Chủ Nhật, 25/06/2017, 13:27 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU LÊ QUANG TRÍ (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 5 vấn đề vào dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng

Sáng 19-6, Quốc hội họp ở Hội trường để thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lê Quang Trí  (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật và tham gia góp ý 5 vấn đề cụ thể sau:

 

Thứ nhất, tại Điều 79, Điều 84 và Điều 89 quy định như dự thảo Luật là không toàn diện, không đảm bảo phát triển rừng theo chuỗi giá trị, cũng như phát triển rừng một cách bền vững. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều riêng về chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bao gồm các khoản, điểm quy định một cách chi tiết các chính sách của Nhà nước đảm bảo bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Đặc biệt là, chính sách thu hút người dân trồng rừng; chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trong canh tác rừng cũng như bảo vệ rừng; chính sách phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch sinh thái kết hợp; chính sách khuyến khích chuyển đổi giống cây rừng có giá trị cao, cũng như chính sách phát triển chế biến thương mại lâm sản...

Thứ hai, tại Điều 67 và Điều 70 có cùng nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học theo chương trình, dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và còn rất chung chung. Đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 điều riêng về nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong bảo vệ và phát triển rừng, trong đó quy định cụ thể các khoản, điểm như sau:
Một, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ để xây dựng và phát triển các mô hình bảo vệ các bờ biển xung yếu của Tổ quốc. Vì thực tế hiện nay có rất nhiều đoạn bờ biển cùng với rừng phòng hộ bị xói lở và bị mất rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê biển, như tuyến đê biển Gò Công ở tỉnh Tiền Giang, tuyến đê biển Gành Hào và Nhà Mát ở tỉnh Bạc Liêu...
Hai, trong nghiên cứu khoa học, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch một cách kết hợp để làm tăng giá trị rừng, đảm bảo người dân có thu nhập khá trên diện tích rừng đã được giao.

Ba, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ rừng, trong cảnh báo lâm tặc, cảnh báo cháy rừng, như sử dụng camera, sử dụng flycam, sử dụng trạm biến độ ẩm nhiệt độ không khí và gửi thông tin một cách thường xuyên về cán bộ cũng như tổ chức có trách nhiệm.

Thứ ba, liên quan đến khoa học công nghệ được quy định tại Điều 48 về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ đào tạo dạy nghề về lâm nghiệp. Trong điều này có 3 khoản, nhưng không có một khoản nào nói về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này vào và điều chỉnh cụm từ “tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ” thành cụm từ “tổ chức khoa học công nghệ” để phù hợp với Luật Khoa học và công nghệ 2013.

Thứ tư, về dịch vụ môi trường rừng tại Mục 4, Chương VII, cơ bản đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 77 quy định đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản này quy định các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon của rừng bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có phát thải khí nhà kính, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu làm rõ các cơ sở này là cơ sở nào, như quy định tại điểm a và b của khoản này. Ví dụ, có thể đưa nhà máy nhiệt điện vào trong điểm b, vì nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ nhà máy nhiệt điện là rất lớn, được chi trả một phần cho người dân trồng rừng, sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân được giao rừng và giúp bảo vệ cũng như phát triển rừng một cách bền vững.

Thứ năm, tại khoản 5, Điều 77, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết giá dịch vụ môi trường rừng để làm cơ sở thu, chi trả và quản lý tiền dịch vụ môi trường rừng một cách hợp lý.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.