Bà Nguyễn Thị Thập: Người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, từ tuổi thanh xuân hăng hái, nhiệt tình tham gia cách mạng ở quê nhà xã Long Hưng năm 1928, cho đến khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo như: Xứ ủy viên Nam kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cuộc đời của bà Nguyễn Thị Thập gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của nhân dân tỉnh Tiền Giang và cả nước.
![]() |
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Định công bố Quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho bà Nguyễn Thị Thập. |
Tham gia cách mạng trong thời kỳ thoái trào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi đất nước chìm ngập trong làn sóng khủng bố của kẻ thù tưởng chừng không vượt qua nổi, bà Nguyễn Thị Thập đã cùng với Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho tiến hành một loạt công tác rất tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm khôi phục cơ sở Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi dưỡng niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.
Bà kết hợp nhuần nhuyễn 2 yêu cầu cơ bản trong công tác của một người lãnh đạo là vừa quan tâm những vấn đề chiến lược của cách mạng, vừa chỉ đạo những công việc cụ thể, thiết thực, có hiệu quả.
Trong những năm 1931 - 1935, cùng với việc đề ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng từ cơ sở, bà còn trực tiếp lãnh đạo nông dân đấu tranh với bọn chủ đất, giành quyền lợi thiết thực cho nhân dân để giữ vững phong trào cách mạng. Cơ sở đảng và phong trào cách mạng do bà xây dựng và phát động phát triển đều khắp các tỉnh Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, Bến Tre…
Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, bà Nguyễn Thị Thập đã góp phần cùng Đảng bộ tỉnh ra sức vận động thành lập Mặt trận Dân chủ, tập hợp nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Bà đã có công lớn trong việc thực hiện chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng, tiến tới đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong thời gian bị địch giam cầm, bà luôn thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, không một phút nghỉ ngơi của người chiến sĩ cộng sản. Với đức độ và tài năng được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, với nghị lực và sức hoạt động bền bỉ, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị lãnh đạo năng động, sáng tạo Nguyễn Thị Thập có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương và cả nước.
Có thể nói, những thắng lợi mà nhân dân tỉnh Mỹ Tho giành được từ khi có Đảng lãnh đạo: Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 2 cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú mà bà Nguyễn Thị Thập là một trong những người tiêu biểu ở tỉnh Tiền Giang. Trải qua những chặng đường hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Thập trở thành chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của Đảng và nhân dân ta.
Ở bà Nguyễn Thị Thập, phẩm chất nổi bật là tấm gương học tập và rèn luyện không ngừng. Không được học tập ở tuổi còn niên thiếu, lớn lên hoạt động cách mạng bà càng khát khao trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập, nhất là học tập quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nhằm trang bị nhận thức, quan điểm, phương pháp suy nghĩ và xem xét, giải quyết vấn đề cụ thể một cách đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả.
Từ lúc bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc từ trần, bằng niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường, xác định rõ lý tưởng sống, bà Nguyễn Thị Thập miệt mài học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, từng bước trang bị cho mình những hiểu biết về lý luận chính trị, trở thành người lãnh đạo luôn kết hợp giữa thực tiễn sinh động với lý luận khoa học trong giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản mà phong trào cách mạng đặt ra, nhất là trong những hoàn cảnh gay go, phức tạp.
Trong cao trào vận động nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã vượt qua biết bao trở lực và khó khăn, tạo nên cao trào cách mạng sôi nổi, cuốn hút đông đảo quần chúng tham gia. Thành công đó có sự cống hiến trí tuệ, sức lực của bà Nguyễn Thị Thập.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Thập được các đồng chí lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm và trình độ lý luận giúp đỡ, đã nắm bắt, tiếp thu được những quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, từ đó nghiền ngẫm, đúc kết thành các bài học soi rọi cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Điều đó giúp bà rất nhiều trong công tác cách mạng, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Đảng, của cách mạng.
Thực tiễn của phong trào cách mạng đã tôi luyện bà Nguyễn Thị Thập ngày càng dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo, nhất là nhận thức được sức mạnh to lớn của nhân dân khi được giác ngộ, vận động đứng lên làm cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Thập đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có quyết tâm và nghị lực lớn, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định các vấn đề thực tiễn ở địa phương, là tấm gương mẫu mực trong việc kết hợp giữa học và hành, lý luận và thực tiễn, học tập để phục vụ cho Đảng và phục vụ nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Thập là một tấm gương phục vụ trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc từ trần bà luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cá nhân và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của bà luôn dành cho Đảng và nhân dân.
Vì Đảng, vì dân, bà chấp nhận gian khổ, hy sinh, từ biệt gia đình, thoát ly tham gia cách mạng. Cũng vì Đảng, vì dân bà đã nhiều lần bị địch bắt giam, rồi ra tù lại tiếp tục hoạt động cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng và đã hy sinh cả tình riêng, cả bản thân mình.
Bà Nguyễn Thị Thập là một tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người nông dân nghèo khó, những công nhân lam lũ, hay giữa tầng lớp trí thức khi mới chỉ là đảng viên, hay khi trở thành Xứ ủy viên Nam kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà luôn hòa mình cùng với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng.
Bà luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng, tìm mọi cách bảo vệ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc để làm trong sạch tổ chức Đảng và đảng viên, bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, bằng uy tín, đạo đức, lối sống để giữ vai trò tiên phong; không ngừng hoàn thiện về nhân cách, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Thập luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên trì học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà Nguyễn Thị Thập là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo. Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang mãi mãi ghi nhớ, tự hào về bà, nguyện phấn đấu không ngừng, thực hiện thành công hoài bão và lý tưởng cao cả của bà Nguyễn Thị Thập: Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc.
Lược ghi tham luận của đồng chí
NGUYỄN ANH TUẤN
(Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang)