HĐND các cấp: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Giám sát là 1 trong 2 chức năng chủ yếu trong hoạt động của HĐND. Thời gian qua, hoạt động giám sát đã được HĐND các cấp trong tỉnh thực hiện đạt hiệu quả tích cực, nhiều vấn đề bức xúc đã được Đoàn giám sát kiến nghị với UBND và các ngành chức năng giải quyết kịp thời, tạo niềm tin cho cử tri. Tuy nhiên, Thường trực HĐND nhiều huyện, thành, thị thừa nhận bên cạnh những mặt làm được, hoạt động này còn không ít khó khăn, hạn chế.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Theo HĐND tỉnh, thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp các cơ quan hữu quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần sửa đổi, bổ sung kịp thời nhiều nghị quyết chuyên đề sát với điều kiện thực tế. Có thể nói, trong hoạt động giám sát, HĐND các cấp trong tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, giám sát chuyên đề. Cụ thể, Thường trực HĐND và các ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức nhiều đợt giám sát liên quan đến những vấn đề “nóng” được cử tri phản ánh, dư luận quan tâm như: Giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình; giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng đất công; giám sát việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính; giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016 tại một số địa phương trong tỉnh… Các cuộc giám sát của HĐND các cấp đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế. Qua giám sát, nhiều ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát đã được các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời…
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp”. |
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp” mới đây, nhiều đại biểu HĐND cấp huyện cho rằng, hoạt động giám sát của HĐND các cấp còn có những hạn chế nhất định như: Nội dung giám sát chưa sâu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; chưa tập trung giám sát các vấn đề mang tính bức xúc mà nhiều cử tri quan tâm. Mặt khác, một số kết luận giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã còn sơ sài, chưa chỉ đúng căn nguyên, đúng trọng tâm vấn đề đề cập. Trong thực hiện giám sát vẫn còn có sự nể nang, ngại va chạm… nên hiệu lực và hiệu quả giám sát của HĐND chưa cao...
Ông Phùng Thanh Quang, Phó Chủ tịch HĐND huyện Cái Bè cho rằng, cái khó của HĐND huyện là lực lượng cán bộ chuyên trách Thường trực HĐND huyện mỏng, trong khi hoạt động giám sát rộng, bao quát nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều đối tượng nên không đảm đương hết các vấn đề đặt ra. Mặc dù luật quy định cơ quan phải dành 1/3 thời gian trong năm để đại biểu HĐND làm nhiệm vụ đại biểu của dân, nhưng thực tế đại biểu HĐND chủ yếu kiêm nhiệm, dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác do UBND huyện điều hành, dẫn đến bị động trong thực hiện chương trình giám sát.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Cai Lậy Ngô Bá Khả, có những yêu cầu, kiến nghị sau giám sát chậm được khắc phục do việc đôn đốc, theo dõi thực hiện chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, đã ảnh hưởng đến chất lượng giám sát.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
Nhiều đại biểu HĐND cấp huyện cho rằng, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong tỉnh cần nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HDND các cấp. Đại biểu kiêm nhiệm phải dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động đại biểu của dân, năng động, sáng tạo trong thực hiện các quy định của pháp luật, trong hoạt động thực tiễn; nâng cao năng lực dự báo tình hình, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến của cử tri để thu thập thông tin, xử lý thông tin và quyết định các vấn đề cần thiết để thực hiện giám sát. Đổi mới hình thức, phương thức giám sát đảm bảo thực chất, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian chờ có quy định chế tài, xử phạt đối với cơ quan không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, HĐND cần đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, cho thời gian cụ thể để thực hiện...
Theo ông Ngô Bá Khả, cần chú trọng giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát chuyên đề phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, được cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Thông báo kết luận giám sát phải phân tích, đánh giá khách quan về những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết, HĐND ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát, làm cơ sở để HĐND và cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Kỳ Vũ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Phước, cần tăng cường phối hợp giữa Thường trực HĐND và các ban của HĐND với MTTQ trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo do HĐND chuyển đến. Bố trí lực lượng có đạo đức, năng lực và tâm huyết làm công tác này nhằm tạo lòng tin của cử tri…
Tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, đa số những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp do vướng ở cơ chế, quy định pháp luật. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2016, nhiều hạn chế đã được tháo gỡ. Bà đề nghị các đại biểu HĐND các cấp cần quan tâm nghiên cứu sâu những điểm mới của Luật này để tổ chức thực hiện hiệu quả...
HOÀI THU