Thứ Sáu, 26/05/2017, 20:16 (GMT+7)
.

Đồng chí Phan Văn Khỏe với quá trình gây dựng tổ chức cơ sở Đảng

Đầu năm 1940, đồng chí Phan Văn Khỏe được tăng cường về làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, nhằm duy trì sự ổn định về tổ chức, giữ vững và tiếp tục phát triển lực lượng, đón thời cơ cách mạng.

Đình Long Hưng - nơi cờ đỏ sao vàng 5 cánh xuất hiện đầu tiên, do đồng chí Phan Văn Khỏe trực tiếp chỉ đạo và tham gia thiết kế.
Đình Long Hưng - nơi cờ đỏ sao vàng 5 cánh xuất hiện đầu tiên, do đồng chí Phan Văn Khỏe trực tiếp chỉ đạo và tham gia thiết kế.

Tháng 7-1940, Xứ ủy Nam kỳ triệu tập cuộc họp toàn Xứ tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Hội nghị đã kết luận: Chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân”. Hội nghị phân công các đồng chí gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Phan Văn Khỏe được hội nghị bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy, trực tiếp chỉ đạo Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Như vậy, từ Hội nghị Trung ương 6 của Đảng (tháng 11-1939), Xứ ủy Nam kỳ trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn đã trực tiếp đề ra đường lối khởi nghĩa giành chính quyền tại Nam kỳ. Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho Phan Văn Khỏe đã trực tiếp lãnh đạo Tỉnh ủy tổ chức kiện toàn tổ chức, phổ biến Nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy đến tận các chi bộ. Đồng thời, đồng chí trực tiếp giao nhiệm vụ cho các địa phương chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa.

Các công việc cụ thể là: Đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng, chú trọng lực lượng vũ trang; cho lưu hành rộng rãi trong tổ chức tờ Báo “Tiến lên”, cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Mặt trận Phản đế; in truyền đơn kêu gọi nhân dân phản đối đế quốc Pháp khủng bố, chống phát xít Nhật xâm lược, chống bắt lính, chống giá cả đắt đỏ…; giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Quang Sô dịch và tổ chức in tài liệu “Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh”, hoàn chỉnh lá cờ khởi nghĩa để thông qua Xứ ủy. Đồng chí Phan Văn Khỏe cũng đặc biệt quan tâm công tác vận động binh lính địch, cùng với việc tuyên truyền giáo dục binh lính tại ngũ, coi đây là một mặt quan trọng góp phần xây dựng lực lượng của ta, làm suy yếu lực lượng địch. Đồng chí đã đưa đồng chí Tốt (ngụ xã Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy) là Tỉnh ủy viên đi lính để làm công tác địch vận.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phan Văn Khỏe cùng với Tỉnh ủy, từ đầu năm 1940, công tác chuẩn bị khởi nghĩa trong tỉnh được ráo riết thực hiện: Củng cố các tổ chức quần chúng cách mạng; thành lập Ban Quân sự, Ban Khởi nghĩa; thành lập các đội tự vệ chiến đấu, các đơn vị nghĩa quân tích cực sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Mỹ Tho phát triển, diễn ra liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau. Phong trào chống bắt lính cũng diễn ra sôi nổi.

Tháng 8-1940, đồng chí Phan Văn Khỏe chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy mở rộng để bàn việc xúc tiến mạnh hơn nữa việc tổ chức lực lượng vũ trang, mua sắm và chế tạo vũ khí, tích trữ lương thực, thuốc men, may cờ, in tài liệu, tập luyện quân sự… chuẩn bị cho khởi nghĩa. Công tác xây dựng căn cứ cách mạng cũng được đẩy mạnh khẩn trương hơn. Căn cứ của Tỉnh ủy được chọn ở Ba U, các quận cũng chọn những nơi có cơ sở, phong trào mạnh làm căn cứ. Những căn cứ này đều nằm trong vùng Đồng Tháp Mười và gần với căn cứ của tỉnh.

Đồng chí Phan Văn Khỏe và Tỉnh ủy đã chỉ đạo các xã có chi bộ, có phong trào mạnh tổ chức diễn tập khởi nghĩa để rút kinh nghiệm. Hình thức diễn tập được các chi bộ tổ chức là tập hợp quần chúng đến địa điểm nhất định dự mít tinh, nghe diễn thuyết, sau đó vừa tuần hành vừa hô khẩu hiệu chống chiến tranh, đả đảo bọn cai trị đàn áp, kêu gọi mọi người đứng lên đánh đổ quân xâm lược. Các cuộc diễn tập sôi nổi ở các xã Cẩm Sơn, Mỹ Hạnh Đông… với hàng trăm quần chúng tham dự.

Ngày giờ khởi nghĩa đã đến gần, công việc càng gấp rút hơn bao giờ hết. Đầu tháng 11-1940, đồng chí Phan Văn Khỏe triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy để kiểm điểm tình hình chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong Tỉnh ủy và các quận ủy; thành lập Ủy ban Khởi nghĩa ở các cấp và khi giành được chính quyền thì các Ủy ban Khởi nghĩa làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân. Trong cuộc họp, đồng chí nhận nhiệm vụ truyền lệnh và trực tiếp phụ trách khởi nghĩa tại quận Cai Lậy.

Đêm 22 rạng 23-11-1940, khi nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy, đồng loạt các xã trong tỉnh đều nổi dậy. Du kích, thanh niên, người già và phụ nữ tham gia vào đội quân khởi nghĩa. Trống, mõ, gậy tầm vông, giáo, mác… đều trở thành vũ khí, tất cả đều nhắm vào đồn bốt, công sở của địch để triệt phá. Cuộc khởi nghĩa đã giáng vào chính quyền cai trị của thực dân Pháp những đòn chí tử. Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho thành lập chính quyền cách mạng. Tại đình Long Hưng, ngay trong ngày 23-11-1940, trước hơn 3.000 đồng bào đến dự, chính quyền cách mạng tỉnh ra mắt nhân dân. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch.

Trước khí thế vang trời của cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã sử dụng mọi biện pháp đàn áp, khủng bố vô cùng tàn bạo. Để duy trì thành quả cuộc khởi nghĩa, đồng chí Phan Văn Khỏe triệu tập cuộc họp Ban Khởi nghĩa và chỉ đạo cho các đồng chí rút vào Đồng Tháp Mười tiếp tục đánh du kích, chờ thời cơ nổi dậy. Số đảng viên, cán bộ nào lộ mặt cho phân tán, rút vào bí mật. Đối với quần chúng tham gia nổi dậy thì giải thích cho họ hiểu tình thế và đề ra các tình huống để họ tự giải quyết.

(Lược ghi tham luận của PGS. TS NGUYỄN NGỌC HÀ, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Th.s ĐỖ VĂN PHƯƠNG, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 
) 

.
.
.