Nhớ Má Mười Thập
Thắm thoát đã 20 năm người chị lớn của phong trào phụ nữ Việt Nam chia tay chúng ta, nhưng những gì chị Mười (bà Nguyễn Thị Thập) để lại hình như vẫn gần gũi, vẫn còn lan tỏa và ngày càng được đàn em, đàn con cháu tiếp nối vun đắp nên đầy đặn, phong phú rực rỡ hơn.
Những người cùng thời với chị hầu hết đã ra đi. Lớp đàn con của chị, người trẻ nhất cũng hơn bảy mươi tuổi. Vậy trong bài viết này xin được gọi chị bằng Má Mười. Vả chăng, Nhà nước đã phong tặng chị danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ năm 1994 thì chúng ta gọi Má cũng là phải lẽ và để tỏ lòng yêu kính thân thiện hơn.
Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Má ai cũng quý mến, nhớ thương và muốn theo bước Má để ngày càng đạt đến đỉnh người phụ nữ tài năng. Thời nay chúng ta có nhiều thuận lợi hơn xưa, được tạo điều kiện học tập, cống hiến; được tôn trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội; có Luật Bình đẳng giới, có đất nước hòa bình, thống nhất, chúng ta càng nhớ về nỗi cơ cực bần hàn của các thế hệ phụ nữ trước. Dịp này xin được nhắc những điều đáng nhớ về Má Mười của chúng ta.
Từ tình yêu thương nông dân cùng cảnh nghèo khó, đói khổ, phải vay nợ nặng lãi để nộp sưu thuế cho bọn chủ điền; những trai tráng là lao động chính trong gia đình phải trốn chui trốn nhũi vì bị lùng bắt đưa qua Pháp đi lính nên nghèo càng nghèo hơn. Cám cảnh mình cũng cùng số phận, mới 12 tuổi Má đã phải vào đời sớm, vì mồ côi mẹ, phải gánh vác việc mưu sinh, không được học hành.
Từ cái tâm sáng, hướng thiện, lại được hấp thụ tinh thần quật khởi, truyền thống chống ngoại xâm của người dân xã Long Hưng và từ người cha đã từng tham gia tổ chức Thiên Địa Hội, cùng với tố chất thông minh, hay suy tư, càng nghĩ sâu về thân phận mình, Má Mười tự đặt ra câu hỏi: Vì sao có sự khác biệt bất công giữa người với người, nguồn gốc từ đâu và làm cách nào để xóa bỏ sự khác biệt đó?
Lời giải không phải tìm đâu xa, nó ở ngay trên mảnh đất quê mình, nơi đã từng xuất hiện những người yêu nước, những tổ chức cách mạng như Nông hội đỏ, những nhóm người tự tập hợp chống bọn cường hào ác bá theo chân Pháp cai trị dân mình.
Má Mười đã tìm ra lời giải, xác định mình chính là người thực hiện lời giải đó chứ không ai khác và má đã tìm đến tổ chức Nông hội. Việc đại sự không thể làm một mình, mà phải có nhiều bạn đồng hành thì mời thành công.
Nghĩ là làm, không bao lâu Má đã phát triển hàng ngàn hội viên mới, xem họ là ruột thịt của mình; còn họ cũng xem Má là một phần cuộc sống của họ, nên khi Má bị đich bắt, một em bé mới 15 tuổi cũng biết cách thông báo để tập hợp bà con giải vây cho Má. Một thế trận lòng dân được hình thành bền vững từ đó cho đến mãi mãi về sau.
Tôi còn nhớ, những năm 60 của thế kỷ trước, thỉnh thoảng chúng tôi nhận được từ Bưu điện Campuchia, hoặc có đoàn cán bộ từ miền Bắc vượt Trường Sơn về mang theo những quyển sách tư liệu quý về công tác Hội Phụ nữ, đó là sách từ tủ sách của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dành cho miền Nam. Má Mười tranh thủ tìm mọi cách gửi về cho Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nhận được sách, các chị trong cơ quan Phụ nữ Giải phóng ai cũng cảm động về tình cảm gắn bó keo sơn và ai cũng hiểu ngay đó là tình cảm lớn từ phụ nữ miền Bắc, tiêu biểu là người chị lớn của phong trào phụ nữ Việt Nam: Đồng chí Nguyễn Thị Thập. Là Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Má cùng tập thể lãnh đạo Trung ương Hội đề xuất nhiều chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phong trào phụ nữ luôn mang tính bao quát, gắn kết 2 miền Nam - Bắc.
Nổi bật là các phong trào phụ nữ “3 đảm đang” thể hiện qua những mục tiêu hành động cụ thể, “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, “Cánh đồng 5 tấn”, “Kết nghĩa Bắc - Nam”, “Ngày Bắc đêm Nam”, “Làm thêm giờ vì miền Nam ruột thịt”, “Hậu phương lớn vì tiền tuyến lớn”…
Hàng vạn người mẹ miền Bắc đã rứt ruột tiễn con trai con gái xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước… Phụ nữ Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với 8 chữ vàng: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang mà Đảng và Bác phong tặng.
Năm 1966, trong vai trò nghiên cứu, tham mưu, Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương (Má Mười là Bí thư Đảng đoàn) đã giúp Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 152 và Nghị quyết 153. Từ quan điểm nam nữ bình quyền được định rõ trong Luận cương chính trị của Đảng năm 1930, nay trở thành như một văn bản pháp quy mang tầm chiến lược có sức động viên, cổ vũ để chị em phụ nữ dốc sức dấn thân cho công cuộc kháng chiến cứu nước; đồng thời có giá trị bền vững về sau. Đó còn là bệ phóng để phụ nữ có thể bay xa, bay cao trong thế giới bao la của kiến thức, kỹ năng, tài năng và phấn đấu học tập, cống hiến hết mình cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Lúc đó, ở miền Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được đón nhận văn bản 2 nghị quyết này của Trung ương Đảng và càng hứng khởi hơn khi nghe kể: Ở miền Bắc, chính Bác Hồ chủ trì cuộc hội nghị triển khai nội dung nghị quyết. Bác yêu cầu tất cả cán bộ chủ chốt các ngành, các bộ trưởng, các đồng chí ủy viên Trung ương… phải dự.
Tại hội nghị, Bác điểm danh từng người, ai chưa đến, Bác gọi phải đến. Bác bảo mọi người phải thông thì mới thực hiện tốt được. Rõ ràng, nghị quyết đã đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến lúc bấy giờ, bởi phụ nữ phải “thay chân nam giới ở hậu phương”, hàng loạt chị em được chọn bố trí đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt từ cấp cơ sở đến Trung ương. Có một đoạn thơ rằng:
… Anh đi công tác qua nhà
Hỏi ông chủ tịch bây giờ là ai?
Hỏi em, em chỉ mỉm cười
Việc cần mới hỏi, em ơi đừng đùa.
Ửng hồng đôi má em thưa,
Ông chủ tịch xã… bây giờ là em.
Ở cấp Trung ương, nhiều chị được đề bạt làm Thứ trưởng, Bộ trưởng như các chị Nguyễn Thị Bình, Vũ Thi Hiền, Hồ Thị Chí… Thời đó có cụm từ đưa “phụ nữ tham chính”.
Tính đến nay đã 50 năm kể từ khi Nghị quyết 152 và Nghị quyết 153 ra đời, nhưng hậu kỳ của 2 nghị quyết này thì càng sáng tỏ rực rỡ, bởi trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi bước chuyển của đất nước là lúc Đảng, Nhà nước ta, Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương và các thế hệ sau lại có cái nhìn mới, tích hợp những bài học kinh nghiệm đã qua để điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quan điểm chủ đạo về công tác phụ nữ và cán bộ nữ cho phù hợp với tình hình mới.
Đặc biệt, từ năm 2006, vấn đề bình đẳng nam nữ đã được luật hóa - Luật Bình đẳng giới ra đời, lớp cháu, chắt của Má càng được tạo điều kiện để phát huy đầy đủ vai trò công dân, người lao động, người chủ gia đình và là người thầy đầu tiên của con người.
Chúng ta không thể nào quên những năm 80 của thế kỷ trước hình ảnh 12 cụ bà tóc bạc, lưng không còn thẳng nữa, dẫn đầu là các Má Nguyễn Thị Thập, Ngô Thị Huệ, Hồ Thị Bi, Trương Thị Thu… dắt nhau đi từ tỉnh này đến tỉnh khác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND và Hội Phụ nữ để bàn việc viết bộ sử “Phong trào phụ nữ Nam bộ” và xây dựng Nhà Truyền thống phụ nữ Nam bộ.
Các má tính phải làm từng bước cho chắc, thành công rồi tính tiếp, chưa vội đưa ra yêu cầu xây dựng nhà bảo tàng vì thời đó cả nước còn chưa có Bảo tàng Phụ nữ, nhưng ý thức nhìn về tương lai, các má đã xin UBND TP. Hồ Chí Minh cấp cho ngôi nhà số 202, đường Võ Thị Sáu, nằm ở vị trí trung tâm thành phố, lại có khuôn viên rộng có thể phát triển hơn về sau. Cũng cần nhắc lại, hồi còn đương nhiệm, Má Mười đã chủ trì biên soạn bộ sử “Phong trào phụ nữ Việt Nam” xong má mới về hưu.
Việc lớn chung của phụ nữ cả nước đã xong, Má thấy cần làm rõ hơn về những sự kiện, hiện vật, những người phụ nữ ở vùng đất miền Nam mới khai phá luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa… Họ rất kiên cường, thể hiện đầy đủ bản sắc phụ nữ Việt Nam, cần khắc họa rõ hơn cho bộ sử chung của phụ nữ Việt Nam để giáo dục truyền thống cho muôn đời sau. Má đề xướng làm bộ sử “Phong trào phụ nữ Nam bộ” và được các dì, các má đồng tình ngay.
Các cụ đi đến tận vùng sâu, vùng xa, những nơi có sự kiện nổi bật, có những con người tiêu biểu để tìm hiện vật; gặp người thật, việc thật để ghi âm, ghi hình, làm nên những bộ phim tư liệu… Trong chuyến đi về Tiền Giang Má Mười đã bị tai biến phải nghỉ để điều trị, các má còn lại vẫn tiếp tục đi tìm và tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng Nhà Truyền thống phụ nữ Nam bộ.
Má Mười và các má đã không ngại tuổi già, sức yếu. Ý thức dành để cho muôn đời sau của các má đã truyền lửa, có sức thuyết phục, huy động được sức người, sức của xây dựng thành công một ngôi nhà đồ sộ, một tượng đài người mẹ - người phụ nữ hiên ngang đứng giữa đất trời, tiêu biểu cho phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam, nay là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - một địa chỉ đỏ rất đỗi tự hào của tất cả chúng ta.
ĐẶNG HỒNG NHỰT