Chủ Nhật, 30/04/2017, 11:31 (GMT+7)
.
Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn xã Song Bình

Một địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước

BIỂU TƯỢNG CỦA LÒNG YÊU NƯỚC

Theo tư liệu lịch sử, vào thời điểm năm 1974, trong lúc địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh (Cái Bè, Cai Lậy Nam, Cai Lậy Bắc, Châu Thành Nam, Châu Thành Bắc) đã được mở rộng vùng giải phóng, thì huyện Chợ Gạo vẫn còn dày đặc đồn bót giặc và chúng xác định huyện Chợ Gạo là vành đai vững chắc phía Đông của Tiểu khu Định Tường. Cuối tháng 10-1974, đồng chí Lê Văn Phẩm, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu 8 xuống trực tiếp chỉ đạo chiến trường Mỹ Tho - Gò Công. Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương mở Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975 trước 1 tháng. Trọng điểm mở ra của tỉnh trong chiến dịch này là toàn bộ các xã phía Đông và phía Tây kinh Chợ Gạo. Vấn đề mở mảng vùng Chợ Gạo là một yêu cầu cấp bách, chẳng những sẽ đưa phong trào ở đây lên, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để đưa lực lượng vũ trang và vật chất sang hướng Gò Công và phía Nam tỉnh Long An.

Khu Bia tưởng niệm.
Khu Bia tưởng niệm.

Ngày 3-2-1975 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Dần), đồng chí Nguyễn Văn Võ, Tiểu đội phó, Khung Huấn luyện Huyện đội Chợ Gạo phụ trách dân công, cùng đồng chí Nguyễn Văn Chiêm hướng dẫn 18 dân công tải đạn từ nhà đồng chí Ba Tổng, cán bộ phụ trách công tác hậu cần huyện ở ấp Bình Hòa B, xã Song Bình đến điểm tập kết tại xã Tân Thuận Bình. Trong số 18 dân công có anh Nguyễn Văn Chí, còn lại là nữ, người lớn tuổi nhất là Nguyễn Thị Sáu (19 tuổi), nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Thị Kim (14 tuổi), tất cả là học sinh, đã tranh thủ thời gian nghỉ tết tham gia tải đạn phục vụ chiến trường. Đạn dược vận chuyển trong đêm hôm đó gồm các loại: Mìn định hướng DH10, đạn B40, lựu đạn và một ít đạn nhọn...

Theo kế hoạch, chuyến vận chuyển vũ khí sẽ được tiến hành vào đêm 2-2-1975, nhưng gặp trở ngại, nên phải dời lại đêm hôm sau. Chiều tối 3-2-1975, đoàn dân công (có 5 chị đến trễ vì đắp Đài Liệt sĩ xã Long Bình Điền) từ nhà ông Sáu Phiểu (xã Long Bình Điền) đến nhà đồng chí Ba Tổng nhận hàng và lập tức lên đường. Độ khoảng 30 phút sau, khi đoàn tải đạn đến gần nhà bà Nguyễn Thị Ba (ấp Bình Hiệp, xã Song Bình) thì đạn phát nổ do va chạm, làm 8 người hy sinh, trong đó có anh Chí, chị Sáu, chị Kim và 5 chị khác.  
 

+ Ngày 27-1-2016, UBND tỉnh Tiền Giang ký Quyết định xếp hạng địa điểm xây dựng Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn xã Song Bình hy sinh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

+ Tối 15-12-2016, Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Lễ khánh thành Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn xã Song Bình. Bia được xây dựng với nhiều hạng mục: Nhà bia tưởng niệm, bia đá tạc hình 8 liệt sĩ, trụ cột, cổng chính, tường rào, đường nội bộ và các công trình phụ, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

ĐỊA CHỈ ĐỎ, GÓP PHẦN GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

Vào những ngày đầu tháng 4, tôi cùng ông Tư Nhỏ (Nguyễn Văn Tư, ngụ ấp Bình Hiệp, xã Bình Phan), cựu chiến binh của Huyện đội Chợ Gạo, đến viếng Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn (cùng ở ấp Điền Mỹ, xã Long Bình Điền) hy sinh tại cầu Bình Hiệp, ấp Bình Hiệp, xã Song Bình. Trở lại chiến trường xưa nơi ông nổi danh với tài bắn bách phát bách trúng bằng súng M79 lúc bấy giờ, thương binh Nguyễn Văn Nhỏ đã xúc động đến rơi nước mắt khi đọc đến tên Liệt sĩ Hồ Thị Thêm (còn gọi là Út Chín hay Út Thêm, 15 tuổi). Ông kể lại: “Trong lúc chiến đấu tại xã Song Bình, tôi là bạn của người anh thứ bảy của Út Thêm (là Liệt sĩ Hồ Văn Tạo, công tác ở Đội Du kích xã Song Bình) nên thường xuyên đến nhà chơi và được gia đình nhận làm con nuôi. Lúc bấy giờ, mặc dù là học sinh, nhưng cô rất thích đi bộ đội, nên những lúc nghỉ học, rảnh rỗi là tự nguyện tham gia vào đoàn dân công tải đạn, tải lương thực của xã. Sau khi 2 người anh là Hồ Văn Tạo và Hồ Văn Thanh hy sinh, Út Thêm càng nung nấu ý chí được đi bộ đội để góp phần bảo vệ quê hương. Trước ngày hy sinh, Út Thêm cho biết ước mơ sau khi hòa bình sẽ đi học để trở thành cô giáo… Ông Hồ Văn Sự (67 tuổi, anh thứ năm của cô Út Thêm) hồi tưởng: “Anh Tạo và anh Thanh tham gia Đội Du kích xã Song Bình từ lúc 13 tuổi và hy sinh lúc tuổi đôi mươi. Còn Út Thêm khao khát tham gia công tác ở xã nhà, nhưng các anh lãnh đạo lúc bấy giờ muốn em đi học. Chiều tối 3-2-1975, đang công tác ở xã Đạo Thạnh, tôi bàng hoàng khi nghe tin em Út Thêm hy sinh khi đang tải đạn phục vụ chiến trường. Gia đình tôi rất tự hào vì sự hy sinh của Út Thêm được tôn vinh và ghi nhận”. Được biết, bà Đặng Thị Sinh (1928 - 1987) - mẹ của cô Út Thêm được truy tặng danh hiệu vinh dự cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” vào ngày 24-4-1995. 

Ông Tư Nhỏ thắp nhang trước di ảnh 8 liệt sĩ đặt trong Nhà bia tưởng niệm.
Ông Tư Nhỏ thắp nhang trước di ảnh 8 liệt sĩ đặt trong Nhà bia tưởng niệm.

Nhắc đến sự hy sinh của 8 dân công tải đạn, ông Nguyễn Văn Võ (nguyên Tiểu đội phó, Khung Huấn luyện Huyện đội Chợ Gạo), phụ trách dân công lúc bấy giờ, kể lại sự kiện ngày 3-2-1975 rất rành mạch: “Nhóm dân công hôm ấy đã nhiều lần tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực và san lấp đồn, bót giặc. Mặc dù các cô đang đi học, nhưng đã tranh thủ tham gia các hoạt động dân công rất nhiệt tình. Trước khi nhận nhiệm vụ, các cô còn bàn với nhau sau chuyến vận chuyển hàng hôm ấy sẽ tổ chức mừng sinh nhật cho một cô bạn trong nhóm…”. Ông Nguyễn Văn Chiêm, người hướng dẫn đoàn dân công tải đạn lúc bấy giờ đã bị thương, cũng là anh em cô cậu ruột với một dân công hy sinh là Nguyễn Thị Tám Thu (hay còn gọi là Đẹp Nhỏ). Ông cho biết: “Vào thời điểm chiến trường sôi sục lúc bấy giờ, lực lượng thanh niên nam nữ ở xã Song Bình luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động phục vụ chiến trường, nhất là vào thời điểm mở mảng chuyển vùng đang triển khai quyết liệt....”.

Sự kiện 8 dân công tải đạn xã Song Bình hy sinh ngày 3-2-1975, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bia tưởng niệm 8 dân công tải đạn xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) là một trong những địa chỉ đỏ của tỉnh Tiền Giang, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước nồng nàn cho nhân dân địa phương, nhất là đối với thế hệ trẻ.

PHÙNG LONG

 

.
.
.