằng lối đánh hỏa công mãnh liệt.
Cả một vùng sông nước dài 7 km chìm đắm trong cảnh lửa cháy rực trời. Toàn bộ chiến thuyền của quân Xiêm bị thiêu hủy. Kể từ đó, người Xiêm “tuy miệng nói khoác, mà trong lòng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp” (Đại Nam thực lục).
Năm 1786, Nguyễn Huệ thống lĩnh quân thủy bộ tiến ra Bắc nhằm đánh đổ chúa Trịnh. Khi nghĩa quân Tây Sơn đổ bộ lên bến Tây Luông thì gặp quân Trịnh, do chính chúa Trịnh Tông chỉ huy cản lại. Nghĩa quân Tây Sơn sử dụng hỏa hổ đột kích dữ dội khiến quân Trịnh vô cùng kinh hãi, đến nỗi bỏ cả áo giáp và giáo mác chạy thục mạng.
Chúa Trịnh cũng ngoặc đầu voi, chạy ra khỏi kinh thành Thăng Long, để rồi sau đó bị bắt và bị xử tử, chấm dứt sự thống trị kéo dài hàng mấy trăm năm của dòng họ Trịnh ở Bắc Hà.
Năm 1789, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) lại chỉ huy đại quân tiến ra Bắc đánh quân Thanh. Lúc bấy giờ, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị do biết được sự lợi hại của các loại hỏa khí Tây Sơn nên đã ra điều quân luật thứ năm để phòng bị hỏa hổ bằng cách làm những tấm khiên bằng da trâu sống nhằm vô hiệu hóa những ngọn lửa được phun ra từ hỏa hổ.
Thế nhưng, mọi sự đề phòng của tướng sĩ nhà Thanh đều bị thất bại. Trong các trận đánh, quân Thanh đều bị kinh hoàng bởi những cơn bảo lửa khủng khiếp do quân Tây Sơn tạo ra. Đặc biệt, trong trận công đồn Ngọc Hồi - một vị trí then chốt, có tính quyết định cho sự an nguy của quân Thanh ở phía Nam thành Thăng Long, quân Tây Sơn đã sử dụng hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh để tiến công địch.
Sách An Nam quân doanh kỷ yếu của viên quan nhà Thanh là Trần Nguyên Nhiếp viết về trận này như sau: “Trên lưng mỗi con voi có ba bốn tên quân giặc chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi, đốt cháy cả người nữa”.
Kết cuộc, quân Thanh phải rút chạy về nước. Tôn Sĩ Nghị đang đêm phải dứt cả ấn tín, mình không kịp mặc giáp, ngựa không kịp thắng yên, hốt hoảng thoát chạy về hướng biên giới. Ngày mùng 5 tết năm Kỷ dậu (năm 1789), vua Quang Trung với bộ chiến bào đen sạm thuốc súng dẫn đại quân tiến vào Thăng Long đã sạch bóng quân giặc và trong niềm vui ngập tràn của nhân dân kinh thành.
Hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh hợp thành bộ hỏa khí lợi hại của nghĩa quân Tây Sơn. Nó lại được sử dụng bởi những nghĩa quân có tinh thần chiến đấu rất cao, mưu trí và đặc biệt là có sự chỉ huy tài giỏi của nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ - Quang Trung, nên những trận đánh hỏa công của quân Tây Sơn thực sự là những đòn sấm sét giáng xuống đầu quân thù, tạo nên những chiến thắng giòn giã, góp phần đánh đổ nền thống trị của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiến tới thống nhất đất nước sau mấy trăm năm bị chia cắt, kể cả việc đánh bại quân Xiêm và quân Thanh xâm lược để bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
NGUYỄN PHÚC NGHIỆP