Bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh
Hằng năm, cứ vào dịp tháng 5, cả dân tộc ta vui mừng tổ chức Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19-5-1890) - Người con ưu tú nhất của dân tộc, linh hồn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng cũng thời điểm này, các thế lực thù địch lại dấy lên làn sóng xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng, muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam thì phải tiến công quyết liệt vào tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sụp đổ tận gốc niềm tin của nhân dân đối với Bác Hồ, với Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, mọi hoạt động thực tiễn có tính chất cách mạng lớn, mọi quá trình cách mạng có tính chất thực tiễn, có tính chất phong trào muốn tiến triển nhanh chóng và mau giành thắng lợi trọn vẹn thì đều phải có tư tưởng, lý luận tiên phong soi sáng, dẫn dắt. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đây là một bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng ta. Đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta đưa ra khái niệm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Định nghĩa trên là một bước tiến mới trong tư duy, nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ thế giới. Hạt nhân trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc và giai cấp gắn chặt với nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh được thực tiễn Việt Nam chứng minh hùng hồn rằng, đây không chỉ là luận thuyết khoa học, mà đã trở thành hiện thực trong cuộc sống, được hiện thực hóa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; được đúc kết thành nhân cách Hồ Chí Minh, thể hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức, phương pháp, phong cách ở con người Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa dân tộc, lịch sử mà còn có ý nghĩa quốc tế và thời đại, không chỉ tồn tại và tác động trong thế giới ngày nay mà còn trường tồn cho cả mai sau.
Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ có thể bị đánh đổ, bởi vì những thành quả của cuộc cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo đã trở thành một “pho sử vàng” quý nhất, trong sáng nhất và đáng tự hào nhất của dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ có thể mất bởi vì còn đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là sự kết tinh văn hóa của dân tộc, là sự hội tụ tinh túy văn hóa của cả phương Đông và phương Tây. Hơn nữa, đó còn là một dự báo về một nền “văn hóa tương lai” của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng và nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Con đường đó càng chông gai, gian khổ thì càng cần ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, chỉ lối, càng phải bảo vệ để ngọn đèn không bao giờ bị tắt trước các thế lực thù địch chống phá. Để bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết nghĩ phải làm tốt mấy việc chủ yếu sau đây:
Một là, luôn kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong toàn bộ tiến trình vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành “linh hồn bất tử” của cán bộ, đảng viên trong những cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang trước đây. Kiên định không có nghĩa ôm khư khư cái cũ, không sáng tạo, đổi mới, vận dụng máy móc, giản đơn. Vận dụng và phát triển sáng tạo chính là cách bảo vệ tốt nhất tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ sức sống và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải khô cứng, giáo điều và chủ nghĩa xã hội không phải là khuôn mẫu có sẵn, mà luôn sinh động, sáng tạo trong đời sống hiện thực. Mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu bị sụp đổ, nhưng đó là sự sụp đổ của một mô hình chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội khoa học, của tư tưởng lý luận cách mạng. Sự sụp đổ đó, sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay cần được nghiên cứu, tổng kết, đúc rút lý luận, làm sảng tỏ những vấn đề mới hiện nay, để bổ sung, phát triển, làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là một học thuyết khoa học nhất, cách mạng nhất, chắc chắn nhất, vạch ra xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Ba là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của mọi tổ chức và mọi người, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn là, luôn đứng vững trên lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh kiên quyết với những quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng nước ta. Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí đã chỉ rõ: “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”.
VĂN ĐẠO