Thứ Hai, 22/05/2017, 09:48 (GMT+7)
.

Thái độ đúng đối với những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm

Trong quá trình sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ đã lường trước tình huống phải có quan điểm, thái độ như thế nào đối với những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, bởi theo Bác, trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hằng ngày, cán bộ, đảng viên của Đảng không tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai lầm; điều quan trọng là thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và quyết tâm sửa chữa, để Đảng ta, cán bộ ta tiến bộ mãi.

 Người chỉ rõ: “Trên con đường phát triển cách mạng của mình, mỗi đồng chí chúng ta luôn luôn có ưu điểm và không tránh khỏi có khuyết điểm. Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Người còn nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”; “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Người còn khẳng định: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm”.

Đối với những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, theo Bác Hồ, phải có thái độ khoa học, cách mạng, rất độ lượng, song cũng rất nghiêm khắc. Bác nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm”.

 “Đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Bác chỉ rõ rằng: “Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. “Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo”.

 Bác nhấn mạnh: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tích rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”.

Bác phê phán 4 thái độ không đúng đối với cán bộ, đảng viên mắc sai lầm của bọn phản động, của đảng viên và cán bộ đầu cơ, của đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt và của những người máy móc, chủ quan.

Bác dạy, đối với những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm thì phải thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và quyết tâm sửa chữa. Bác nhấn mạnh, còn đối với loại cán bộ do “hám danh trục lợi”, “cố ý phá hoại”, lại “ngoan cố, không chịu ăn năn”, “phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi”, thì chúng ta phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, “phải có kỷ luật thích đáng”, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.

Vừa qua, theo lời dạy của Bác Hồ là phải có thái độ khoa học, cách mạng, rất độ lượng song cũng rất nghiêm khắc, phải tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên mắc sai lầm sửa chữa khuyết điểm, Đảng ta xử lý kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng - một cán bộ cao cấp của Đảng - là rất nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng cũng tạo điều kiện cho đồng chí “đoái công chuộc tội” và bản thân đồng chí cũng đã nhận ra sai sót, xin lỗi nhân dân, xin lỗi Đảng, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Về vấn đề này, mọi người cần bình tĩnh, cảnh giác với những ý kiến, quan điểm kích động nói phe này đánh phe kia, đấu đá nội bộ…, vì đây cũng là 1 trong 4 thái độ không đúng đối với những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm mà Bác từng cảnh báo.

NHƯ NGỌC

.
.
.