Thứ Bảy, 08/04/2017, 06:56 (GMT+7)
.

Phát huy thế mạnh từng vùng kinh tế, tạo động lực phát triển bền vững

Đó là một trong những quan điểm quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy được ban hành ngày 5-4 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy đã được UBND tỉnh tổ chức triển khai cho các sở, ban, ngành và địa phương vào sáng ngày 7-4.

Quan điểm chung trong Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy là liên kết phát triển kinh tế - đô thị của mỗi vùng gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; gia tăng mối liên kết vùng, liên kết trong vùng và ngoài tỉnh qua đó hình thành chuỗi liên kết nội vùng và liên vùng.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trên cơ sở tiềm năng của mỗi huyện, thành, thị, tổng hợp các yếu tố để tạo thành lợi thế của từng vùng, năng động, sáng tạo, vận dụng các chính sách để khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, phát triển đồng bộ, có trọng tâm và tạo sự lan tỏa để các địa bàn khó khăn hòa quyện trong sự phát triển chung...

Từ quan điểm chung, Tỉnh ủy cũng xác định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, Vùng Trung tâm (TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành) sẽ phát huy vai trò là hạt nhân, giao lưu trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ, lôi kéo các vùng trong tỉnh; tập trung ưu tiên và liên kết vùng để nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển đô thị, khu - cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao...

TP. Mỹ Tho được xem là đô thị hạt nhân thúc đẩy kinh tế phát triển.
TP. Mỹ Tho được xem là đô thị hạt nhân của Vùng Trung tâm, là đầu tàu thúc đẩy kinh tế Tiền Giang phát triển.

Vùng phía Tây (TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước) sẽ tập trung ưu tiên đầu tư và liên kết vùng để nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu hàng hóa nông sản; chăn nuôi tập trung; gắn với phát triển các khu  -cụm công nghiệp chế biến lúa - gạo, trái cây, thực phẩm; đồng thời phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái.

TX. Cai Lậy được chọn là đô thị trung tâm của Vùng phía Tây (Ảnh: Khắc Thuyên).
TX. Cai Lậy được chọn là đô thị trung tâm của Vùng phía Tây. Ảnh: Khắc Thuyên

Vùng phía Đông (TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông) ưu tiên phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có hiệu quả, thu hút đầu tư phát triển các khu – cụm công nghiệp tập trung, cảng tổng hợp ven biển, vận chuyển biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; hình thành đô thị ven biển; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển...

TX. Gò Công được chọn là đô thị trung tâm của Vùng phía Đông.
TX. Gò Công được chọn là đô thị trung tâm của Vùng phía Đông.

Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là nghị quyết quan trọng, đặc biệt là khi triển khai thực hiện phải đảm bảo phải phát triển về chất so với trước khi đưa ra định hướng 3 vùng kinh tế của tỉnh.

Dịp này, UBND tỉnh cũng triển khai Quyết định của Tỉnh ủy về về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy.

ANH PHƯƠNG

.
.
.