Chào mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6
Bác Hồ là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng nước nhà, đồng thời là nhà báo vĩ đại, giàu kinh nghiệm. Bác dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Bài báo là tờ hịch cách mạng”; “Người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.
Vào tháng 2-1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã chọn ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Từ đó đến nay, ngày này là dịp để mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo soi rọi lại hoạt động và nghề nghiệp của mình.
Có thể nói, chưa bao giờ nền báo chí Việt Nam lại phát triển một cách sôi nổi và năng động như hiện nay. Số lượng các cơ quan báo chí tăng nhanh, đi kèm là số lượng nhà báo cũng tăng cao. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, báo chí cách mạng đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của nước nhà, xứng đáng với vai trò, chức năng là tiếng nói của Đảng và Nhà nước; đồng thời là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, và chính trong quá trình đổi mới đất nước mà báo chí và đội ngũ những người làm báo nước ta không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Mỗi nhà báo, từng cơ quan báo chí đã phát huy thật tốt truyền thống vẻ vang của các thế hệ những người làm báo đi trước, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và kỳ vọng của nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện có đủ các loại hình báo chí, bao gồm báo in, phát thanh, truyền hình, cả báo điện tử. Báo chí Tiền Giang đã đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển của tỉnh nói riêng và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. Đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà hôm nay luôn biết ơn và ghi nhớ truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, mưu trí, dũng cảm của các thế hệ làm báo tỉnh nhà trước đây. Từ đó, ra sức phấn đấu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Tiền Giang giàu đẹp.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi những người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và luôn trau dồi đạo đức báo chí. Người làm báo phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp; nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội của mình; phải có trình độ chuyên môn và phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện.
Vì thế, đội ngũ người làm báo hôm nay phải luôn xông xáo vào thực tiễn cuộc sống, viết những tin, bài hay, có chất lượng cao về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phản ánh các vấn đề về kinh tế , văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội…
Trong thời đại ngày nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng, tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, do vậy, hơn lúc nào hết, những người làm báo của tỉnh hôm nay phải phát huy thật tốt truyền thống vẻ vang của các thế hệ những người làm báo đi trước, luôn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết nhất trí để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
NHƯ NGỌC