Thứ Ba, 16/05/2017, 20:38 (GMT+7)
.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Theo Điều lệ Đảng, tổ chức cơ sở Đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) có vị trí, vai trò quan trọng, là nền tảng của Ðảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Chi bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần để đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Ðảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên; kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên chấp hành Ðiều lệ Ðảng… Vì vậy, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Về vấn đề này, Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (tháng 3-2007) quy định rất rõ nội dung, biện pháp sinh hoạt chi bộ. Tiếp đó, vào tháng 3-2012, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn 09-HD/BTCTW về nội dung sinh hoạt chi bộ, trong đó nêu rõ nội dung và các bước tiến hành (nội dung chung đối với các loại hình chi bộ và nội dung cụ thể đối với một số loại hình chi bộ). Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay (tháng 1-2012), trong 4 nhóm giải pháp, có nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng, trong đó có đề ra “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (tháng 10-2016) đánh giá: Nội dung sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Nghị quyết yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao tính hấp dẫn, tính giáo dục, tính lãnh đạo, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ và để sinh hoạt chi bộ phong phú, sinh động, thực chất, hiệu quả cao, đề nghị Trung ương sớm tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, 5 năm thực hiện Hướng dẫn 09 HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, nhằm đánh giá ưu điểm, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, tổng kết những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó ban hành thực hiện chỉ thị và hướng dẫn mới đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Điều cần nhấn mạnh là, mỗi đảng viên, chi bộ phải nhận thức sâu sắc việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó tích cực góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy chi bộ, đứng đầu là đồng chí bí thư có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ từ khâu chuẩn bị nội dung, lập chương trình, phân công, điều hành đến xử lý các tình huống cụ thể và kết luận hội nghị chi bộ theo đúng hướng dẫn sinh hoạt chi bộ của cấp trên.

Trong sinh hoạt chi bộ cần chú trọng cả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; gắn chặt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

M.T

.
.
.