Thứ Sáu, 09/06/2017, 21:41 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN HOÀNG MAI (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý về quản lý và một số kiến nghị về an toàn thực phẩm

Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016. Đây là nội dung Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp thứ ba.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản thống nhất với các nội dung Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 và trình bày các nội dung có liên quan về thực trạng tình hình quản lý Nhà nước và một số kiến nghị.

Thứ nhất, về thực trạng an toàn thực phẩm, có thể nói, vấn đề thực phẩm không an toàn không phải là vấn đề mới phát sinh, mà đã được lên tiếng từ nhiều năm nay. Từ năm 2009, Quốc hội khóa XII đã thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm và ban hành Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, tuy đã có những chuyển biến nhất định trong kiểm soát an toàn thực phẩm, song chuyển biến còn chậm và tình trạng thiếu an toàn thực phẩm vẫn đang xảy ra khá phổ biến ở nước ta, đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2016, đã kiểm tra theo kế hoạch trên 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó phát hiện có trên 20% số cơ sở vi phạm  pháp luật về an toàn thực phẩm. Các hành vi và hiện tượng vi phạm về an toàn thực phẩm thường thấy là bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định, sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng...

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011 - 2016 có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm, bởi thực tế còn hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hằng ngày thông qua thực phẩm không an toàn. Trong bối cảnh chung sống với thực phẩm không an toàn, một bộ phận dân cư có điều kiện tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo kiểu tự cung, tự cấp, đa số phó mặc sức khỏe. Phòng bệnh hơn trị bệnh, khi phòng bệnh không được thì người dân bất an, đó là điều đương nhiên. Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thứ hai, về thực hiện quản lý Nhà nước. Nói chung, các cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định hướng dẫn, tổ chức thực hiện, bộ máy tổ chức, trang thiết bị kỹ thuật từng bước được tăng cường; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được coi trọng, nhất là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và trong các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn vừa qua, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên những hạn chế lớn sau đây:

Một là, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, cuối cùng vẫn là thực phẩm không an toàn và người dân phải chịu hậu quả. Phòng, chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng điều hành, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Hai là, lực lượng làm công tác an toàn thực phẩm, nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương còn thiếu, có trường hợp còn hạn chế về chuyên môn, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc.

Ba là, kinh phí cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trong giai đoạn vừa qua còn rất hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho công tác này còn phân tán ở nhiều công việc, nhiều bộ phận, nhiều cấp khác nhau và chưa thực sự ưu tiên nội dung chi cho hợp lý.

Bốn là, về thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn theo phân cấp quản lý hiện nay.

Năm là, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện còn mang tính phong trào theo đợt, nhất là ở cơ sở.

Thứ ba, về các giải pháp kiến nghị, cơ bản thống nhất với các giải pháp mà Chính phủ và Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất, trong đó có các giải pháp về thể chế, chính sách, tổ chức thực hiện, các đề xuất giải pháp củng cố lại tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả tập trung đầu mối, bảo đảm cấp đủ ngân sách Nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm theo dự toán. Đặc biệt là, cho phép sử dụng 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho công tác an toàn thực phẩm cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp. Đây là các giải pháp mang tính đột phá để bảo đảm an toàn thực phẩm và tin tưởng các đề xuất giải pháp này sẽ sớm được triển khai thực hiện. Ngoài các giải pháp lớn mà Chính phủ và Đoàn giám sát Quốc hội đề xuất, tôi kiến nghị thực hiện thêm một số giải pháp sau:

Một là, thiết lập đường dây nóng với số dễ nhớ để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Hai là, kiểm soát chặt chất xả thải từ các cơ sở sản xuất, đặc biệt từ các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp, vì nhiều thực phẩm nhiễm bẩn do nguồn nước cung cấp cho vật nuôi, cây trồng không được xử lý an toàn.

Ba là, các tỉnh, thành phố nghiêm túc xem xét tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, tức là 100% hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc công nhận xã nông thôn mới và phải coi đây là tiêu chí cứng, không cho nợ.

Bốn là, UBND cấp huyện, cấp xã nên hướng dẫn cơ sở đưa các nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm vào các hương ước, quy ước. Một khi người dân đồng thuận, tự nguyện đưa nội dung này vào các hương ước, quy ước của mình thì họ sẽ đề ra cơ chế bảo đảm thực hiện.

Năm là, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ, vì phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ tại cộng đồng, cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm bữa cơm hằng ngày trong gia đình.

Sáu là, đề nghị cơ quan dân cử thường xuyên giám sát thi hành pháp luật an toàn thực phẩm, ít nhất hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội và UBND các cấp báo cáo HĐND cùng cấp về việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.