Thứ Năm, 06/04/2017, 21:30 (GMT+7)
.

Bài viết của Chủ tịch nước nhân Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017), giáo sư, tiến sỹ Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có bài viết “Tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn với Cách mạng Việt Nam”.

Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 22/4/1979. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 22/4/1979. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

TƯ DUY SÁNG TẠO, TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Tổng Bí thư Lê Duẩn - Anh Ba, như cách gọi trìu mến và kính trọng của đồng chí, đồng bào - là một trong những chiến sỹ cách mạng tiền bối kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 60 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng trên cả ba miền đất nước, với tư duy sáng tạo, tầm nhìn xa, trông rộng rất đặc biệt, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn, góp phần làm phong phú lý luận của cách mạng Việt Nam, viết nên những trang sử chói lọi, hào hùng trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đưa nước nhà vững bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn hay nhắc tới luận điểm nổi tiếng của V.I. Lê-nin “chân lý là cụ thể” và cho rằng “cách mạng là sáng tạo”. Trong kho tàng tư tưởng lý luận của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tư duy sáng tạo, độc lập, tự chủ, tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc của đồng chí trong tiến trình phát triển và trước những tình huống phức tạp của cách mạng, nhất là trong các giai đoạn có tính quyết định của lịch sử, là di sản vô cùng quý báu đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcvà hội nhập quốc tế.

Tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện từ rất sớm, tiêu biểu là những đóng góp xuất sắc của đồng chí cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vào thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11-1939), Hội nghị mở đầu quá trình chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhận định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy độc lập” [1]. Dựa trên sự chuyển hướng chiến lược cách mạng, Hội nghị đã chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, sớm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm đánh đổ chế độ thuộc địa dã man, tàn bạo.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, do không dự được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2-1951, đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp nhiều nội dung quan trọng với Đại hội về giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản; về vị trí, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng Việt Nam; về vị trí, vai trò của nông dân trong cách mạng vô sản Việt Nam; về chiến tranh nhân dân; về chính sách kinh tế; về chính trị và chính quyền...

Bằng những luận cứ hết sức vững chắc cả về lý luận và thực tiễn, Đồng chí đã phân tích sâu sắc, khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng Việt Nam và nêu rõ: “Không hiểu rõ những đặc điểm cách mạng Việt Nam, nhận xét giai cấp vô sản Việt Nam tách rời phong trào cách mạng vô sản thế giới, tách rời tình hình cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và quá trình chuyển biến của phong trào giải phóng dân tộc qua các thời kỳ, thì chúng ta sẽ không đánh giá một cách đầy đủ vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng Việt Nam” [2].

Những ý kiến đóng góp của đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng để Đại hội lần thứ II của Đảng đề ra đường lối chiến tranh nhân dân, lãnh đạo toàn dân ta đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong những năm tháng vô cùng gian khổ dưới chế độ độc tài Mỹ - Diệm, bị địch khủng bố ác liệt, Đồng chí vừa chỉ đạo củng cố phong trào, xây dựng cơ sở cách mạng, vừa trăn trở, tìm tòi, suy nghĩ về con đường đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Với tư duy và tầm nhìn của một nhà chiến lược lớn, tác phẩm “Đề cương cách mạng miền Nam” nổi tiếng của đồng chí Lê Duẩn viết trong thời gian đó đã phân tích, đánh giá sâu sắc, dự báo chính xác tình hình miền Nam sau hai năm thi hành Hiệp định Geneva, đề ra mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam: “Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác” [3].

Chủ trương kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, hậu phương lớn gắn với tiền tuyến lớn, phối hợp chặt chẽ giữa ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị) tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc, đã dấy lên niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đề cương là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) “Về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà,” trong đó khẳng định “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến” [4].

Nghị quyết đã phản ánh đúng đắn nguyện vọng của đồng chí, đồng bào cả nước, đặc biệt là khát vọng nóng bỏng của đồng chí, đồng bào miền Nam về chuyển sang đấu tranh vũ trang, bảo vệ thành quả cách mạng, từ đó dấy lên phong trào Đồng khởi, liên tiếp làm thất bại chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải ngồi vào bàn đàm phán với ta...

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực phức tạp lúc bấy giờ, chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao chứng tỏ bản lĩnh chính trị kiên định của Đảng ta, trong đó có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của đồng chí Lê Duẩn. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) do đồng chí Lê Duẩn trình bày là một văn kiện chính trị quan trọng, trong đó nhận định: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, nhưng do trước mắt cùng có một mục tiêu chung là thực hiện thống nhất nước nhà, cho nên quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển” [5].

Báo cáo cũng khẳng định: “Nước Việt Nam ta là một, dân tộc Việt Nam ta là một. Nhất định nước ta sẽ được thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ, nhất định dân tộc sẽ được đoàn tụ trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước ta quyết không bao giờ lay chuyển và cuối cùng chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi” [6]. Dự báo thiên tài của Đảng ta, của đồng chí Lê Duẩn đã trở thành hiện thực sau 15 năm.

Từ Đại hội lần thứ III của Đảng, trong suốt 26 năm, trên cương vị Bí thư thứ nhất, sau là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị hoạch định, phát triển hết sức phong phú đường lối, chiến lược, phương pháp cách mạng, đường lối, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với phong trào cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn - được mệnh danh là “Ông hai trăm Bu-gi” - có nhiều suy nghĩ, chủ trương, cách làm độc đáo, sáng suốt, đề xuất với Trung ương những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp tối ưu đưa cách mạng miền Nam tiến lên vững chắc. Trong đó, nổi bật là tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật biết thắng từng bước; sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang; đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp; đề cao lòng tự hào dân tộc và luôn phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng; xây dựng tinh thần độc lập tự chủ, đồng thời phải không ngừng giáo dục tinh thần quốc tế vô sản.

Trong tâm khảm đồng chí Lê Duẩn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn là mệnh lệnh, lời thề thiêng liêng mà Đồng chí đã thay mặt toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hứa trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong Lễ tang của Người năm 1969.

Tư duy sáng tạo, sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện và phát huy cao độ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Trong bức điện gửi các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục miền Nam ngày 9/4/1975, Đồng chí nêu rõ: “Cần bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng; vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng với những lực lượng đã chuẩn bị sẵn. Thực hiện từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy, không chia làm hai bước. Đó là phương án cơ bản và chắc thắng nhất. Trong tình hình hiện nay, thần tốc, táo bạo, bất ngờ là ở chỗ đó” [7].

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Lê Duẩn luôn chăm lo, củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các đảng anh em, giữa các lực lượng cách mạng trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Những luận điểm đúng đắn của Đồng chí về phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh đấu tranh đòi dân chủ, tiến bộ xã hội, vì tự do, công lý, vì nhân phẩm và quyền sống của con người, bảo vệ hòa bình, chủ quyền dân tộc..., đặc biệt luận điểm “chúng ta cũng sẵn sàng đặt quan hệ với tất cả các nước trên thế giới tôn trọng chủ quyền và độc lập của nước ta, trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi” [8], đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp thống nhất đất nước, khôi phục kinh tế sau chiến tranh, hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Một trang sử mới vô cùng rực rỡ của Tổ quốc ta bắt đầu. Một nhiệm vụ mới vô cùng vĩ đại và làm phấn chấn lòng người đang chờ đón 45 triệu đồng bào ta là thực hiện đầy đủ Di chúc của Bác Hồ vĩ đại: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Chúng ta hãy bắt tay vào công cuộc xây dựng và lao động sáng tạo, làm cho nước Việt Nam tiến bộ, phồn vinh, nhân dân no ấm, hạnh phúc” [9].

Trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp lý luận quan trọng trong việc tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là các quan điểm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội... Đồng chí luôn coi trọng xây dựng, phát triển văn hóa, “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đem lại giá trị chân chính cho con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, trở thành chủ thể có ý thức trong sáng tạo lịch sử” [10].

Từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Lê Duẩn luôn trăn trở, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo đời sống của nhân dân: “Bây giờ trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải đến trường, phải lo cho tất cả mọi người, không phân biệt “bên này, bên kia” vì ai cũng là công dân Việt Nam” [11].

Tư duy sáng tạo của Đồng chí được thể hiện rõ nét khi Đảng ta bước đầu khởi xướng quá trình đổi mới quản lý kinh tế từ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa V) “Về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế.”

Đồng chí khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã có những cố gắng to lớn khắc phục một bước cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp và xúc tiến việc hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới nhằm thực hiện đúng những nguyên tắc quản lý kinh tế, vừa bảo đảm sự tập trung thống nhất quản lý của Trung ương vừa mở rộng và phát huy quyền chủ động sáng tạo của các cơ sở, các địa phương, các ngành trong sản xuất kinh doanh, thực hiện quyền làm chủ tập thể của quần chúng lao động, khuyến khích mạnh mẽ tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế” [12]. Cho đến cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn không ngừng trăn trở với những vấn đề cuộc sống đặt ra, suy nghĩ, tìm tòi con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với cách mạng Việt Nam.

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của các thế hệ lãnh đạo tiền bối. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thường xuyên biến đổi, công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, nảy sinh nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng ta không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tiếp tục vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác​-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên, thì tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là định hướng đúng đắn cho việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng ta thành kính tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của Đồng chí với cách mạng Việt Nam và nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất, suốt đời một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 6, tr. 536.
[2] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 52.
[3] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 98.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 81.
[5] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 17.
[6] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 258.
[7] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 2, tr. 1.327.
[8] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr. 186.
[9] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 2, tr. 1.339 - 1.340.
[10] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr. 88.
[11] Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nhà Xuất bản Lao Động, Hà Nội, 2014, tr. 135.
[12] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.372.

.
.
.